+Aa-
    Zalo

    Trung Quốc đã tính kỹ thời điểm đặt giàn khoan trái phép

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - "Trung Quốc đã chọn một thời điểm thuận lợi nhất để hành động bằng phương thức có thể gọi là một cuộc xâm lược kinh tế"- TS Trần Công Trục nhận định về hành vi ngang ngược của Trung Quốc.

    (ĐSPL) – "Trung Quốc đã chọn một thời điểm thuận lợi nhất để hành động bằng phương thức có thể gọi là một cuộc xâm lược kinh tế"- TS Trần Công Trục nhận định về hành vi ngang ngược của Trung Quốc.

    Chiều 9/5, Hội Luật gia Việt Nam đã tổ chức ra tuyên bố về việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển Việt Nam. Tại đây, nhiều câu hỏi của các phóng viên liên quan đến những vấn đề cơ sở pháp lý, mưu đồ của Trung Quốc, khả năng Việt Nam kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế... đã được các chuyên gia giải đáp, chia sẻ.

    Trung Quốc sẽ không từ bỏ âm mưu độc chiếm biển Đông

    Hội Luật gia Việt Nam ra tuyên bố về việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển Việt Nam.

    Báo Pháp luật TP.HCM:Theo thông tin mới nhất, phía Trung Quốc có gợi ý đề nghị Việt  Nam rút hết tàu đang làm việc trên vùng biển có giàn khoan HD 981 đang hạ đặt trái phép để ngồi lại đàm phán, ông có bình luận gì?

    Ông Trần Công Trục - Nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ: Theo tôi, đề nghị này là không bình thường, nếu không muốn nói là buồn cười. Bởi vị trí của giàn khoan HD 981 nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam chứ không dính dáng gì đến vùng chồng lấn. Đây là 1 vùng biển hoàn toàn thuộc chủ quyền của Việt Nam, vậy nên các tàu thuyền của Việt Nam hoạt động trên vùng biển của mình là điều hết sức bình thường, và đương nhiên, chúng ta không có cớ gì phải rút tàu mới ngồi lại đàm phán. Đây là thái độ có tính chất gây sức ép, Việt Nam sẽ không bao giờ thực hiện theo điều hết sức vô lý như vậy.

    Với tư cách là 1 chuyên gia về luật biển, tôi khẳng định, vị trí TQ hạ đặt giàn khoan HD981 hoàn toàn là vùng nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, chứ không phải là vùng chồng lấn hay tranh chấp.

    Trung Quốc sẽ không từ bỏ âm mưu độc chiếm biển Đông
     Ông Trần Công Trục - Nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ.

    Báo Quân đội nhân dân: Việc Trung Quốc cố tình hạ đặt giàn khoan trái phép ở phía thềm lục địa Việt Nam rõ ràng là vi phạm các Công ước đã ký kết, vậy phía Việt Nam có hành động nào để luật pháp quốc tế có thể phân xử? Chúng ta có nên đưa sự việc này ra tòa án quốc tế giống như trước đó Philippines đã làm hay không?

    Ông Trần Công Trục: Công ước đã đề ra chế tài, thủ tục, chế định để các bên có thể đưa vấn đề lên cơ quan tài phán quốc tế về luật biển. Phía Việt Nam hoàn toàn có thể làm điều đó. Giống như Philippines đã làm, họ đã có hồ sơ rất đầy đủ kiện lên Hội đồng trọng tài. Hội đồng đã được thành lập với 5 thành viên. Việc làm đó đã nhận được sự ủng hộ của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Với tư cách là thành viên, ta hoàn toàn có thể làm điều chính đáng, một biện pháp hòa bình, đó là kiện Trung Quốc ra tòa.

    Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng đã nói trong cuộc điện đàm với phía Trung Quốc là Việt Nam sẵn sàng sử dụng các biện pháp hòa bình cần thiết để xử lý vấn đề này, và một trong những biện pháp hòa bình là chuẩn bị hồ sơ để đưa việc này ra tòa án quốc tế. Đây là một việc làm hết sức bình thường và cần thiết.

    Báo Đời sống và Pháp luật: Theo ông, Việt Nam đã có thể kiện ngay lúc này hay chưa?

    Ông Trần Công Trục: Về nguyên tắc, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã nói Việt Nam sẵn sàng áp dụng tất cả các biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp, một trong những biện pháp đó không thể không nói đến việc sử dụng các cơ quan tài phán quốc tế.

