Triều Tiên tuyên bố kết thúc Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 sẽ “không bao giờ được coi là một quân bài mặc cả” để Bình Nhưỡng phi hạt nhân hóa.
Triều Tiên không coi việc kết thúc chiến tranh là "quân bài mặc cả" trong đàm phán phi hạt nhân hóa. Ảnh minh họa: Getty |
Trong tuyên bố chung với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại hội nghị thượng đỉnh liên Triều giữa tháng 9 vừa qua, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tỏ ý sẵn sàng "phá hủy vĩnh viễn" cơ sở hạt nhân Yongbyon nếu Mỹ có hành động tương ứng, gồm tuyên bố chính thức chấm dứt chiến tranh. Ông Moon nói điều này có thể bao gồm cả một tuyên bố kết thúc chính thức cho cuộc chiến tranh giữa 2 miền bán đảo.
Trong một bài bình luận, hãng thông tấn KCNA khẳng định vấn đề kết thúc Chiến tranh Triều Tiên là "quá trình đầu tiên, cơ bản nhất để thiết lập quan hệ, xây dựng nền hòa bình giữa Mỹ và Triều Tiên".
Tuy nhiên, Bình Nhưỡng cho rằng kết thúc chiến tranh "không bao giờ là quân bài mặc cả trong đàm phán phi hạt nhân", cho rằng nước này không đặt quá kỳ vọng nếu Washington không muốn chính thức chấm dứt cuộc chiến.
Tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều hồi tháng 6 ở Singapore, Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim đã đồng ý với các điều khoản để "xây dựng một chế độ hòa bình lâu dài và ổn định trên bán đảo Triều Tiên".
Tuy nhiên, Washington muốn Bình Nhưỡng phải công bố toàn bộ chương trình vũ khí và thực hiện các bước có thể kiểm chứng để từ bỏ kho hạt nhân.
KCNA cho biết cơ sở hạt nhân Yongbyon "là một trong những địa điểm quan trọng nhất” đối với chương trình hạt nhân của họ. "Triều Tiên đang thực hiện các bước quan trọng và thực tế để thực hiện tuyên bố chung tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, nhưng Washington đang tìm cách khuất phục chúng tôi bằng các biện pháp trừng phạt", bài xã luận cho hay.
Tuy nhiên, 3 quan chức cấp cao của Mỹ trước đây từng nói với Reuters rằng không có tiến bộ nào trong việc tiến tới đàm phán nghiêm túc về việc loại bỏ hoặc thậm chí là ngăn chặn Triều Tiên tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo.
PHƯƠNG PHƯƠNG(Theo Reuters)