(ĐSPL) - Các chuyên gia cho rằng, muốn giải quyết triệt để vấn nạn ăn xin thì phải có sự thực hiện một cách đồng bộ, kiên quyết và thực hiện xuyên suốt. Song song với việc tập trung thì cần phải tạo điều kiện cho những người lang thang ăn xin sống ổn định.
Trao đổi với PV về công tác thực hiện sau khi đưa người ăn xin về trung tâm, ông Lê Văn Quý, Phó chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TP.HCM cho hay: “Trước mắt có hai trung tâm sẽ nuôi dưỡng những người ăn xin, sống lang thang là trung tâm điều dưỡng người bệnh tâm thần và trung tâm bảo trợ xã hội. Để thực hiện tốt Quyết định 49, các trung tâm hỗ trợ xã hội được giao nhiệm vụ tăng cường khảo sát, phối hợp với các lực lượng công an, thanh niên xung phong, đoàn thể tập trung người lang thang về trung tâm. Sau khi được các cơ sở bảo trợ xã hội nhận nuôi, những người này sẽ được học văn hóa, học nghề và được giới thiệu việc làm. Việc điều tra lý lịch cũng được thực hiện nghiêm túc và đồng bộ. Mục tiêu của thành phố là muốn giúp người ăn xin có nơi ăn chốn ở tử tế”.
Bên cạnh đó, ông Lê Chu Giang, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM cũng cho biết, dự báo từ thời điểm này đến Tết Nguyên đán, số lượng người ăn xin trên địa bàn sẽ tăng lên. Thế nên, thành phố đã chỉ đạo cho các sở, ngành, quận, huyện thực hiện tốt công tác tập trung bởi để người ăn xin lang thang ngoài đường sẽ không an toàn.
Bên cạnh đó, để giải quyết triệt để, tận gốc vấn đề người ăn xin, ông Giang nói thêm: “Muốn giải quyết vần đề người ăn xin sống lang thang cần phải có giải pháp đồng bộ. Riêng ở các tỉnh sẽ có sự phối hợp với nhau để xử lý người sống lang thang ăn xin bằng nhiều hình thức. Với những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, sở Lao động các tỉnh thành cần có sự hỗ trợ để phát triển kinh tế, thì mới giảm bớt được vấn nạn ăn xin như hiện nay”.
Theo tìm hiểu của PV, sau 3 ngày phối hợp với phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, công an các quận huyện và phòng Lao động – Thương binh và Xã hội các quận huyện của thành phố đã tập trung được 101 người lang thang xin ăn, nam nữ bán dâm, nghi vấn người nghiện ma túy.
Trong đó, có 34 người già, trẻ em lang thang xin ăn không nơi cư trú và người lang thang ở Campuchia di cư tới TP.HCM đều bị lực lượng chức năng đưa về công an xác định nơi cư trú. Trao đổi với PV, một đại diện trung tâm hỗ trợ xã hội tại TP.HCM cho biết, cùng với các ban ngành của thành phố các trung tâm hỗ trợ xã hội sẽ phối kết hợp tích cực trong việc đưa người ăn xin, sống lang thang về trung tâm.
Chia sẻ kinh nghiệm của một địa phương thực hiện khá tốt công tác xã hội này, ông Nguyễn Đức Liên, Giám đốc trung tâm bảo trợ xã hội Đà Nẵng, đơn vị trực tiếp triển khai công tác quản lý, giáo dục người lang thang, xin ăn trên địa bàn TP. Đà Nẵng cho biết: “Lúc đầu mới triển khai, ai cũng nghĩ rằng TP. Đà Nẵng sẽ chỉ làm thí điểm, kiểu làm cho có, rồi đâu sẽ lại về đấy mà thôi. Thế nhưng, chính quyền TP đã kiên quyết chỉ đạo làm cho bằng được mục tiêu thành phố không có người lang thang, ăn xin. Vì vậy, xuyên suốt 18 năm qua, cán bộ và người dân đều đồng lòng duy trì công tác này. Đến nay đã có những thay đổi rõ rệt trong tư tưởng người dân. Đó thực sự là tín hiệu rất đáng mừng”. |