Điều lạ từ đơn vị trượt thầu
Kết quả phân tích dữ liệu trên Hệ thống mạng đấu thầu Quốc gia cho thấy: trung tâm Tư vấn và Dịch vụ Tài chính công Hà Tĩnh có quan hệ với 77 nhà thầu; đã công bố kế hoạch lựa chọn nhà thầu của 93 dự án với tổng số 179 gói thầu; đã thực hiện mời thầu 72 gói (với 82 thông báo mời thầu); đã công bố kết quả của 53 gói, hủy thầu 0 gói (trong số các gói thầu ở trên); có 93 gói có kết quả mà không có TBMT, TBMST; trung bình số nhà thầu tham gia mỗi gói thầu là: 2,07 nhà thầu; lĩnh vực mời thầu: 100% là hàng hoá; tổng giá trị theo gói thầu có KQLCNT hợp lệ là: 2.292.828.816.797 đồng, trong đó tổng giá trị trúng thầu là: 2.264.758.573.013 đồng (Bằng chữ: Hai nghìn hai trăm sáu mươi tư tỷ, bảy trăm năm mươi tám triệu, năm trăm bảy mươi ba nghìn, không trăm mười ba đồng); tỉ lệ tiết kiệm là: 1,22%.
Ngày 13/9 vừa qua, Giám đốc trung tâm Tư vấn và Dịch vụ Tài chính công Hà Tĩnh Lê Viết Cường cùng 6 người khác bị bắt tạm giam để điều tra vì liên quan vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong hoạt động đấu thầu mua sắm trang thiết bị giáo dục. Kết quả điều tra ban đầu xác định các bị can đã có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về đảm bảo công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu mua sắm trang thiết bị giáo dục, gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản Nhà nước.
Theo nghiên cứu tài liệu của phóng viên, trung tâm Tư vấn và Dịch vụ Tài chính công Hà Tĩnh còn làm chủ đầu tư nhiều gói thầu về lĩnh vực thiết bị y tế, trong đó có gói thầu biểu hiện chênh lệch giá sản phẩm khi so sánh với giá các đơn vị khác từng mua sắm và giá thị trường.
Cụ thể, theo Quyết định số 08/QĐ-TrTTC ngày 28/03/2022, ông Lê Viết Cường - Giám đốc trung tâm Tư vấn và Dịch vụ Tài chính công Hà Tĩnh đã phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu “TB 03.2021: Mua sắm thiết bị y tế theo danh mục, số lượng được phê duyệt; Dự án mua sắm tài sản Nhà nước theo phương thức tập trung đợt 2 năm 2021 (mua sắm thiết bị y tế)”.
Nguồn vốn thực hiện gói thầu là từ ngân sách Nhà nước đã được bố trí và nguồn hợp pháp khác của đơn vị. Gói thầu thực hiện theo phương thức Một giai đoạn hai túi hồ sơ, hình thức đấu thầu rộng rãi. Có 2 nhà thầu tham dự thầu, trong đó có một liên danh và một nhà thầu độc lập. Sau quá trình xét duyệt, công ty TNHH đầu tư thương mại và dịch vụ An Đạt bị trượt thầu với lý do không đạt ĐGSB (không đáp ứng E-HSMT).
Được biết, công ty TNHH đầu tư thương mại và dịch vụ An Đạt có địa tại số 1, C15, khu tập thể 918 phường Phúc Đồng, quận Long Biên, Hà Nội), người đại diện pháp luật là ông Phạm Văn Hiệp. Điều lạ là, đơn vị này tham gia 18 gói thầu nhưng chưa từng trúng một gói thầu nào, tổng giá trị trúng thầu bằng 0 đồng. Một công ty chưa từng thực hiện gói thầu nào nhưng lại nộp hồ sơ tham dự thầu gói thầu giá trị gần 100 tỷ đồng, mặc dù biết chắc chắn mình sẽ trượt thầu.
“Công ty có năng lực bằng 0 mà đi đấu thầu gói thầu gần 100 tỷ thì cũng hơi lạ, có thể họ biết chắc mình sẽ trượt thầu và tham dự với vai trò khác”, một chuyên gia trong lĩnh vực đấu thầu nhận định.
Dấu hiệu chênh lệch giá sản phẩm rất cao
Nhà thầu (Liên danh công ty Cổ phần Trang thiết bị và Công trình Y tế; công ty Cổ phần Thiết bị - Công nghệ Hà Nội; công ty TNHH thiết bị y tế Thành Phát; công ty Cổ Phần Đầu Tư HDN; công ty TNHH Việt Phan; công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Thanh Phương) trúng gói thầu TB 03.2021 Mua sắm thiết bị y tế theo danh mục, số lượng được phê duyệt với giá là 98.002.195.000 đồng (Bằng chữ: Chín mươi tám tỷ, không trăm lẻ hai triệu, một trăm chín mươi lăm nghìn đồng), so với giá dự toán 99.346.748.000 đồng thì tiền tiết kiệm sau đấu thầu là 1.344.553.000 đồng, đạt tỉ lệ 1,35%.
Trong danh mục hàng hoá được phê duyệt tổng cộng bao gồm 150 hạng mục thiết bị, một số sản phẩm có cùng ký hiệu, mã và xuất xứ, nhưng giá được mua sắm tại gói thầu này cao hơn nhiều so với giá đơn vị công khác mua sắm cũng qua hình thức đấu thầu, hoặc giá trên thị trường.
Đơn cử, máy tán sỏi Laser (qua da) (Model: 1210-VHP) của hãng Trimedyne có đơn giá trúng thầu là 9.782.850.000 đồng. Nguồn tin đáng tin cậy của PV, chiếc máy này đã được công ty TNHH Accutech Việt Nam nhập khẩu về cảng hàng không Nội Bài với giá khoảng 7,7 tỷ đồng. Vậy chỉ riêng một chiếc máy này, số tiền chênh lệch đã lên tới 2 tỷ đồng.
Trung tâm Y tế huyện Lâm Thao đã tổ chức đấu thầu và mua sắm Máy siêu âm màu 4D Arietta 65 của hãng Hitachi Ltd. (Fujifilm Healthcare Corporation) với giá 1.470.000.000 đồng/chiếc. Nhưng trong gói thầu này, giá máy là 1.980.000.000 đồng/chiếc, số tiền chênh lệch là hơn 500.000.000 đồng.
Máy siêu âm mắt AB US-4000 của hãng NIDEK có giá tại gói thầu là 795.000.000 đồng/chiếc. Tuy nhiên, sở Y tế tỉnh Cà Mau đấu thầu và mua sắm chiếc máy này với giá chỉ 448.980.000 đồng/chiếc. Số tiền chênh lệch là hơn 300.000.000 đồng.
Tương tự, sở Y tế tỉnh Quảng Bình mua kính hiển vi phẫu thuật mắt tích hợp hệ thống Camera OPMI Lumera 300 của hãng Carl Zeiss Suzhu Co., Ltd với giá 714.800.000 đồng/chiếc. Còn giá trị của chiếc máy trong gói thầu này lại lên tới 1.140.000.000 đồng/chiếc, số tiền chênh lệch đến 400.000.000 đồng.
Phóng viên mới chỉ tìm hiểu 9/150 sản phẩm, gói thầu đã có dấu hiệu mua sắm cao với số tiền chênh lệch là 6.979.770.000 đồng (Bằng chữ: Sáu tỷ, chín trăm bảy mươi chín triệu, bảy trăm bảy mươi nghìn đồng).
Giá thiết bị y tế cao hay thấp nhiều khi còn phụ thuộc vào thời điểm, linh phụ kiện đi kèm, thời gian bảo hành, bảo trì, chế độ đào tạo, truyền thông... nên chưa thể khẳng định có hay không việc "nâng, thổi" giá thiết bị y tế ở gói thầu trên. Tuy nhiên, với con số chênh lệch lên tới hàng tỷ đồng thì thiết nghĩ, các cơ quan chức năng liên quan cần sớm vào cuộc thanh kiểm tra, làm rõ. Việc này không những minh bạch thông tin trước dư luận mà còn tránh điều tiếng cho chủ đầu tư và các công ty trúng thầu.
Để rộng đường dư luận, phóng viên đã liên hệ trao đổi thông tin với trung tâm Tư vấn và Dịch vụ Tài chính công Hà Tĩnh nhưng không nhận được phản hồi.
Sai phạm đến đâu, xử lý đến đó
Sự việc cán bộ lãnh đạo đương nhiệm bị bắt giam vì có dấu hiệu vi phạm pháp luật đấu thầu không phải là hi hữu. Bởi trước đó, có trường hợp tương tự đã từng xảy ra ở một số địa phương, một số ngành phần nào khiến mục tiêu của công tác đấu thầu không đạt như mong muốn và làm méo mó bức tranh về chi tiêu sử dụng ngân sách công.
Đấu thầu là lĩnh vực mà khi nói đến nhiều người sẽ nghĩ ngay đến tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, có nhiều gian lận, tiêu cực. Trong đánh giá của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Trung ương cũng xác định lĩnh vực đấu thầu là lĩnh vực có nhiều nguy cơ về tham nhũng. Vào chiều ngày 20/9, tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9/2022, ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án luật Đấu thầu (sửa đổi). Nhiều ý kiến cho rằng, sau 10 năm ra đời và đi vào cuộc sống, đến nay, luật cần sửa đổi để phù hợp hơn với nhu cầu thực tiễn.
