+Aa-
    Zalo

    Trùng hợp kỳ lạ trong 2 vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn - Hàn Đức Long

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Điều tra viên, chỉ huy điều tra vụ án, kiểm sát viên trong vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang từng gây xôn xao dư luận cũng là những người tham gia tố tụng.

    (ĐSPL) Điều tra viên, chỉ huy điều tra vụ án, kiểm sát viên trong vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang từng gây xôn xao dư luận cũng là những người tham gia tố tụng trong vụ án Hàn Đức Long.

    Theo thông tin trên báo Vietnamnet, tại các biên bản ghi lời khai vụ án Hàn Đức Long trước đây, điều tra viên là ông Đào Văn Biên. Ông Biên cũng là điều tra viên vụ án Nguyễn Thanh Chấn.

    Chỉ huy điều tra vụ án Hàn Đức Long là ông Lê Văn Dũng, Phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Giang, cũng là người trực tiếp chỉ huy điều tra vụ án Nguyễn Thanh Chấn.

    Kiểm sát viên VKSND tỉnh Bắc Giang 2 vụ cùng là ông Đặng Thế Vinh.

    Cả ông Chấn và ông Long đều bị giam giữ tại trại giam Kế, tỉnh Bắc Giang.

    Hiện ông Đặng Thế Vinh (nguyên Trưởng Phòng 10, VKSND tỉnh Bắc Giang) đã bị truy tố ra trước tòa về hành vi làm sai lệch hồ sơ gây oan cho ông Nguyễn Thanh Chấn. Tuy nhiên, phiên tòa dự kiến diễn ra hôm 25/11 vừa qua đã không diễn ra theo kế hoạch.

    Ông Hàn Đức Long (trái) và Nguyễn Thanh Chấn - Ảnh: Lao động

    Ngoài ông Vinh, ông Trần Nhật Luật (nguyên Phó trưởng Công an huyện Việt Yên) cũng bị truy tố chung tội danh. Riêng ông Phạm Tuấn Chiêm (65 tuổi, chủ tọa phiên phúc thẩm bác đơn kêu oan của ông Chấn) bị cáo buộc có hành vi Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

    Ông Chiêm đang được tạm đình chỉ điều tra do sức khỏe yếu.

    Giống nhau đến kỳ lạ

    Theo thông tin trên báo Gia đình & Xã hội, lật lại hồ sơ vụ án thấy vụ Hàn Đức Long và vụ Nguyễn Thanh Chấn có những tình tiết giống nhau.

    Vụ án Hàn Đức Long bắt nguồn từ việc cháu Nguyễn Thị Y. (SN 2000) bị chết dưới mương nước thuộc cánh đồng thôn Yên Lý, xã Phúc Sơn, Tân Yên, Bắc Giang vào chiều 26/6/2005. Vào cuộc điều tra, công an xác định nạn nhân bị hiếp dâm và chết do ngạt nước.

    Sau gần 4 tháng điều tra mà không tìm ra hung thủ, cơ quan CQĐT công an tỉnh Bắc Giang đã “phát động nhân dân tố cáo tội phạm”. Đến tháng 10/2005 thì xuất hiện đơn tố cáo của bà K và chị N (hai mẹ con) về việc từng bị Long hiếp dâm. Bị công an triệu tập đến làm việc để điều tra, Long bất ngờ có đơn tự thú” về hành vi hiếp dâm và giết cháu Y. Trải qua hai phiên tòa sơ thẩm, hai phiên tòa phúc thẩm, Hàn Đức Long bị kết án tử hình.

    Vụ án Nguyễn Thanh Chấn xảy ra giữa tháng 8/2003 khi chị Nguyễn Thị H. được phát hiện bị giết hại tại nhà riêng ở thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, Bắc Giang. Sau khi điều tra, Công an xác định ông Chấn, hàng xóm với nạn nhân, là thủ phạm. Qua các cấp sơ thẩm và phúc thẩm, Tòa án tuyên phạt ông Nguyễn Thanh Chấn án tù chung thân do giết người “có tính chất côn đồ”.

    Cả 2 người sau khi bị tạm giam đều có thư gửi về cho gia đình với nội dung nhận tội và ăn năn, trót dại. Theo đó, lúc ở trong trại giam, ông Chấn và ông Long đều viết thư tay về cho vợ với nội dung rất kỳ quặc: “Kính gửi vợ, ở trong này tôi đã nhận tội hết rồi…”.

    Cả hai vụ án nói trên đều không có nhân chứng, vật chứng. Vật chứng căn bản nhất của vụ án hiếp dâm thường là dấu vết tinh dịch, lông, tóc, lời khai của nhân chứng... tất cả đều không có.

    Căn cứ kết tội dựa chính đều dựa vào lời khai nhận của bị cáo và các cơ quan tố tụng đánh giá là lời khai nhận tội phù hợp với các tài liệu dấu vết thu được ở hiện trường.

    Điều 3. Nguyên tắc giải quyết bồi thường thiệt hại (Nghị Quyết Số: 388/2003/NQ-UBTVQH11 về bồi thường thiệt hại có người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra)

    Việc giải quyết bồi thường thiệt hại trong các trường hợp bị oan phải tuân theo các nguyên tắc sau đây:

    1. Kịp thời, công khai và đúng pháp luật;

    2. Tạo điều kiện thuận lợi để người bị oan, thân nhân của người bị oan hoặc đại diện hợp pháp của họ thực hiện quyền yêu cầu cơ quan có trách nhiệm bồi thường thiệt hại hoặc yêu cầu Toà án bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị oan, thân nhân của người bị oan; người bị oan được tạo điều kiện ổn định cuộc sống;

    3. Thiệt hại được bồi thường bao gồm thiệt hại về tinh thần và thiệt hại về vật chất theo các quy định tại Nghị quyết này và quy định tại văn bản pháp luật có liên quan;

    4. Cơ quan có trách nhiệm bồi thường thiệt hại chủ động giải quyết bồi thường cho người bị oan, thân nhân của người bị oan theo quy định của pháp luật;

    5. Việc bồi thường thiệt hại được tiến hành trên cơ sở thương lượng giữa cơ quan có trách nhiệm bồi thường thiệt hại với người bị oan, thân nhân của người bị oan hoặc đại diện hợp pháp của họ; nếu không thương lượng được thì người bị oan, thân nhân của người bị oan hoặc đại diện hợp pháp của họ có quyền yêu cầu Toà án giải quyết.

    Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ có tính tham khảo.

    Tổng hợp

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/trung-hop-ky-la-trong-2-vu-an-oan-nguyen-thanh-chan---han-duc-long-a175274.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan