+Aa-
    Zalo

    Quốc hội tiếp tục thảo luận các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Tiếp tục Chương trình Kỳ họp 7, các ĐBQH tiếp tục thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018.

    Tiếp tục Chương trình Kỳ họp 7, sáng 31/5, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019; quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017.

    Trong phiên thảo luận, các thành viên Chính phủ giải trình, làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

    Đây là nội dung quan trọng, được phát thanh và truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước theo dõi.

    Quang cảnh phiên họp ngày 30/5. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

    Trong phiên họp chiều 31/5, các đại biểu thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ. Nội dung này đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ chiều 20/5.

    Việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ nhằm tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật trong nước để thực thi cam kết trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP; đảm bảo mục tiêu tham gia hiệu quả Hiệp định CPTPP và thi hành các cam kết phải thực thi ngay khi Hiệp định có hiệu lực đối với Việt Nam; đảm bảo thống nhất và đồng bộ với nội dung cam kết theo Hiệp định CPTPP đã được Quốc hội phê chuẩn tại Nghị quyết số 72/2018/QH14 ngày 12/11/2018. Dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 7 gồm 4 chương, 10 điều.

    Nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh bảo hiểm tập trung việc bổ sung các quy định về giải thích từ ngữ đối với dịch vụ phụ trợ bảo hiểm; tư vấn bảo hiểm; đánh giá rủi ro bảo hiểm; tính toán bảo hiểm; giám định tổn thất bảo hiểm; hỗ trợ giải quyết bồi thường bảo hiểm; sửa đổi, bổ sung quy định về quyền tham gia các tổ chức xã hội - nghề nghiệp của tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm; bổ sung quy định về cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm; sửa đổi, bổ sung quy định về nội dung quản lý nhà nước đối với hoạt động phụ trợ bảo hiểm.

    Để tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đang hoạt động phụ trợ bảo hiểm có thời gian chuẩn bị để đáp ứng các điều kiện cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, khoản 3 Điều 3 của dự thảo Luật quy định việc chuyển tiếp như sau: “Trong thời hạn 01 năm kể từ ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ có hiệu lực, các tổ chức, cá nhân đang hoạt động phụ trợ bảo hiểm phải đáp ứng các quy định về điều kiện hoạt động phụ trợ bảo hiểm theo quy định tại Luật này.”

    Nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ tập trung quy định về sáng chế; chỉ dẫn địa lý; nhãn hiệu; bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, trong đó dự thảo Luật đã bổ sung điều khoản chuyển tiếp về: Đơn đăng ký sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, thiết kế bố trí, chỉ dẫn địa lý; Thủ tục hủy bỏ hiệu lực Bằng độc quyền sáng chế, Bằng độc quyền giải pháp hữu ích, Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý của các đơn; Thủ tục chấm dứt hiệu lực của Giấy chứng nhận đăng ký nhãn; Các thủ tục bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

    Theo chương trình, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ sẽ được thông qua tại Kỳ họp thứ 7 theo quy trình một kỳ họp.

    Theo TTXVN/Báo Tin tức

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/quoc-hoi-tiep-tuc-thao-luan-cac-giai-phap-phat-trien-kinh-te---xa-hoi-a277814.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan