(ĐSPL) - "Tôi đến với saxo chính là nhờ Trịnh Công Sơn. Năm tám tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe Hạ trắng qua tiếng saxo của Trần Vĩnh. Tôi đã yêu giai điệu của Hạ trắng từ khi chưa biết tên tác phẩm cũng như tác giả. Rồi từ đó, cuộc đời tôi đã cuốn theo Hạ trắng cùng tiếng kèn saxo" nghệ sỹ Trần Mạnh Tuấn chia sẻ.
Nhắc đến nhạc sỹ Trần Mạnh Tuấn, khán giả thường nhớ đến những bản nhạc jazz phóng khoáng qua tiếng kèn saxophone. Anh thành công cả trong dòng nhạc jazz sở trường, jazz hóa các ca khúc quen thuộc hay dòng hòa tấu nhạc pop. Có thể nói Trần Mạnh Tuấn là nghệ sỹ biểu diễn nhạc cụ thành công và được khán giả Việt Nam cũng như người nước ngoài yêu mến. Nhắc đến anh, người ta vẫn nhớ đến hình ảnh một nghệ sỹ buộc tóc dài, phong thái tự tin đứng thổi saxophone trên sân khấu với những giai điệu trầm ấm và mê hoặc...
Có lẽ đam mê trong nhạc jazz đã lan toả đến mọi thành viên trong gia đình nghệ sỹ Trần Mạnh Tuấn và nhất là cô con gái nhỏ. Trần Mạnh Tuấn nói vui, con gái An Trần đã tiếp xúc với saxophone từ khi còn ở trong bụng mẹ. Màn hợp tác vô cùng bất ngờ và thú vị của An Trần và bố trong chương trình Dấu Ấn ngày 19/2/2014 vừa qua đã mang lại sự phấn khích rất lớn từ phía khán giả. Mặc dù còn nhỏ nhưng cô bé vẫn rất tự tin song diễn cùng bố và tỏ ra vô cùng chuyên nghiệp từ cách "phiêu" đến kỹ năng nhấn nhá từng nốt nhạc.
Nghệ sỹ Trần Mạnh Tuấn và gia đình hạnh phúc của mình. |
Jazz ngẫu hứng rất gần với thiền
Chào nghệ sỹ Trần Mạnh Tuấn, Jazz - ít nhiều cũng là loại nhạc kén người nghe nhưng jazz của Trần Mạnh Tuấn thì không đến nỗi thế. Bằng chứng là anh đã đến gần công chúng bằng các bản nhạc Việt được chơi theo phong cách jazz. Để làm điều đó anh có phải "gồng mình" không?
Tự nhiên thôi, chẳng có gì gượng ép với tôi. Tôi nghĩ chẳng nghệ sỹ nào có thể làm thứ âm nhạc giả dối được. Niềm yêu thích âm nhạc từ người nghệ sỹ được thể hiện bằng cảm xúc, tất cả những học vấn kỹ thuật chỉ là phương tiện. Bất cứ khi nào tôi cũng cảm thấy mình thăng hoa khi chơi nhạc. Tôi nói có khi người ta cười chứ Trần Mạnh Tuấn có lẽ sinh ra chẳng biết làm gì ngoài âm nhạc. Tôi trân trọng sự rung cảm của tâm hồn và chắc chắn chỉ có bằng cách đó mới có thể có sức cuốn hút, có ấn tượng mạnh với người nghe.
Có phải những thành công có được trong nghề nghiệp phần lớn là do anh được đào tạo ở Mỹ - cái nôi của nhạc jazz?
Với 11 album, tôi đã làm tất cả từ sản xuất, biên tập, hòa âm, phối khí... Tôi đâu chỉ là một thợ kèn? Tôi muốn kể về một thất bại, khi mới từ Mỹ về tôi hào hứng làm đĩa nhạc Lời ru mắt em - có cả Trần Thu Hà và Bằng Kiều hát. Ỷ vào kiến thức đã học, tôi chỉ muốn khoe những kỹ thuật tiên tiến mà quên đi cảm xúc và tôi đã thất bại. "Lời ru mắt em" tôi in 2.000 đĩa mà tặng người ta mấy năm không hết, tặng ai họ cũng chỉ nghe một lần. Nhưng thất bại đó đâu chỉ là mất 10.000 USD ngày ấy? Nó đã làm tôi hiểu mình là ai ngày hôm nay. Tôi nhớ lúc đó chẳng bạn bè nào ủng hộ vì cho rằng tôi đã làm nhạc cũ nhưng không ngờ đĩa "Về quê" với phong cách smooth jazz lại thành công. Tôi nhận ra những bản nhạc cũ là giai điệu quen nhưng hòa âm kiểu jazz là sự lạ. Tôi thấy mình đã tìm đúng chiếc chìa khóa để đi vào lòng công chúng nghe nhạc mà vẫn là jazz - phong cách và đam mê của tôi. Saxophone và nhạc jazz đã thay đổi cuộc đời tôi.
Anh có những tình bạn rất kỳ lạ, như mối nhân duyên với các vị sư trụ trì ở chùa Hương, chùa Vĩnh Nghiêm, các vị cha xứ… và đã có những buổi trình diễn ở chùa, ghi âm cũng ở chùa… Lý do nào thúc đẩy anh kết hợp jazz với tiếng chuông chùa?
Tôi phát hiện từ jazz chất ngẫu hứng rất gần với thiền. Tôi cứ bị ám ảnh là làm thế nào đưa hồn dân tộc vào jazz như một thứ "world music" hiện đại. Kết hợp âm nhạc đương đại trên nền âm thanh đậm chất thiền phương Đông mang lại một cảm thức kỳ lạ. Tôi đã chứng kiến chùa Viên Giác ở TP.HCM tập hợp 100 nhà sư tụng và tán. Đây là thứ âm nhạc mà tôi nghĩ có khả năng hiện đại hoá.
Tôi tưởng tượng mình được thổi saxo cùng với 100 nhà sư tán và chơi những nhạc cụ riêng của các vị, âm thanh vang vọng vào vách đá chùa Hương… Tôi muốn ghi âm trong không gian đó. Một không gian tĩnh lặng, trang nghiêm, chỉ có tiếng tụng kinh gõ mõ và tiếng chuông chùa. Không phải tôi muốn làm nhạc Phật giáo, tôi chỉ tìm ảnh hưởng của không gian, sự tĩnh lặng của âm nhạc Phật giáo để tạo nên một tinh thần mới cho jazz. Điều đặc biệt nữa là không gian tự nhiên trong chùa là một "phòng thu" rất tốt, chất liệu gỗ tạo nên tiếng vang tự nhiên và sâu thẳm…
Tôi đang sống đúng với bản chất của mình
Bề ngoài, trông Trần Mạnh Tuấn là một người rất lạnh lùng, nhưng khi tiếp xúc, người ta thấy anh khiêm nhường trong ứng xử với mọi người. Có người ác ý bảo anh đang diễn?
Rồi mọi người sẽ hiểu tôi. Khi biết mình là ai, biết nhún mình một chút, sẽ học được nhiều điều từ cuộc sống và từ chính học trò của mình. Dạy học cũng là một cách để cho đi và nhận lại. Cũng nhờ tình bạn với các nhà sư, tôi tự nhiên quên hết mọi ganh đua, ghét bỏ, học được chữ nhẫn, suy nghĩ về cuộc sống trầm tĩnh hơn. Tôi không diễn mà tôi sống đúng với bản chất của mình.
Trong những cuộc vui của bạn bè, lúc nào cũng thấy anh xuất hiện bên vợ và các con. Làm thế nào để có thể gìn giữ được hạnh phúc lâu bền trong môi trường nhiều thử thách của đời nghệ sỹ?
Để bảo vệ gia đình, vợ chồng bắt buộc phải có niềm tin. Nhiều người nghĩ làm nghệ sỹ càng có điều kiện để trăng hoa, lả lướt, nhưng với tôi, thời gian dành cho âm nhạc, lo toan cuộc sống đã chiếm hết sinh lực. Là người đứng mũi chịu sào trong gia đình, lo công việc đối ngoại với vai trò của một người đại diện cho jazz Việt Nam, tôi hiểu hơn ai hết giá trị của gia đình.
Vợ tôi sinh con 27 ngày thì tôi đi du học ở Mỹ, ở nhà cô ấy quán xuyến hết. Con ốm ròng rã mấy tháng trời, rồi nhà cháy, mất sạch tiền bạc, chỉ ôm được con chạy ra ngoài, vậy mà cô ấy vẫn âm thầm chịu đựng không hề nói với tôi, sợ tôi lo lắng bỏ học giữa chừng… Chúng tôi giống nhau ở sự trỗi dậy mạnh mẽ, chẳng biết sợ là gì. Vợ chồng chỉ có hai bàn tay trắng vào Nam, mở câu lạc bộ jazz, tham gia tất cả các hoạt động của ngoại giao đoàn, cố gắng vươn lên. Thời gian rảnh cả hai cùng tham gia làm công tác xã hội, từ thiện… Tôi chưa bao giờ làm điều gì cho vợ phải buồn cả.
Trần Mạnh Tuấn nói rằng anh đến với saxo chính là nhờ nhạc sỹ Trịnh Công Sơn. |
Bất kể xa xôi, mưa gió, bệnh tật, anh luôn có mặt trong những đêm nhạc tưởng nhớ Trịnh Công Sơn. Anh đã tìm thấy sự đồng cảm nào trong suy nghĩ về thân phận, về tình yêu, tình bạn, khi đến với Trịnh Công Sơn?
Tôi đến với saxo chính là nhờ Trịnh Công Sơn. Năm tám tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe Hạ trắng qua tiếng saxo của Trần Vĩnh. Tôi đã yêu giai điệu của Hạ trắng từ khi chưa biết tên tác phẩm cũng như tác giả. Rồi từ đó, cuộc đời tôi đã cuốn theo Hạ trắng cùng tiếng kèn saxo. Tôi không ngờ mình lại có cơ hội được gặp anh, được anh coi như một người bạn nhỏ. Ở tuổi 40, để sống bình yên khó lắm, vì cuộc sống còn đầy hỗn loạn, nhưng được ở bên anh, nhìn cách anh đối xử với bạn bè, cách anh gắp thức ăn cho mọi người, chăm chút mọi người, mới hiểu tình bạn rất cần sự xả thân, sự hy sinh. Tôi có được ngày hôm nay cũng là nhờ bạn bè, những người anh như anh, kể cả những người bạn ngoài biên giới.
Phải sống như là một mệnh lệnh! Nhiều tin đồn anh đang bệnh rất nặng, nhưng đến nay, vẫn thấy anh thật mãnh liệt với bản jazz chất ngất. Làm thế nào mà một người đàn ông với một bên mắt bị hỏng và phải sống nhờ bằng quả thận của anh trai, lại có thể tự tin như thế? Cuộc đời tôi có những tai họa giáng xuống thật bất ngờ. Năm 13 tuổi, tôi bị đau mắt, bác sỹ chẩn đoán chỉ bị viêm mắt bình thường, đâu ngờ ba ngày sau để tay lên mắt không còn nhìn thấy gì nữa. Bác sỹ phải tiêm một loại thuốc rất mạnh để giữ con mắt còn lại. Đau đớn vô cùng, tôi nằm lịm đi suốt mấy tiếng đồng hồ, rồi lại một mình trở về nhà. Lúc ấy, tôi tưởng cuộc đời thế là chấm dứt. Tôi lao vào thổi kèn như điên và không ngờ âm nhạc đã cứu sống tôi. Khi đang biểu diễn ở Đức, tôi biết được mình bị hư hết hai quả thận. Một tháng trời tôi bị sốc, chỉ nằm nhìn lên trần nhà. Sau đó tôi được anh trai cho một quả thận. Tôi hiểu hơn ai hết cái gì đến sẽ đến, may mắn của mình là vẫn còn rất nhiều người yêu thương, giúp đỡ. Điều đó không cho phép mình bi quan. Trách nhiệm với người xung quanh, với gia đình còn quá nặng nề không cho phép tôi buông xuôi. Tôi phải sống gần như là một mệnh lệnh… |