Báo Thanh Niên dẫn thông tin mới nhất từ lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cho biết, trong chương trình hỗ trợ ngành y tế TP.HCM triển khai quản lý bệnh không lây nhiễm (WHO PEN), Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam giới thiệu mô hình quản lý và điều trị trầm cảm dựa vào cộng đồng. Theo mô hình này, WHO đã tích hợp chăm sóc sức khỏe tâm thần vào chương trình quản lý bệnh không lây nhiễm.
Cụ thể, WHO sẽ hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ y tế tuyến cơ sở để phát hiện, điều trị và quản lý một số rối loạn tâm thần phổ biến, bao gồm rối loạn trầm cảm và lo âu tại các trạm y tế và cộng đồng.
Để nâng cao năng lực về phát hiện và quản lý trầm cảm dựa vào cộng đồng, đặc biệt là quản lý trầm cảm không dùng thuốc tại trạm y tế, WHO phối hợp với tổ chức BasicNeeds và các đối tác khác tại Việt Nam hỗ trợ triển khai mô hình quản lý điều trị trầm cảm không dùng thuốc cho các rối loạn trầm cảm từ nhẹ đến vừa tại trạm y tế trên địa bàn TP.HCM.
Hiện tại, WHO tại Việt Nam phối hợp với Sở Y tế TP.HCM triển khai thí điểm mô hình quản lý trầm cảm dựa vào cộng đồng tại 5 trạm y tế trên địa bàn, bao gồm: Trạm Y tế An Thới Đông (H.Cần Giờ), Trạm Y tế Tân Phú Trung (H.Củ Chi), Trạm Y tế Tân Hưng Thuận (Q.12), Trạm Y tế Phú Trung (Q.Tân Phú) và Trạm Y tế P.15 (Q.Tân Bình).
Thống kê của Sở Y tế TP.HCM cho thấy, qua đợt khám sức khỏe thí điểm cho người từ 60 tuổi trở lên được triển khai trong tháng 8/2023 vừa qua đã ghi nhận có đến 420 người có dấu hiệu trầm cảm từ nhẹ đến nặng (chiếm tỷ lệ 3,05%) và phát hiện 295 người có dấu hiệu lo âu từ nhẹ đến nặng (chiếm tỷ lệ 2,14%).
Báo điện tử VOV đưa tin, trầm cảm là một trong những biểu hiện về sức khoẻ tâm thần phổ biến trên thế giới, gây ảnh hưởng không chỉ đối với sức khỏe của người bệnh mà còn ảnh hưởng đến các mối quan hệ gia đình và xã hội. Trầm cảm có thể khởi phát ở bất kỳ độ tuổi nào, không phân biệt giới tính và có thể chuyển thành mạn tính nếu không được phát hiện và điều trị sớm.
Các biểu hiện lâm sàng đặc trưng của rối loạn trầm cảm là trầm buồn kéo dài, thiếu hứng thú hoặc niềm vui trong cuộc sống, động cơ làm việc và năng lượng sống ở mức thấp, kèm theo các triệu chứng cơ thể khác như: mệt mỏi, đau nhức, hồi hộp, đánh trống ngực, rối loạn giấc ngủ...
Theo WHO, tâm lý trị liệu được áp dụng với hầu hết các trường hợp rối loại trầm cảm; phối hợp tâm lý liệu pháp và thuốc chống trầm cảm áp dụng với những trường hợp vừa và nặng.
Trầm cảm nhẹ chỉ cần áp dụng tâm lý trị liệu, không cần thiết phải dùng thuốc. Việc phát hiện, điều trị trầm cảm bằng các biện pháp tâm lý trị liệu và dùng thuốc không quá khó khăn và tỉ lệ thành công cao. Tuy nhiên, theo WHO, hiện nay trên 75% trường hợp trầm cảm ở các nước thu nhập trung bình và thấp không được tiếp cận các dịch vụ điều trị và hỗ trợ.
Ngoài ra, hệ thống điều trị chuyên khoa tâm thần ở các nước đang phát triển đa số không có đủ bác sĩ chuyên khoa tâm thần để khám và điều trị đáp ứng nhu cầu bệnh nhân. Bên cạnh đó, hiểu biết của người dân về trầm cảm còn nhiều hạn chế, kỳ thị liên quan đến rối loạn sức khỏe tinh thần còn rất nặng nề.
Phương Uyên(T/h)