(ĐSPL) - Dậu vay hơn 80 tỷ đồng của 30 người rồi cho người khác vay lại với lãi suất “cắt cổ” nhằm hưởng lợi. Sau đó Dậu vỡ nợ khiến hàng chục “khổ chủ” náo loạn.
Tin tức đăng tải trên báo An ninh thủ đô, sau 2 ngày xét xử sơ thẩm lại ngày 14/7, TAND TP Hà Nội đã đưa ra phán quyết đối với “trùm tín dụng đen” ở Hà Đông. Theo đó, ngoài bị áp dụng mức án kịch khung, Nguyễn Thị Dậu còn bị kê biên tài sản để bảo đảm thi hành án.
Bà Nguyễn Thị Dậu tại tòa (Ảnh: Vietnamnet) |
Báo Vnexpress đưa tin, vào thời điểm năm 2011, khi bà Dậu bị vỡ nợ, cả khu phố nơi bà ta sinh sống trở nên xáo trộn bởi các chủ nợ ngày đêm đến đòi tiền. Họ mang cả vòng hoa đến trước cửa nhà bà Dậu để “dằn mặt”.
Khi đó, bà Dậu cùng người thân trong gia đình rơi vào cảnh “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Tình hình phức tạp khiến lực lượng an ninh đã phải can thiệp để đảm bảo không có xung đột xảy ra.
Theo truy tố, quá trình kinh doanh, bà Dậu vay tiền của nhiều người với lãi suất thấp, sau đó cho vay lại với lãi suất cao để hưởng lợi.
Đến ngày 22/9/2011, bà Dậu mời các chủ nợ đến nhà và tuyên bố vỡ nợ rồi bỏ trốn. Đến ngày 21/11/2011, bà ta ra đầu thú.
Tại cơ quan điều tra, bà Dậu khai, từ cuối năm 2007 đến ngày 19/9/2011, bà ta vay của hơn 50 người số tiền hơn 140 tỷ đồng và 31 cây vàng SJC.
Tiền vay được bà ta dùng để chi tiêu trong gia đình như mua sắm thiết bị sinh hoạt tại nhà ở số 5 Nguyễn Thái Học hết 2 tỷ đồng, mua nhà ở phố Trưng Nhị, Hà Đông hết 8 tỷ đồng, trả lãi hết tháng 8/2011 cho những người đã vay trước đó.
Kết quả điều tra cho thấy, trong số tiền vay của nhiều người, bà Dậu cho anh Nguyễn Đức Thắng (ở Hà Đông) vay 54,9 tỷ đồng. Quá trình vay, anh Thắng đã trả cho bà Dậu được gần 3,3 tỷ đồng và 10.000 USD.
Ngoài ra, anh Thắng còn ủy quyền cho bà Dậu sử dụng hai thửa đất, một thửa có diện tích 62m2, một thửa có diện tích 154m2 ở quận Hà Đông. Đến khi bà Dậu bỏ trốn khỏi nơi cư trú, giữa anh Thắng và bà Dậu vẫn chưa thỏa thuận về giá trị của hai mảnh đất này.
Theo lời khai của anh Thắng, anh ta có quan hệ quen biết với vợ chồng bà Dậu trước khi vụ án này xảy ra và anh ta từng cho vợ chồng bà Dậu vay tiền. Sau đó, vì cần tiền đầu tư kinh doanh nên anh Thắng đã vay tiền của bà Dậu nhiều lần với lãi suất 15\% một tháng.
Hàng tháng, hai bên đối chiếu công nợ và ký biên nhận thanh toán với nhau. Lần cuối cùng chốt nợ, anh Thắng đã viết hai giấy nhận nợ với bà Dậu tổng số tiền hơn 145 tỷ đồng (trong đó 54,9 tỷ đồng vay và gần 90,6 tỷ đồng lãi).
Anh Thắng khai, mục đích của việc viết giấy nhận nợ số tiền trên để bà Dậu có thể chứng minh rằng, anh Thắng nợ bà Dậu tương đương số tiền bà Dậu nợ những người khác.
Do chưa đủ cơ sở xác định anh Thắng đồng phạm với bà Dậu trong vụ án này nên cơ quan điều tra đã tách riêng hành vi của anh Thắng để tiếp tục điều tra làm rõ và xử lý sau.
Quá trình điều tra còn xác định, anh Nguyễn Văn Tuấn, ở phường Quyết Thắng, TP Sơn La, tỉnh Sơn La là người viết giấy vay nợ của bà Dậu số tiền 31 tỷ đồng.
Tuy nhiên, bà Dậu khai không đưa khoản tiền này cho anh Tuấn. Lý do anh Tuấn viết giấy vay số tiền này nhằm mục đích để bà Dậu chứng minh, số tiền bà Dậu đã vay được sử dụng cho người khác vay làm ăn nhằm tạo thêm niềm tin để người dân có thể tiếp tục cho bà ta vay tiền.
Do không đủ cơ sở xác định anh Tuấn đồng phạm với bà Dậu nên cơ quan điều tra không đề cập xử lý.
Ông Nguyễn Hồng Hảo, chồng bà Dậu, đã ký vào 25 giấy biên nhận vay tiền. Nhưng theo lời khai của bà Dậu, chính bà ta là người hỏi vay và đã sử dụng tất cả số tiền liên quan đến chữ ký của ông Hảo.
Cơ quan điều tra cho rằng, tuy không đủ cơ sở xác định ông Hảo đồng phạm với vợ nhưng ông này phải chịu trách nhiệm dân sự trong việc bồi hoàn và khắc phục hậu quả những khoản tiền mà Dậu đã viết giấy vay.
Cũng theo báo An ninh thủ đô, quá trình điều tra và thẩm vấn công khai tại tòa cho thấy, mặc dù luôn đưa ra lý do vay tiền để kinh doanh, buôn bán bất động sản, song thực tế Dậu chỉ đứng lên huy động tiền của mọi người với lãi suất thấp, sau đó cho người khác vay lại với lãi suất “cắt cổ”, từ 9\% - 15\%/tháng để hưởng tiền chênh lệch.
Để thu hút được nhiều tiền của những người cả tin và hám lãi cao, trong hơn 2 năm âm thầm hoạt động, Dậu luôn nói với các bị hại rằng đối tượng đều “rót” vốn vào bất động sản. Quái hơn nữa là bị cáo còn nhờ một số người thân quen lập khống một số giấy tờ nhận nợ và đưa ra một số tài liệu thể hiện đối tượng là nhà đầu tư ở một dự án nhà ở cao cấp, tại huyện Hoài Đức.
Với hành vi và hậu quả đặc biệt nghiêm trọng gây ra, HĐXX sơ thẩm TAND TP Hà Nội đã quyết định tuyên phạt Nguyễn Thị Dậu tù chung thân về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Đây là mức án cao nhất có thể áp dụng đối với loại tội phạm này. Ngoài ra, để bảo đảm thi hành án, HĐXX sơ thẩm cũng quyết định kê biên một căn nhà ở Hà Đông của Dậu.
Trước phiên tòa này, cuối năm 2013, TAND TP Hà Nội đã đưa bị cáo ra xét xử theo tội danh trên và cũng đã áp dụng hình phạt tù chung thân. Vậy nhưng quá trình xét xử phúc thẩm, TAND Tối cao đã tuyên hủy bản án sơ thẩm đó để điều tra, xét xử lại từ đầu do một số thiếu sót về trình tự, thủ tục giải quyết vụ án.