Dư luận đang dấy lên nỗi lo về bữa ăn học đường cho học sinh liệu có đảm bảo khi mà hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm trong trường học, cùng những vụ phát hiện thực phẩm bẩn được tuồn vào trường học liên tục xảy ra gần đây.
Gần đây nhất, hàng chục học sinh trường Tiểu học Nguyễn Thị Định (TP.Hồ Chí Minh), trường Tiểu học Thanh Xuân Bắc (Hà Nội) nghi ngờ bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bữa trưa tại trường. Trước đó, phát hiện không ít vụ thực phẩm bẩn được đưa vào trường để phục vụ bữa ăn cho học sinh, như thịt lợn nhiễm sán ở Thuận Thành (Bắc Ninh) hay thịt gà bốc mùi ôi thiu ở Hoàng Mai (Hà Nội)…
Những vụ việc trên không khỏi khiến dư luận lo lắng về sự an toàn cho bữa ăn của học sinh tại trường học, đặc biệt là những phụ huynh đang có con sinh hoạt bán trú tại trường.
Nhà trường chịu trách nhiệm đầu tiên
TS.BS Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho rằng: “Khi xảy ra một vụ ngộ độc thực phẩm trong trường học, là điều không mong muốn của tất cả các đơn vị, phải nhanh chóng khắc phục, đưa học sinh đi khám và điều trị tại các cơ sở y tế. Sau đó, tìm hiểu nguyên nhân cụ thể xem vấn đề nằm ở đâu, truy trách nhiệm cụ thể và để lần sau không lặp lại những vấn đề tương tự. Nếu vội vàng quy chụp do nguyên nhân này, nguyên nhân kia cũng chưa thể chắc chắn hiệu quả”.
Trước những lo lắng về an toàn thực phẩm trong học đường, Hiệu trưởng trường mầm non Chim Non Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết: “Kết hợp với phụ huynh học sinh. Hàng ngày, mời một phụ huynh bất kỳ kiểm tra giám sát trong các quy trình từ tiếp nhận thực phậm, sơ chế, chế biến, đồng thời có thể ăn trưa cùng học sinh.
Theo tôi, để xảy ra những trường hợp như vậy, trách nhiệm đầu tiên thuộc về Ban giám hiệu nhà trường, tiếp theo, trách nhiệm của tất cả các nhân viên, giáo viên. Mỗi nhà trường phải luôn luôn để ý đến vấn đề an toàn thực phẩm và coi đó là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết nhất.
Nhiều vụ bê bối về thực phẩm trong bữa ăn học đường- Ảnh: Minh họa |
Nếu những tình trạng đó đã xảy ra, đầu tiên, các cơ quan chức năng cũng phải vào cuộc để xác minh nguyên nhân ở đâu, do đơn vị cung ứng thực phẩm, do nguồn nước, hay phía nhà trường… để có hình thức xử lý. Từ đó, cũng cần có các hình thức xử phạt thích đáng để đảm bảo không còn xuất hiện những vụ việc tương tự.
Quy trình giao nhận thực phẩm đối với các trường mầm non, phải đảm bảo, trước tiên, gồm có một kế toán, thủ kho, bếp trưởng, đại diện Ban giám hiệu, đại diện giáo viên, đại diện phụ huynh tham gia giám sát. Bên cạnh đó, ban thanh tra nhân dân không theo kế hoạch mà sẽ tiến hành kiểm tra đột xuất. Trạm y tế phường phối hợp, tham gia giám sát chặt chẽ các quy trình.
Trong các quy trình có thể đeo găng tay, cắt thịt, cắt rau ra kiểm tra chất lượng trực tiếp. Ngoài ra, có thể xem nhãn mác, xuất xứ có đảm bảo hay không, đối chiếu với các giấy tờ như phiếu xuất kho, phiếu giao hàng mà bên giao thực phẩm mang đến”.
Theo PGS.TS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng viện Y học ứng dụng Việt Nam, khi có sự việc nhà trường phải nhanh chóng phối hợp với gia đình khám và điều trị cho học sinh, chịu trách nhiệm trước tiên. Bên cạnh đó, tìm hiểu rõ nguyên nhân và xác định trách nhiệm nằm ở khâu nào, đơn vị nào để điều chỉnh và ngăn chặn những tình huống tương tự.
