(ĐSPL) – Nhằm nâng cao hiệu quả công tác hội nhập quốc tế trong thời gian tới, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ đưa ra 4 giải pháp cho vấn đề này.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội thảo Khoa học - thực tiễn “Hội nhập kinh tế quốc tế - 30 năm nhìn lại và thực tiễn Quảng Ninh”. |
Theo Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, gần 30 năm đổi mới, nước ta đã hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng trên nhiều cấp độ, đa dạng về hình thức, theo nguyên tắc và chuẩn mực của thị trường toàn cầu; đã thiết lập được nhiều quan hệ đối tác chiến lược về kinh tế; tích cực xây dựng Cộng đồng ASEAN và hoàn thiện thị trường trong nước đầy đủ hơn theo cam kết WTO; đàm phán, ký kết và thực hiện nhiều Hiệp định tự do song phương và đa phương thế hệ mới.
Các yếu tố nền tảng cơ bản của kinh tế thị trường dần được hình thành và được nhiều nước thừa nhận. Cho đến nay đã có gần 50 quốc gia công nhận nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường, trong đó có các đối tác thương mại lớn của Việt Nam, đồng thời Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao và thương mại với hơn 170 quốc gia.
Cùng với đó, trên 90 Hiệp định thương mại song phương, gần 60 Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, 54 Hiệp định chống đánh thuế hai lần đã được ký kết. Quan hệ hợp tác đa phương và khu vực tích cực hơn với nhiều tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB).
Việt Nam hiện đang tham gia 08 Hiệp định thương mại tự do khu vực và song phương (FTA); đã chủ động tham gia và đưa ra nhiều đề xuất nhằm thúc đẩy đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Đối tác kinh tế khu vực toàn diện (RCEP); đàm phán về Hiệp định Thương mại Tự do (FTAs) với Liên minh châu Âu (EU), Hàn Quốc, Liên minh hải quan gồm Nga, Belarus, Kazakhstan...
Việc tham gia ký kết và đàm phán tham gia các hiệp định FTA có tác động tích cực tới phát triển kinh tế, giúp xây dựng và hoàn thiện nền kinh tế thị trường đầy đủ có định hướng XHCN, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm, phát triển nông nghiệp, nông thôn, giải quyết lao động, tạo công ăn việc làm, nâng cao tiền lương và thu nhập.
Ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh, việc hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng và đa dạng đã tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế nước ta. Thị trường xuất khẩu của Việt Nam được mở rộng đến 230 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2011-2013 tăng bình quân 22,58\%/năm. Môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp chủ động động hơn trong việc tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Hiện nay, Việt Nam đã tham gia vào ba chuỗi giá trị có vai trò ngày càng quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu, nổi bật nhất đó là: Chuỗi giá trị lương thực và an ninh lương thực; chuỗi giá trị năng lượng và an ninh năng lượng (dầu mỏ, khí, than) và chuỗi giá trị hàng dệt may và da giầy. Một số sản phẩm của Việt Nam đã xác lập được thương hiệu và có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế như dầu khí, viễn thông, dệt may, một số sản phẩm nông sản (gạo, cà phê, hạt tiêu...).
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, những thành quả đó đã chứng tỏ đường lối đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng và Nhà nước ta đang được thực tiễn khẳng định. Đổi mới tư duy kinh tế của Đảng về hội nhập kinh tế quốc tế đã đem lại thành tựu to lớn cho đất nước. Nhận thức đúng về đường lối mở cửa, hội nhập của Đảng trong phát triển kinh tế qua gần 30 năm đổi mới cho chúng ta có các bước đi thích hợp trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Để nâng cao hiệu quả công tác hội nhập quốc tế trong thời gian tới, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ đã gợi mở 4 giải pháp cho vấn đề này:
Một là, cần chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, trong đó hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm gắn với xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. Về quan niệm xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, cần chủ động bám sát chủ trương, định hướng hội nhập quốc tế của Đảng, Nhà nước ta và yêu cầu của tình hình kinh tế đất nước.
Để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cần có sự đổi mới và giải quyết đúng đắn về một số vấn đề lớn: (1) Sự thay đổi nội hàm của các khái niệm truyền thống như quốc gia, dân tộc, vị thế quốc gia, an ninh quốc gia, liên kết toàn cầu và khu vực, tính tuỳ thuộc và phụ thuộc của nền kinh tế quốc gia vào nền kinh tế thế giới…; (2) Nội hàm độc lập, tự chủ về kinh tế trong điều kiện thị trường và hội nhập quốc tế; (3) Quan hệ giữa độc lập, tự chủ kinh tế và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế trong thời đại hiện nay; (4) Các yếu tố cơ bản của độc lập, tự chủ quốc gia trong môi trường toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế; (5) Các điều kiện bảo đảm sự độc lập tự chủ.
Hiện nay, không thể nói độc lập kinh tế theo nghĩa như trước vì tất cả các nền kinh tế đều liên thông và phụ thuộc lẫn nhau. Nhưng phải giữ được tự chủ kinh tế (tự quyết định và đường lối, chiến lược phát triển) với những vấn đề đặt ra như: Quan hệ giữa luật lệ và quy tắc của hệ thống kinh tế thế giới và định hướng phát triển quốc gia; định hướng XHCN trong hội nhập kinh tế quốc tế; cơ chế bảo đảm giữ được độc lập, tự chủ kinh tế và định hướng XHCN trong khi phải đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế cho một nền kinh tế còn yếu kém và lạc hậu.
Hai là, cần nghiên cứu sâu chính sách “mở cửa” và quá trình chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế về thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ và các cam kết mang tính thể chế trong từng hiệp định (FTA/ASEAN, ASEAN+, FTA song phương, WTO, TPP…) để tạo ra những cơ hội cho việc thu hút đầu tư nước ngoài và hoạt động xuất khẩu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo thêm việc làm…; giảm thiểu những rủi ro, giành thế chủ động trong đàm phán để có những thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam khi hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu với những luật chơi khắc nghiệt hơn, đòi hỏi cao hơn và phức tạp hơn.
Ba là, tiếp tục nghiên cứu, đàm phán, ký kết, chuẩn bị kỹ các điều kiện thực hiện các hiệp định tư do thương mại yêu cầu ở cấp độ cao hơn trong hội nhập kinh tế toàn cầu, tham gia các điều ước quốc tế trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư…; có đại diện làm việc tại các tổ chức thương mại, đầu tư, giải quyết tranh chấp quốc tế. Chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế; đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ kinh tế quốc tế, gắn với xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ; tránh lệ thuộc vào một thị trường, một đối tác cụ thể.
Bốn là, rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách nhằm thực thi có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã và sẽ ký kết, nhất là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU. Hoàn thiện thể chế để tận dụng cơ hội và phòng ngừa, giảm thiểu các thách thức do tranh chấp quốc tế, nhất là tranh chấp thương mại, đầu tư quốc tế. Phát huy vai trò là thành viên có trách nhiệm trong Cộng đồng kinh tế ASEAN, WTO, TPP,… Hoàn thiện pháp luật về tương trợ tư pháp phù hợp với pháp luật quốc tế.
Ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh, đất nước ta đang tiến hành tổng kết 30 năm đổi mới đất nước trong đó hội nhập kinh tế quốc tế đóng vai trò vô cùng quan trọng. Với niềm tin vào đường lối đúng đắn trong hoạch định chiến lược, chính sách và phù hợp cho từng giai đoạn phát triển của Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ, sự cố gắng vươn lên trong tổ chức thực hiện chủ trương hội nhập của các cấp, các ngành, các địa phương, chúng ta luôn tin tưởng vào sự phát triển thịnh vượng của nước ta trên con đường hội nhập kinh tế quốc tế.