Tham vọng viển vông của Trung Quốc là đối nghịch với lợi ích cơ bản của họ trong khu vực và khó có thể thành sự thật.
Ông Gerhard Will, chuyên gia Đông Nam Á và châu Á của quỹ Khoa học và Chính trị thuộc Viện Chính trị và An ninh Quốc tế Đức đã khẳng định như vậy khi trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV tại Hội thảo “Hoàng Sa- Trường Sa: Sự thật lịch sử” diễn ra tại Đà Nẵng tuần trước.
Học giả Đức Geharrd Will |
PV: Theo ông có những cách nào để giải quyết căng thẳng trên Biển Đông?
Ông Gerhard Will: Theo tôi thì việc giải quyết căng thẳng trên Biển Đông cần một các tiếp cận thông qua đồng thời nhiều giải pháp.
Đầu tiên là việc củng cố luật pháp quốc tế, sau đó các bên cần đạt được thỏa thuận về việc cùng quản lý các nguồn tài nguyên tự nhiên và cuối cùng là việc cần xây dựng một cấu trúc an ninh trên Biển Đông.
PV: Ông có nói đến khía cạnh luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, như ông đã biết, Trung Quốc đã từ chối không tham dự vụ Philippines khởi kiện mình. Trong trường hợp tương tự như vậy thì Việt Nam nên làm gì?
Ông Gerhard Will: Trong vụ kiện của mình, Philippines chỉ yêu cầu phía Trung Quốc giải thích rõ ràng về việc Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế.
Một điều đáng lưu ý là thái độ 2 mặt của phía Trung Quốc trong vấn đề này, một mặt thì họ tỉnh bơ và nói rằng chúng tôi không quan tâm đến vụ kiện nói trên. Mặt khác họ lại tỏ ra rất lo lắng.
Đại sứ quán Trung Quốc ở Berlin cứ thỉnh thoảng lại gọi điện hỏi tôi rằng ông có nghe thông tin gì về vụ Philippines kiện chúng tôi hay không bởi tôi đang sống ở Hamburg, trụ sở của Tòa án Quốc tế về Luật Biển.
Chính vì thế việc Trung Quốc nghĩ gì hay hành động thế nào là không quan trọng. Đừng quan tâm đến. Điều quan trọng là Việt Nam cần xem xét và yêu cầu làm rõ các điều khoản của luật pháp quốc tế mà Trung Quốc đã vi phạm.
PV: Nếu Việt Nam muốn làm giống như Philippines thì Việt Nam cần phải chuẩn bị những gì và làm như thế nào?
Ông Gerhard Will: Tôi nghĩ rằng Việt Nam cũng nên làm như Philippines và nếu các bạn đọc tài liệu của Philippines trong vụ kiện Trung Quốc nói trên thì các bạn có thể thấy tài liệu này rất dày dặn và có đầy đủ các căn cứ về mặt pháp lý.
Một chuyên gia về luật pháp quốc tế cho biết vụ kiện của Philippines cho thấy nước này đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho vụ kiện này và đã tham vấn rất nhiều các chuyên gia hàng đầu.
Đây cũng là lý do vì sao Trung Quốc lại e ngại đến vậy. Theo tôi, Trung Quốc đã nhận ra rằng, nếu ra Tòa thì họ không có đủ những chứng cứ vững chắc như Philippines.
PV: Ông có nhận định gì về những hành động gần đây của phía Trung Quốc?
Ông Gerhard Will: Tôi nghĩ rằng nếu bạn đọc bản báo cáo của Nhóm Nghiên cứu Khủng hoảng Quốc tế (ICG) thì bạn có thể thấy rằng, trong báo cáo của họ, họ đã “phân vai” cho các “nhân vật” khác nhau của Trung Quốc như Ngoại trưởng Trung Quốc, Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) hay của Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc.
Theo đó, các “diễn viên” sẽ có những vai diễn hoàn toàn đối lập với nhau. Ví dụ như ngay khi Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì đến Việt Nam để bàn về việc giảm căng thẳng trên Biển Đông thì CNOOC lại đưa thêm giàn khoan đến khu vực này.
Tôi nghĩ rằng, Trung Quốc đang tự mâu thuẫn với bản thân khi tính toán đến lợi ích của mình. Một mặt họ muốn mở rộng lãnh thổ một cách trái phép khi đưa ra tuyên bố đường 9 đoạn. Mặt khác, các nhà lãnh đạo của Trung Quốc lại mong muốn tiến hành một “sự trỗi dậy hòa bình” nhằm giành được sự ủng hộ của các nước láng giềng trong khu vực để thúc đẩy hợp tác kinh tế và thương mại và hai điều này thường không đi liền với nhau.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thường nói về “giấc mơ Trung Hoa”. Theo tôi, người Trung Quốc chọn từ "giấc mơ" bởi vì thường trong giấc mơ mọi thứ dù trái ngược đến đâu cũng có thể xảy ra.
Tuy nhiên, khi “tỉnh giấc”, Trung Quốc sẽ nhận ra rằng mình cần phải có một quyết định rõ ràng nếu không thì “giấc mơ Trung Hoa” sẽ trở thành ác mộng.
Trung Quốc không thể cùng một lúc muốn trở thành một siêu cường về quân sự và dùng sức mạnh quân sự này để áp đặt các tuyên bố chủ quyền của mình trên Biển Đông, một mặt lại muốn trở thành một nền kinh tế mạnh với các mối quan hệ kinh tế với nhiều nước khác.
Đây chính là mâu thuẫn trong suy nghĩ của Trung Quốc và họ cần phải biết rằng mình cần gì nhất.
Một điều đáng chú ý nữa là Trung Quốc nói rằng họ muốn khai thác dầu trong khu vực mà họ ngang nhiên tuyên bố là của mình nhưng họ không hề tiến hành bất kỳ một hoạt động khai thác thực sự nào.
Thay vì thế, họ dồn tiền để đưa hàng loạt các máy bay, tàu hải quân và nhiều loại tàu khác đến khu vực này để bảo vệ giàn khoan của họ. Số tiền chi cho các hoạt động này thừa đủ để Trung Quốc mua dầu trên khắp thế giới.
Những hành động của Trung Quốc không hề cho thấy sự logic về khía cạnh kinh tế. Chính vì thế, việc Trung Quốc cần làm là phải xác định rõ được lợi ích cụ thể của mình ở Biển Đông và sớm đưa ra quyết định của mình chứ không phải là cứ mơ mộng viển vông.
PV: Ông có nhận xét thế nào về vai trò của ASEAN và các tổ chức quốc tế trong việc giải quyết tình hình căng thẳng trên Biển Đông?
Ông Gerhard Will: ASEAN rõ ràng đang đóng một vai trò quan trọng hơn trong vấn đề này và họ đã đạt được một số bước tiến so với trước kia. Nếu so sánh Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN 3 năm trước ở Campuchia và Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần này tại Myanmar thì có thể thấy Hội nghị lần này đã nêu rõ về xung đột trên Biển Đông.
Dù đã đạt được những bước tiến như vậy nhưng theo tôi ASEAN còn lâu mới đạt được việc xây dựng một nền tảng pháp lý cơ bản để đảm bảo an ninh trên Biển Đông.