    Các cơ quan chức năng Việt Nam, theo tôi đã chuẩn bị việc này rất lâu rồi, giờ nên hoàn thiện để gửi lên. Ta không nên sốt ruột bởi việc này không thể nói là làm ngay. Dù ta có đủ chứng cứ và thủ tục cần thiết, nhưng đã làm cần phải chắc phần thắng, đề phòng tất cả khả năng có thể xảy ra. Ngay cả lực lượng luật sư của chúng ta cũng phải chuẩn bị rất kĩ để có thể làm việc với các cơ quan tài phán. Hiện nay, thế mạnh của Việt Nam là lẽ phải và pháp lý.

    Trung Quốc sẽ không từ bỏ âm mưu độc chiếm biển Đông

    Ông Lê Minh Tâm - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội luật gia Việt Nam.

    Báo Tuổi trẻ: Khi kiện Trung Quốc về hành động của họ, Hội Luật gia có niềm tin chiến thắng không? Thời gian có thể kéo dài trong bao lâu? Trong thời gian ấy chúng ta nên chuẩn bị những gì?

    Ông Trần Công Trục: Trước hết, khi chúng ta kiện Trung Quốc về những việc làm của họ, với tư cách người nghiên cứu nhiều năm, tôi cho rằng nếu ta đưa vụ kiện này lên các cơ quan tài phán quốc tế thì chắc chắn Việt Nam sẽ thắng lợi. Vì Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý, đầy đủ các cơ sở để kiện. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên nhớ rằng, kiện lên cơ quan tài phán là cả một quá trình với các thủ tục.

    Khi kiện ra tòa, tôi cho rằng đúng là có rất nhiều vấn đề,  không chỉ ở pháp lý, chân lý, mà còn thái độ ủy viên tham gia hội đồng xét xử. Nên ta phải chuẩn bị rất nhiều biện pháp để có thể đảm bảo tiếng nói chân lý được thành hiện thực.

    Còn nếu thủ tục bình thường, không phải kiện có phán quyết ngay mà còn phải trải qua rất nhiều công đoạn, giống như Philippines kiện cách đây đã lâu, nhưng giờ vẫn trong giai đoạn thụ lý. Song, ít nhất kiện Việt Nam cũng kiên quyết dựa theo luật pháp quốc tế, vì thế giới hòa bình, ổn định.

    Tại sao Trung Quốc lại chọn đúng thời điểm này để đưa giàn khoan? Điều này có phải ngẫu nhiên hay có toan tính của họ, Việt Nam nên ứng phó thế nào?

    Ông Trần Công Trục: Theo tôi, họ đã tính thời điểm quốc tế đang có nhiều vấn đề, nhất là Phương Tây, Nga, Mỹ đang có quan tâm rất lớn ở Ukraine. Nhân loại đang hồi hộp trông chờ điều gì sẽ diễn ra. Nên có thể Biển Đông không phải quan tâm số một nữa. Trung Quốc lợi dụng thời điểm này nhảy vào. Họ lợi dụng trong khu vực vẫn còn ý kiến chia rẽ, họ dựa vào thái độ, phản ứng của các quốc gia mà thời gian qua họ đã thăm dò.

    Mặt khác, ngay trong nội bộ nước này cũng đang có diễn biến phức tạp, tình hình khá bất ổn định, nên việc xúc tiến đưa giàn khoan ra biển Đông có thể là giải pháp chuyển mâu thuẫn nội bộ ra bên ngoài. Qua đó có thể thấy Trung Quốc đã chọn một thời điểm thuận lợi nhất để hành động bằng phương thức có thể gọi là 1 cuộc xâm lược kinh tế, mà mục tiêu trước mắt là chiếm đoạt, vơ vét tài nguyên nằm trong các vùng biển và thềm lục địa hợp pháp của các quốc gia ven biển Đông.

    Đây là sự tính toán hết sức nham hiểm của Trung Quốc mà ta phải lưu ý.

    Trung Quốc sẽ không từ bỏ âm mưu độc chiếm biển Đông

    Các luật gia có mặt trong buổi họp báo chiều 9/5.

