+Aa-
    Zalo

    TPP: Những thuận lợi và thách thức với Việt Nam

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) tại Át-lan-ta (Hoa Kỳ) đã kết thúc vào chiều 5/10 (theo giờ Việt Nam).

    (ĐSPL) - Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) tại Át-lan-ta (Hoa Kỳ) đã kết thúc vào chiều 5/10 (theo giờ Việt Nam). Đây là bước ngoặt lịch sử đối với các nước thành viên TPP, trong đó có Việt Nam. Điều đó cũng có nghĩa TPP mở ra nhiều cơ hội lẫn thách thức với Việt Nam.

    Cơ hội lớn 

    Việt Nam có vai trò quan trọng đối với các nước trong đàm phán TPP, bởi Việt Nam là quốc gia có thị trường đáng kể, có thể đem lại giá trị gia tăng tương đối lớn cho các nước tham gia đàm phán. Kể cả với Australia, Nhật Bản, Chile, New Zealand và Singapore – những nước đã có FTA với nước ta – việc Việt Nam vào TPP vẫn mang lại nhiều lợi ích, đặc biệt là trong những lĩnh vực mà Việt Nam chưa có nhiều cam kết với họ, ví dụ như dịch vụ và đầu tư. Đối với Việt Nam, việc tham gia vào TPP có thể đem lại một số tác động tích cực như sau:

    Đầu tiên, TPP sẽ giúp Việt Nam cân bằng được quan hệ thương mại với các khu vực thị trường trọng điểm, tránh phụ thuộc quá mức vào một khu vực thị trường nhất định. Số liệu thống kê cho thấy, khu vực Đông Á, bao gồm ASEAN, Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Nhật Bản và Hàn Quốc luôn chiếm tỷ trọng rất lớn trong kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam, thường xuyên ở mức trên 60\%, nếu tính riêng nhập khẩu thì lên tới trên 75\%. Với sự gần gũi về vị trí địa lý, việc Đông Á chiếm tỷ trọng lớn trong quan hệ thương mại với Việt Nam là việc khó tránh. Tuy nhiên, tỷ trọng trên là quá lớn, có thể tiềm ẩn rủi ro khi kinh tế Đông Á có biến động bất lợi. Đàm phán và ký kết FTA với một số thị trường trọng điểm như Mỹ, EU có thể giúp chúng ta khắc phục tình trạng mất cân đối này.

    Thứ hai, quan hệ thương mại tự do với các thị trường lớn như Mỹ, Canada và việc Nhật Bản xóa bỏ thuế nhập khẩu cho hàng nông sản trong TPP, sẽ là cú hích thực sự cho xuất khẩu của Việt Nam. Theo tính toán của các doanh nghiệp, nếu thuế nhập khẩu được hạ về mức 0\% thì hàng dệt may và giày dép Việt Nam sẽ đứng trước cơ hội lớn trong việc mở rộng thị phần trên thị trường các nước TPP, trong đó có thị trường Mỹ. Cơ hội cho các sản phẩm xuất khẩu chủ lực khác như thủy sản, đồ gỗ và nông sản cũng rất lớn.

    Lợi ích thứ ba là cơ hội tiếp cận các thị trường rộng lớn gồm Mỹ, Nhật Bản, Canada với thuế nhập khẩu bằng 0\%, kết hợp với các cam kết rõ ràng hơn về cải thiện môi trường đầu tư và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ chắc chắn sẽ góp phần thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, nhất là của các tập đoàn lớn. Nếu biết tận dụng thời cơ này, Việt Nam sẽ hưởng lợi lớn từ làn sóng đầu tư mới, tạo ra nhiều công ăn việc làm, hình thành năng lực sản xuất mới để tận dụng các cơ hội xuất khẩu và tham gia các chuỗi giá trị trong khu vực và toàn cầu do TPP đem lại.

