+Aa-
    Zalo

    Tranh luận đến cùng tại Quốc hội, làm sáng tỏ những vấn đề xã hội quan tâm

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Theo Chương trình Kỳ họp thứ 7, các đại biểu Quốc hội sẽ tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn các bộ trưởng, trưởng ngành trước Quốc hội.

    Theo Chương trình Kỳ họp thứ 7, trong 2,5 ngày, từ 4/6 đến sáng 6/6, các đại biểu Quốc hội sẽ tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn các bộ trưởng, trưởng ngành trước Quốc hội.

    Các đại biểu Quốc hội sẽ tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn các bộ trưởng, trưởng ngành trước Quốc hội từ 4/6 đến sáng 6/6. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

    Đây là một trong những hoạt động đặc biệt quan trọng của kỳ họp Quốc hội, thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri, nhân dân cả nước theo dõi qua phát thanh và truyền hình trực tiếp.

    Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, sau khi tổng hợp từ phiếu xin ý kiến các đại biểu, Quốc hội đã lựa chọn ra 4 nhóm vấn đề chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7. Đây đều là những nội dung "nóng", không chỉ được các đại biểu Quốc hội quan tâm mà còn được cử tri và nhân dân cả nước mong đợi.

    Nhóm vấn đề thứ nhất liên quan đến an ninh trật tự, gồm các nội dung về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về sản xuất, tàng trữ, vận chuyển mua bán trái phép chất ma túy; công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm giết người, tội phạm liên quan đến hoạt động tín dụng đen, băng nhóm hoạt động theo kiểu "xã hội đen", tổ chức đường dây mang thai hộ xuyên quốc gia, xâm hại phụ nữ, trẻ em; công tác đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm xâm phạm an toàn giao thông, nhất là đối tượng tham gia giao thông sử dụng rượu, bia vượt quá mức quy định và sử dụng ma túy, chất kích thích, gây hậu quả nghiêm trọng. Chịu trách nhiệm trả lời chính về nội dung này là Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm.

    Nhóm vấn đề thứ hai được nhiều đại biểu quan tâm là lĩnh vực xây dựng, trong đó có các vấn đề quản lý thị trường bất động sản, xử lý bất cập trong quản lý nhà chung cư, căn hộ du lịch (codotel), biệt thự du lịch, văn phòng kết hợp cư trú; công tác quy hoạch và quản lý trật tự xây dựng đô thị, việc di dời trụ sở bộ, ngành ra khỏi nội đô thành phố. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà chịu trách nhiệm chính trong trả lời nội dung này.

    Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể sẽ chịu trách nhiệm trả lời chính về nhóm vấn đề chất vấn thứ ba liên quan đến lĩnh vực giao thông vận tải, gồm: xử lý những vấn đề vướng mắc về kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các công trình giao thông trọng điểm đội vốn lớn, chậm tiến độ, chất lượng kém; quản lý hoạt động vận tải, chất lượng phương tiện, quản lý xe hợp đồng điện tử; đào tạo, sát hạch, cấp, thu hồi giấy phép lái xe cơ giới; thực hiện quản lý, giám sát thu phí tự động không dừng tại các trạm thu phí hoàn vốn dự án đầu tư quốc lộ, đường bộ cao tốc và trách nhiệm của Bộ trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

    Nhóm vấn đề thứ tư liên quan đến lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch do Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện trả lời chính xoay quanh việc quản lý nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh, hoạt động mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm; công tác phòng ngừa mê tín dị đoan, quản lý nguồn thu từ du lịch tâm linh và các di tích tham quan thắng cảnh; quản lý và phát triển dịch vụ du lịch.

    Ngoài trách nhiệm trả lời chất vấn chính của bốn Bộ trưởng trên, trong phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh sẽ giải trình thêm các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm. Cùng với đó, các Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực liên quan; Bộ trưởng các bộ khác, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; Tổng Thanh tra Chính phủ; Tổng Kiểm toán Nhà nước; Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng... sẽ tham gia trả lời chất vấn, giải trình để làm sáng tỏ những vấn đề có liên quan.

    Sau hoạt động chất vấn, Quốc hội ban hành nghị quyết chất vấn để giám sát việc thực hiện.

    Đặc biệt, để tăng cường tính đối thoại, tranh luận trong hoạt động nghị trường, kỳ họp này tiếp tục sẽ có những cải tiến, đổi mới về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Nối tiếp những kết quả được đánh giá tốt, tại kỳ họp này, Quốc hội tiếp tục tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn theo nhóm vấn đề. Người bị chất vấn không trình bày báo cáo, có thể phát biểu về vấn đề chất vấn không quá 5 phút trước khi đại biểu Quốc hội tiến hành chất vấn. Tại kỳ họp này, mỗi lượt có 3 đại biểu đặt câu hỏi chất vấn, mỗi đại biểu nêu chất vấn không quá 1 phút, người bị chất vấn trả lời không quá 3 phút/chất vấn. Đại biểu Quốc hội tiếp tục tăng cường tranh luận đến cùng với các thành viên Chính phủ, trưởng ngành về những vấn đề đã được trả lời nhưng chưa thỏa đáng. Thông tin tranh luận phải chính xác, đúng phạm vi chất vấn, không lạm dụng đăng ký tranh luận để đặt câu hỏi chất vấn...

    Việc lựa chọn nội dung chất vấn là những vấn đề "sát sườn" với người dân, đồng thời tiếp tục cải tiến, đổi mới về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn để tăng sự tranh luận nhằm đi đến tận cùng vấn đề, chắc chắc rằng qua chất vấn của các đại biểu Quốc hội, sự trả lời trực diện của các thành viên Chính phủ sẽ làm sáng tỏ những vấn đề được đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm, gửi gắm tới cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân.

    Theo Quỳnh Hoa/TTXVN

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tranh-luan-den-cung-tai-quoc-hoi-lam-sang-to-nhung-van-de-xa-hoi-quan-tam-a278218.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan