Luật sư phân tích vụ tài xế taxi trả 900 nghìn đồng tiền âm phủ cho khách du lịch nước ngoài gây xôn xao dư luận.
Liên quan đến vụ khách du lịch nước ngoài bị trả tiền âm phủ gây xôn xao dư luận, mới đây, công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết, ngay sau khi nắm bắt được sự việc trên, cơ quan chức năng đã nhanh chóng vào cuộc điều tra xác minh.
Qua đó kết quả điều tra cho thấy, hai du khách xuất hiện trong clip mang quốc tịch Tây Ban Nha, không phải mang quốc tịch Pháp.
Theo luật sư hành vi của tài xe taxi “Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội”. - Ảnh: Người Đưa Tin. |
Ngoài ra, đối tượng trả lại tiền âm phủ không phải là người lái xích lô mà mà tài xế taxi tên Trần Văn Phong (SN 1989, trú tại xã Xuân Phương, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định).
Theo kết quả điều tra, khoảng 19h ngày 16/7, sau khi rời một nhà hàng trên phố Lê Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, hai vị khách ngoại quốc thuê Trần Văn Phong chở về khách sạn nằm trên địa bàn phường Ngọc Thụy (quận Long Biên, TP.Hà Nội). Khi về đến khách sạn, nam du khách đưa cho Phong 500.000 đồng, trong khi đồng hồ tính tiền cho thấy quãng đường đi của anh cùng bạn gái hết 37.000 đồng.
Do không có tiền trả lại và nghĩ rằng hai du khách nước ngoài không rõ tiền Việt, cộng thêm việc bất đồng ngôn ngữ, nên Phong nảy lòng tham.
Ngay sau đó, Phong đã lấy trong xe 3 tờ tiền âm phủ gồm 2 tờ 200.000 đồng và 1 tờ 500.000 đồng đưa cho du khách. Nghĩ rằng tài xế trả tiền thừa nên du khách cầm nhét ngay vào túi.
Đến sáng ngày hôm sau, cặp đôi du khách thuê một chiếc taxi khác chở đến 21 Hàng Thùng để mua vé đi du lịch Sa Pa. Tới nơi, du khách này lấy tờ tiền được trả lại hôm trước đưa cho lái xe taxi thì mới biết đó chỉ là một tờ tiền âm phủ không có giá trị.
Trao đổi với Báo Người đưa tin, Luật sư Vũ Quang Bá (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho rằng, việc chặt chém lừa đảo đối với khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch quốc tế sẽ làm xấu đi hình ảnh du lịch thân thiện mến khách mà Việt Nam đã xây dựng được. Vì thế hành vi này của tài xế taxi cần phải lên án mạnh mẽ và phải xử lý nghiêm.
Theo luật sư Bá, hành vi của lái xe taxi có dấu hiệu phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, do số tiền lừa đảo dưới 2 triệu đồng, chưa đủ cấu thành tội này nên chỉ có thể xử phạt hành chính theo quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ–CP với mức xử phạt 1-2 triệu đồng.
Trả lời trên Báo Gia đình & Xã hội, Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn Anh - Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, hành vi của đối tượng đã xâm phạm đến quyền sở hữu của người khác về tài sản được pháp luật bảo vệ.
Cụ thể, đối tượng Trần Văn Phong đã lợi dụng 2 du khách người Tây Ban Nha là anh Miguel Fernandez Lamelas (sn 1981) và bạn gái là Elena Blasco Hernandez (sn 1981) không biết tiếng Việt, nên đã dùng thủ đoạn gian dối là trả lại tiền thừa bằng tiền âm phủ không có giá trị sử dụng.
Việc làm này nhằm mục đích chiếm đoạt số tiền thừa phải trả cho khách khi họ đưa 500.000 đồng.
"Hành vi của đối tượng đã dùng thủ đoạn gian dối trả lại tiền thừa bằng tiền âm phủ, làm cho 2 người khách nước ngoài tin rằng, số tiền trả lại là tiền thật. Vì vậy, hành vi của đối tượng đã cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo Điều 174 BLHS 2015", Luật sư Thơm khẳng định.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm nhận định, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là loại tội phạm có cấu thành vật chất, nên tài sản chiếm đoạt thông thường phải từ 02 triệu đồng trở lên mới bị xử lý hình sự. Đồng nghĩa, đối tượng chỉ bị xử phạt hành chính. Tuy nhiên, theo quy định mới của Bộ luật hình sự 2015, đối tượng Trần Văn Phong vẫn có thể bị xử lý hình sự theo tình tiết định khung theo điểm c, khoản 1 Điều 174 BLHS 2015: “Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội”.
Trường hợp, nếu Cơ quan điều tra xét thấy hành vi của đối tượng chưa đến mức xử lý hình sự thì đối tượng sẽ bị xử phạt hành chính theo điểm c, khoản 1 Điều 15 Nghị định 167/2013 với mức phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng về hành vi “Dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản của người khác”.
Thanh Bình (T/h)