    Cuối cùng nhưng rất quan trọng, với các cam kết sâu và rộng hơn WTO, TPP sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam phân bổ lại nguồn lực theo hướng hiệu quả hơn, từ đó hỗ trợ tích cực cho quá trình tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng. Ngoài ra, do TPP hướng tới môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch hóa quy trình xây dựng chính sách và khuyến khích sự tham gia của công chúng vào quá trình này, cho nên sẽ có tác dụng rất tốt để hoàn thiện thể chế kinh tế cũng như tăng cường cải cách hành chính.


    Thách thức không nhỏ

    Báo Nhân dân đưa tin, bên cạnh những thuận lợi lớn, TPP cũng đặt ra nhiều thách thức lớn, đó là, mặc dù xuất khẩu tăng trưởng nhanh nhưng cơ cấu hàng xuất khẩu chưa mang tính hiệu quả, chủ yếu xuất khẩu hàng có công nghệ thấp, thâm dụng lao động như hàng may mặc, giày dép, đồ nội thất... Xuất khẩu chủ yếu nguyên liệu thô, chưa qua sơ chế hoặc gia công đã khiến việc cạnh tranh về giá cả, chất lượng, giá trị tăng thêm của hàng hóa… trở nên yếu. Quy mô DN xuất khẩu nhỏ, không thâm nhập được vào hệ thống phân phối chính khiến các DN xuất khẩu trở nên không bền vững, không chi phối được thị trường. Tham gia TPP sẽ tạo ra sức ép về mở cửa thị trường, cạnh tranh đối với các DN Việt Nam. Nếu không có sự chuẩn bị tốt, nhiều ngành sản xuất và dịch vụ có thể sẽ gặp khó khăn. Ngành chăn nuôi sẽ đối mặt sự cạnh tranh quyết liệt.

    Việt Nam cũng sẽ gặp phải thách thức cạnh tranh, có thể dẫn tới phá sản và tình trạng thất nghiệp ở các DN có năng lực cạnh tranh yếu, không được chuẩn bị kỹ cho hội nhập; việc giảm thu ngân sách từ giảm thuế nhập khẩu sau khi thực hiện TPP. Hơn nữa, việc giảm thuế quan có thể khiến luồng hàng nhập khẩu từ các nước TPP vào Việt Nam gia tăng, với giá cả cạnh tranh hơn. Thị phần hàng hóa liên quan tại Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng và cạnh tranh sẽ gay gắt hơn. Sản phẩm nông nghiệp, doanh nghiệp và nông dân Việt Nam đứng trước sự cạnh tranh gay gắt, nhất là các hàng nông sản và nông dân là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong hội nhập.

    Các nước tham gia TPP có xu hướng đàm phán nhằm giữ bảo hộ đối với nông sản nội địa. Khi đó, hàng rào phi thuế quan sẽ trở nên phổ biến hơn với yêu cầu cao hơn về chất lượng sản phẩm, trong khi đây là điểm yếu của sản xuất nông nghiệp Việt Nam. Hàng nhập khẩu tăng, xuất khẩu không tìm được đường vào thị trường các nước sẽ khiến nông nghiệp đứng trước những khó khăn. Để bảo hộ hàng hóa trong nước, Việt Nam tất yếu cũng sẽ áp dụng các hàng rào phi thuế quan. Nếu rào cản kỹ thuật chưa có hoặc kém, các biện pháp vệ sinh dịch tễ không hiệu quả sẽ khiến Việt Nam trở thành thị trường tiêu thụ các sản phẩm chất lượng thấp. Một điểm nữa là, quy tắc xuất xứ hàng hóa trong TPP yêu cầu các sản phẩm xuất khẩu từ một thành viên của TPP sang các thành viên khác phải có xuất xứ nội khối, không sử dụng các nguyên liệu của nước thứ ba ngoài thành viên TPP mới được hưởng ưu đãi thuế suất 0\%. Đây là khó khăn đối với DN sản xuất của Việt Nam, nhất là ngành xuất khẩu hàng may mặc và da giày. Việt Nam phải có hướng dẫn cung cấp thông tin đầy đủ cho DN trong việc tiếp cận được những cơ hội của thị trường mới mà trong đó những thông tin mang tính đặc thù liên quan đến tập quán, văn hóa, những yếu tố thị trường, và cả những thông tin về chính sách vĩ mô, phải có cơ chế thông tin xuyên suốt, vận dụng một cách linh hoạt và nhanh nhạy để bảo đảm cho khả năng tiếp cận thị trường của DN Việt Nam mà chúng ta đều hiểu còn hạn chế rất nhiều về nguồn thông tin khi tiếp cận thị trường đó.

    Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập rất nhanh, đồng thời thế giới cũng có những khung khổ toàn cầu hóa rất phát triển và đa dạng, thì bên cạnh việc dỡ bỏ hàng rào thuế quan, các nước cũng tập trung tăng cường hơn nữa những hàng rào phi thuế quan, đặc biệt những hàng rào kỹ thuật. Chính vì vậy, cần có sự phối hợp giữa khu vực Nhà nước với DN để làm sao giải quyết khâu khó khăn, trở ngại liên quan các hàng rào phi thuế quan và đặc biệt giúp DN tiếp cận thị trường bền vững, tránh được những tranh chấp thương mại, những vụ kiện thương mại. Thí dụ các vụ kiện về chống bán phá giá, chống trợ cấp hay là các biện pháp tự vệ thương mại của các quốc gia, là những nội dung mang tính sống còn đối với DN và trong công cuộc hội nhập của chúng ta hiện nay.

    Do đó, nhằm mở rộng sản xuất và xuất khẩu, đồng thời giảm thiểu tác động tiêu cực từ mở cửa thị trường và sức ép của hàng nhập khẩu, các cơ quan nhà nước và các DN cần phối hợp chặt chẽ ngay từ bây giờ. Về phía các cơ quan nhà nước, cần triển khai các hoạt động nghiên cứu, đánh giá tác động của TPP đối với các lĩnh vực hàng hóa, đầu tư, dịch vụ… để có cơ sở xây dựng và điều chỉnh chính sách dài hạn. Việt Nam cũng cần xây dựng chính sách phát triển các ngành công nghiệp mà Việt Nam dự kiến sẽ có tiềm năng và lợi thế trong khối TPP… và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia vào các chuỗi cung ứng trong khu vực. Đồng thời, việc xây dựng các chính sách thúc đẩy tăng hàm lượng giá trị gia tăng trong tất cả các ngành của nền kinh tế thông qua nâng cấp năng lực, công nghệ, hợp tác dài hạn với các đối tác mạnh trong lĩnh vực tương ứng, đa dạng hóa đổi mới sản phẩm cũng là một nhiệm vụ cần thiết.

    Các DN Việt Nam, trước tiên cần chủ động tìm hiểu các thông tin liên quan về hiệp định thông qua việc tích cực tham gia hơn nữa vào quá trình tham vấn với Đoàn đàm phán thông qua Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các nhà đàm phán, các học giả để có thể nắm bắt thông tin về Hiệp định, về các cam kết cụ thể trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của mình, từ đó có những biện pháp tận dụng các cơ hội do Hiệp định TPP mang lại. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần củng cố, đào tạo, nâng cao trình độ và tay nghề đội ngũ nhân lực, đề ra các mục tiêu và phương thức hướng hoạt động của doanh nghiệp phù hợp với các đòi hỏi của quá trình Hội nhập kinh tế quốc tế. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cần tận dụng cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài nhằm tranh thủ lợi thế về vốn, nhân lực và kỹ thuật của các đối tác. Về dài hạn, các doanh nghiệp trong nước cần bám sát lộ trình và các quy định về mở cửa thị trường của Hiệp định TPP nhằm xây dựng kế hoạch đầu tư, sản xuất hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh của mình, tận dụng được cơ hội tham gia chuỗi cung ứng trong khu vực.

    Ngọc Anh (Tổng hợp)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tpp-nhung-thuan-loi-va-thach-thuc-voi-viet-nam-a113909.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.