Trung Quốc đang tính sửa một tàu chở dầu 200.000 tấn thành tàu chở cá sống, đem ra bãi Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Theo Want China Times, báo China Science Daily hôm qua cho biết Học viện Khoa học Ngư nghiệp Trung Quốc đang có kế hoạch mua một tàu chở dầu 200.000 tấn và sửa sang nó thành một tàu chở cá sống.
Bắc Kinh định ngang nhiên triển khai con tàu này ra vùng biển quanh bãi Vành Khăn (Mischief Reef), thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Bãi đá ở phía nam quần đảo Trường Sa bị Trung Quốc đánh chiếm trái phép năm 1995.
Báo cho biết tàu chở cá sống có thể là cơ sở sản xuất di động cho Trung Quốc ở Biển Đông. Nó có thể vừa được dùng làm trại cá, vừa cung cấp nhiều dịch vụ cho tàu quân sự và dân sự Trung Quốc trong khu vực.
Trung Quốc tính biến tàu chở dầu thành tàu chở cá sống, đưa ra bãi Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh minh họa: worldmaritimenews |
Nhà nghiên cứu Lei Jilin, thuộc Viện Nghiên cứu Ngư nghiệp Hoàng Hải, Học viện Khoa học Ngư nghiệp Trung Quốc, cho rằng điều quan trọng là "phải biết khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên đúng đắn".
Ông Lei còn ngang nhiên cho rằng nếu kế hoạch tại bãi Vành Khăn thành công, Trung Quốc có thể triển khai một đội tàu chở cá sống tới các vùng Biển Đông và Hoa Đông trong tương lai, với sự bảo vệ của hải quân nước này. Báo Trung Quốc cũng nhấn mạnh đến lúc Bắc Kinh cần quan tâm nhiều hơn tới các nguồn tài nguyên thiên nhiên dưới Biển Đông.
Thông tin được đưa ra chỉ vài tháng sau khi Trung Quốc di dời giàn khoan Hải Dương 981 khỏi vùng biển thuộc quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, gần quần đảo Hoàng Sa. Bắc Kinh cũng bị tố đang cải tạo đất phi pháp tại các bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa, trong đó có bãi Gạc Ma.
Việt Nam nhiều lần kiên quyết khẳng định có chủ quyền đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Bộ Ngoại giao Việt Nam cho rằng mọi hoạt động của các bên liên quan ở Biển Đông cần tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia liên quan. Các nước cũng cần tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước năm 1982 của Liên Hợp Quốc (UNCLOS), Tuyên bố DOC, không có bất cứ hành động nào làm phức tạp thêm tình hình.