ThS. Đỗ Nghiêm Thanh Phương, giảng viên đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng: “Khi những vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra, trường sẽ phải chịu trách nhiệm chính qua các khâu giám sát lỏng lẻo, quy trình tiếp nhận, sơ chế và chế biến thực phẩm chưa đảm bảo. Phòng GD&ĐT trực tiếp quản lý sẽ có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm soát và xử lý”.
Kiểm soát chặt chẽ từng khâu một
TS.BS Nguyễn Trọng Hưng cho biết: “Hiện tại, vẫn phải giám sát lẫn nhau bằng các hợp đồng, chứ liên tục kiểm tra mỗi ngày cũng khó, không đủ kinh phí để thực hiện các xét nghiệm kiểm tra mỗi ngày. Còn việc đánh giá, kiểm nghiệm chất lượng thực phẩm bằng mắt thường là rất khó.
Việc đánh giá cảm quan tùy thuộc kinh nghiệm của mỗi người, bên cạnh đó, cảm nhận lúc đúng lúc sai, không thể đánh giá khi chưa có kiểm tra chính xác. Kinh nghiệm chỉ có thể tham khảo chứ chưa thể đem ra kết luận.
Trước hết, về nguyên tắc, đối với những bếp ăn tập thể như thế phải có nguồn cung cấp thực phẩm rõ ràng, giữa hai bên phải có hợp đồng cụ thể. Từ đó, khi giao nhận thực phẩm hàng ngày, phải có những phiếu thông tin, chỉ số rõ ràng đúng quy định.
Và thỉnh thoảng vẫn phải có một lần kiểm tra đột xuất những vấn đề dư lượng trong thực phẩm có đảm bảo trong giới hạn an toàn hay không để kịp thời xử lý”.
Ông cho biết: “Bên cạnh đó, cũng phải giáo dục, tuyên truyền người cung cấp thực phẩm phải tuân thủ theo quy định trong hợp đồng, có đạo đức trong việc giao thực phẩm tới trường học và các cơ sở giáo dục, tránh những sơ hở để trà trộn thực phẩm không đảm bảo đúng quy định”.
TS.BS Nguyễn Trọng Hưng. |
“Theo tôi, chưa thấy những món ăn nào kết hợp với nhau gây những biểu hiện ngộ độc thực phẩm, trừ khi đó là một món ăn được chế biến quá lạ. Những thông tin về các món ăn “kị nhau” cũng mới chỉ là thông tin chính thống, ngay cả trong y học cổ truyền cũng chưa có khẳng định nào về việc ngộ độc do kết hợp các món ăn.
Vì vậy, không thể quy chụp như vậy, mà phải tìm hiểu những nguyên nhân khác dẫn đến ngộ độc”, ông khẳng định.
“Trước những vụ việc đó, phải họp mặt các đơn vị, điều tra rõ ràng sai sót nằm ở khâu nào, trách nhiệm thuộc về ai. Khi giao nhận thực phẩm nếu các thông tin trên phiếu ghi nhận không khớp với thực tế, thì trách nhiệm thuộc về bên cung cấp, nhưng biết đâu, thực phẩm khi đem giao thì đảm bảo, nhưng khi nhận về bếp ăn của nhà trường lại không đảm bảo nữa. Vì vậy, phải làm chắc từng khâu một.
Ví dụ, từ lúc ra khỏi đơn vị kiểm dịch nhưng không tuân thủ những nguyên tắc bảo quản, trên đường vận chuyển bị hỏng, hoặc vận chuyển đến trường, khâu bảo quản ở trường lại chưa tốt nên thực phẩm bị hỏng… Sơ hở có thể xuất hiện ở rất nhiều khâu. Từ đó tìm hiểu kỹ để có bài học, tránh xảy ra những hệ lụy tiếp theo”, ông phân tích.
Cẩm Mịch
Người Đưa Tin