Reuters đưa tin tên lửa đạn đạo Hwasongpho-18 được bắn gần Bình Nhưỡng, bay khoảng 1.000 km trước khi hạ cánh xuống vùng biển phía đông Triều Tiên và không gây ra bất kì mối đe dọa nào đối với các nước láng giềng.
Hãng thông tấn KCNA của Triều Tiên đã mô tả Hwasong-18 là tên lửa ba tầng với giai đoạn đầu tiên được thử nghiệm ở quỹ đạo đạn đạo tiêu chuẩn và các giai đoạn còn lại được lập trình để bay ở các góc cao hơn sau khi tách ra để tránh các nước láng giềng. Hiện chưa rõ giai đoạn thứ ba đã được thử nghiệm như thế nào và về mặt lý thuyết đầu đạn sẽ được đặt ở đâu.
Các nhà phân tích cho biết đây là lần đầu tiên Triều Tiên sử dụng nhiên liệu đẩy rắn trong một tên lửa đạn đạo tầm trung hoặc xuyên lục địa. Hầu hết các tên lửa đạn đạo lớn nhất của nước này đều sử dụng nhiên liệu lỏng. Điều này đòi hỏi chúng phải được nạp nhiên liệu đẩy tại bãi phóng - một quá trình tốn nhiều thời gian và nguy hiểm.
Phát triển tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn từ lâu đã được coi là mục tiêu chính của chính phủ Bình Nhưỡng vì nó có thể giúp nước này triển khai tên lửa nhanh hơn nếu xảy ra chiến tranh.
"Đối với bất kỳ quốc gia nào vận hành lực lượng hạt nhân dựa trên tên lửa quy mô lớn, tên lửa nhiên liệu rắn là loại vũ khí vô cùng đáng mơ ước vì chúng không cần phải tiếp nhiên liệu ngay trước khi sử dụng. Điều này giúp tăng phản ứng nhanh hơn nhiều trong thời kỳ khủng hoảng”, ông Ankit Panda - thành viên cấp cao của Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế tại Mỹ cho biết.
Cựu chuyên gia vũ khí của chính phủ Mỹ Vann Van Diepen cho biết tên lửa chạy bằng nhiên liệu rắn vận hành dễ dàng và an toàn hơn đồng thời cần ít hỗ trợ hậu cần hơn khiến chúng khó bị phát hiện hơn và dễ sống sót hơn so với tên lửa vận hành bằng nhiên liêu lỏng truyền thống.
"Triều Tiên có thể đã chọn tập trung vào việc thu thập dữ liệu cần thiết để kiểm tra các tính năng của tên lửa ở các giai đoạn khác nhau thay vì phóng hết tốc lực ở lần phóng đầu tiên. Vì đây là một cuộc thử nghiệm không chứng minh được mô hình bay bình thường nên Triều Tiên có thể sẽ tiến hành thêm một số cuộc thử nghiệm nữa", Giáo sư Kim Dong-yup tại Đại học Nghiên cứu Bắc Triều Tiên tại Seoul (Hàn Quốc) chia sẻ.
Nhà lãnh đạo Triều tiên Kim Jong Un đã chỉ đạo cuộc thử nghiệm và cảnh báo nó sẽ khiến kẻ thù phải trải qua một cuộc khủng hoảng an ninh rõ ràng hơn đồng thời liên tục giáng cho họ cảm giác bất an bằng cách thực hiện các hành động phản công lớn.
Triều Tiên đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn gần đây đang làm leo thang căng thẳng. Để đáp trả, nước này cũng đã tăng cường các vụ thử vũ khí trong những tháng gần đây.
Phương Uyên (Theo Reuters)