Trao đổi với phóng viên tạp chí Đời sống và Pháp luật, ĐBQH Phạm Văn Hòa, Ủy viên ủy ban Pháp luật của Quốc hội nêu quan điểm: “Thời gian qua, công tác đấu thầu đã có những bất cập dẫn đến tình trạng nhà thầu, chủ đầu tư móc ngoặc với nhau thông thầu, nâng giá sản phẩm, bỏ thầu giá trị thấp để trúng thầu. Tôi cho rằng, đây là một trong những vấn đề gây nhiễu loạn công tác đấu thầu và khiến người dân bức xúc.
Có nơi đã xảy ra những vụ việc vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, công an đã vào cuộc xử lý, cả những người đứng đầu với cương vị lãnh đạo cao cũng bị xem xét trách nhiệm. Luật Đấu thầu 2013 đang được Ủy ban Thường vụ đưa ra cho ý kiến sửa đổi bổ sung là điều rất cần thiết.
Tôi hy vọng việc sửa đổi luật lần này cơ bản khắc phục được những hạn chế, bất cập để làm sao trong công tác đấu thầu thời gian tới thực sự nghiêm minh, nghiêm túc, không tồn tại lợi ích nhóm, không gây thất thoát ngân sách Nhà nước và đặc biệt là không mất cán bộ vì câu chuyện móc ngoặc, thông thầu”.
Nói về hiện tượng “quân xanh quân đỏ” trong đấu thầu, ĐBQH Phạm Văn Hòa phân tích: “Sửa luật Đấu thầu là việc cần làm, nhưng các luật khác cũng cần xem xét điều chỉnh để làm sao hạn chế mức thấp nhất tình trạng quân xanh quân đỏ. Tình trạng này gần như phổ biến ở các lĩnh vực đấu thầu mua sắm nói chung, đặc biệt là các dự án đầu tư xây dựng. Thế nhưng không chỉ sửa luật là xong mà cần khắc phục cả tình trạng liêm minh, liêm khiết của chủ đầu tư trong các quyết định của quá trình đấu thầu”.
Về vụ việc vừa xảy ra tại trung tâm Tư vấn và Dịch vụ Tài chính công Hà Tĩnh thuộc sở Tài chính Hà Tĩnh, ĐBQH cho rằng, vị Giám đốc bị bắt chỉ là một “con sâu làm rầu nồi canh”, điều quan trọng là còn những con sâu khác chưa bị phát hiện và chưa xử lý được.
“Xử lý nghiêm các đối tượng móc ngoặc làm sai lệch kết quả đấu thầu là vấn đề cấp bách hiện nay. Cơ quan công an sẽ tiếp tục điều tra với những người có liên quan, sai đến đâu xử lý đến đó. Cần làm sao giải quyết tận gốc rễ để triệt xóa tình trạng tham ô, lợi dụng quy định của pháp luật đấu thầu, lợi dụng chức vụ quyền hạn gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước và tổn hại đến công tác cán bộ”, ĐBQH Phạm Văn Hòa nhấn mạnh.
Theo thông tin từ phần mềm đấu thầu: Công ty Cổ phần thiết bị Công nghệ Hà Nội đã tham gia 41 gói thầu, trong đó trúng 35 gói, trượt 5 gói, 1 chưa có kết quả, 0 gói đã bị huỷ. Tổng giá trị trúng thầu: 300.467.010.100 đồng.
Công ty TNHH Thiết bị Y tế Thành Phát đã tham gia 64 gói thầu, trong đó trúng 57 gói, trượt 4 gói, 3 chưa có kết quả, 0 gói đã bị huỷ. Tổng giá trị trúng thầu: 237.032.677.096 đồng.
Công ty Cổ phần đầu tư HDN đã tham gia 126 gói thầu, trong đó trúng 102 gói, trượt 16 gói, 6 chưa có kết quả, 2 gói đã bị huỷ. Tổng giá trị trúng thầu: 1.033.992.920.301 đồng.
Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Thanh Phương đã tham gia 112 gói thầu, trong đó trúng 94 gói, trượt 6 gói, 10 chưa có kết quả, 2 gói đã bị huỷ. Tổng giá trị trúng thầu: 1.605.531.476.349 đồng.
Công ty TNHH Việt Phan đã tham gia 82 gói thầu, trong đó trúng 72 gói, trượt 3 gói, 7 chưa có kết quả, 0 gói đã bị huỷ. Tổng giá trị trúng thầu: 624.609.152.862 đồng.
Công ty Cổ phần trang thiết bị và Công trình y tế đã tham gia 127 gói thầu, trong đó trúng 107 gói, trượt 13 gói, 4 chưa có kết quả, 3 gói đã bị huỷ. Tổng giá trị trúng thầu: 1.345.230.711.940 đồng.
Dương Thu - Đặng Thủy