Cục Thuế TP và các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP có trách nhiệm phải cung cấp tài khoản của các tổ chức, cá nhân bị cưỡng chế tháo dỡ công trình xây dựng trái phép khi những người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế có yêu cầu.
Sở Xây dựng TP.HCM vừa có văn bản triển khai chi tiết các biện pháp cụ thể để thực hiện chỉ thị 23 của Thành ủy về nâng cao hiệu quả quản lý trật tự xây dựng và kế hoạch 3333 của UBND TP.HCM thực hiện chỉ thị này.
Theo đó, sở Xây dựng yêu cầu các đơn vị cung cấp điện, nước triển khai thực hiện các biện pháp ngưng cấp điện, nước đối với công trình vi phạm xây dựng trên địa bàn TP. Việc ngưng cấp điện, nước thực hiện trên cơ sở các điều khoản cam kết trong hợp đồng dịch vụ cấp điện, nước.
Sở Xây dựng cho biết, việc ngưng cấp điện, nước cho công trình xây dựng vi phạm là biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm, trong trường hợp này điện, nước là phương tiện để chủ nhà xây dựng trái phép…
TP.HCM buộc ngân hàng cung cấp tài khoản chủ nhà xây trái phép bị cưỡng chế. Ảnh minh họa |
Song song đó, Cục Thuế TP và các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP có trách nhiệm phải cung cấp tài khoản của các tổ chức, cá nhân bị cưỡng chế tháo dỡ công trình xây dựng trái phép khi những người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế có yêu cầu.
Đồng thời, các tổ chức tín dụng có trách nhiệm phải chuyển số tiền mà người bị cưỡng chế phải nộp từ tài khoản của người bị cưỡng chế vào ngân sách nhà nước thông qua kho bạc.
Theo Sở Xây dựng, trong quý I/2020, trên địa bàn phát hiện 179 công trình vi phạm TTXD (99 vụ sai phép, 80 vụ không phép), bình quân mỗi ngày là 2 vụ.
Trên thực tế, việc ngăn chặn công trình vi phạm tiếp tục thi công chưa đạt hiệu quả cao. Vẫn còn công trình vi phạm tiếp tục thi công xây dựng hoàn thành, đưa vào sử dụng, gây khó khăn cho công tác xử lý. Các giải pháp về ngưng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với công trình vi phạm TTXD đã được Thành ủy, UBND TP.HCM chỉ đạo quyết liệt, nhưng các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước chưa thực hiện hiệu quả.
Việc tổ chức thực hiện các quyết định xử phạt hành chính từ khi cơ quan có thẩm quyền ban hành đến khi đối tượng vi phạm chấp hành xong toàn bộ quyết định chưa đạt kết quả cao. Công tác thuê các tổ chức có năng lực thực hiện việc cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm cũng gặp nhiều khó khăn, do phần lớn các tổ chức này không muốn thực hiện tháo dỡ công trình vi phạm.
Đặc biệt, việc xác minh tài khoản ngân hàng của đối tượng vi phạm để thực hiện cưỡng chế khấu trừ tiền từ tài khoản còn gặp nhiều khó khăn, bất cập (không xác định được tài khoản, tài khoản rỗng, việc cung cấp thông tin khách hàng của các ngân hàng, đơn vị quản lý thuế còn hạn chế), dẫn đến việc tổ chức thực hiện quyết định xử phạt hành chính kéo dài.
Vũ Đậu(T/h)