    BáoPháp luật Việt Nam: Hành động cụ thể của Hội Luật gia Việt Nam trong việc này là gì? Hội đã có tham mưu gì cho Đảng và Chính phủ trong vấn đề này hay không?

    Ông Lê Minh Tâm: Hội Luật gia đã theo dõi sự việc biển Đông rất kỹ, không phải theo dõi 1 năm nay mà đã theo dõi từ nhiều năm. Từ đó, chúng tôi cũng đã có các nghiên cứu, các tổ chức, trong đó có các cuộc hội thảo quốc tế lớn. Đối với Chính phủ và Nhà nước, chúng tôi cũng đã có những tham vấn cần thiết và cũng được tiếp thu. Hội Luật gia Việt Nam tham gia rất tích cực vào trong vấn đề này. Thế mạnh của chúng tôi là làm thế nào để phân tích, lý giải các vấn đề pháp lý, đó là cơ sở, căn cứ quan trọng để đưa ra được các ý kiến tư vấn.

    Báo Đời sống và Pháp luật: Trước khi hạ đặt trái phép giàn khoan HD 981 tại khu vực thềm lục địa của Việt Nam thì Trung Quốc cũng đã có nhiều hành động ngang ngược khác như cắt cáp tàu Bình Minh 02, công khai chào thầu 9 lô dầu khí nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, từ đó, có nhận định rằng, hàng loạt sự việc vừa qua là những bước đi có tính toán cực kỳ thâm hiểm của Trung Quốc, ông có đồng ý với nhận định này?

    Ông Trần Công Trục: Theo tôi, nhận định đó hoàn toàn chính xác. Có thể nói, việc thực hiện những bước đi này là sự tính toán, sắp xếp đầy mưu mô của Trung Quốc.

    Đơn cử như việc Trung quốc chọn vị trí đặt giàn khoan. Qua nghiên cứu, xác định trên bản đồ thì vị trí này nằm cách đảo Lý Sơn của Việt Nam là 119 hải lý, cách ranh giới ngoài vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý. Nếu xác định một cách chi tiết, chuẩn xác thì vị trí này hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế thềm lục địa Việt Nam, nhưng cũng có thể thấy rằng, đây là 1 vị trí khá nhạy cảm mà Trung Quốc đã cố tình lựa chọn để thực hiện chiến thuật bắn một mũi tên trúng hai đích. Cái đích thứ nhất là khẳng định chủ quyền của họ đối với Tây Sa, thực hiện ý đồ cố tình áp dụng sai công ước luật biển năm 1982. Cái đích thứ hai là cố tình tạo ra vùng chồng lấn, biến vùng không tranh chấp thành vùng tranh chấp để áp đặt chủ trương gác tranh chấp cùng khai thác, mà mục tiêu trước mắt là tranh giành việc khai thác nguồn tài nguyên vốn thuộc các vùng miền của các quốc gia ven biển Đông.

    - Ông dự báo như thế nào về những bước đi tiếp theo của Trung Quốc với mưu đồ độc chiếm biển Đông?

    Ông Trần Công Trục: Theo logic mà nói, Trung Quốc đã triển khai việc này khá lâu, tuy nhiên họ lợi dụng nhiều thời điểm khác nhau, và tình hình quốc tế, khu vực khác nhau để áp dụng các phương thức khác nhau nhằm thực hiện mưu đồ của mình.

    Lần này họ cũng đã tính đến nhiều yếu tố để đưa ra giải pháp tối ưu, họ không dùng vũ lực như một số lần trước mà dùng đến biện pháp kinh tế, nói cách khác, đây là 1 cuộc xâm lược về kinh tế. Với biện pháp này, nếu chúng ta không phân tích, không hiểu rõ sự nguy hiểm của nó thì nhiều người sẽ nhầm tưởng rằng hành động của Trung Quốc là phù hợp với công ước quốc tế.

    Nhưng thực chất, Trung Quốc đã tiến hành việc độc chiếm biển Đông, mà chính là độc chiếm nguồn tài nguyên về dầu khí, hải sản, hàng hải, hàng không… và nguồn sống của các quốc gia ven biển Đông chứ không chỉ nhằm vào không gian có ý nghĩa về quấn sự, chiến lược.

    Và tôi cũng chắc chắn rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện bằng được mưu đồ này.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/trung-quoc-da-tinh-ky-thoi-diem-dat-gian-khoan-trai-phep-a32337.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan