Lãnh đạo UBND huyện Bình Chánh tiếp tục đề xuất nâng đơn vị này từ huyện lên quận. Nếu không lên được quận thì đề nghị một số xã có cơ chế giống như phường.
Theo tin tức trên báo Tiền Phong cho hay, sáng ngày 27/3, Đoàn giám sát của Quốc hội do Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chung Lưu làm trưởng đoàn đã làm việc với UBND các quận Tân Bình, Tân Phú và huyện Bình Chánh về thực hiện các chính sách pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 -2016.
Báo Công an thành phố Hồ Chí Minh cũng đưa tin, báo cáo với đoàn giám sát, ông Nguyễn Văn Hồng, phó chủ tịch UBND huyện Bình Chánh cho biết huyện có diện tích hơn 25.000 ha, dân số trên 637.000 nghìn người với 16 đơn vị hành chính cấp xã (trong đó có 1 thị trấn). Cuối năm 2016, UBND huyện Bình Chánh đã phối hợp với Sở Nội vụ khảo sát, kết quả khảo sát cho thấy huyện Bình Chánh hội đủ các điều kiện để lên quận.
Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với UBND các quận, huyện về thực hiện các chính sách pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016. (Ảnh: Dân trí) |
“Trên cơ sở đó, chúng tôi đã có văn bản xin chủ trương thành lập quận và đã được UBND thành phố chấp thuận. Sắp tới, UBND huyện sẽ phối hợp với các sở ban ngành thành lập đề án cụ thể trình Thành ủy và UBND TP. Hồ Chí Minh xem xét”, ông Hồng nói.
Theo ông Hồng, quy trình thủ tục để chuyển đổi từ mô hình chính quyền nông thôn (huyện) sang chính quyền đô thị (quận) mất từ 5 – 6 năm. Vì vậy, địa phương đã kiến nghị trung ương và thành phố cho phép áp dụng cơ chế quản lý nhà nước cấp phường đối với 4 xã có dân số trên 100.000 người, tốc độ đô thị hoá cao, gồm: Bình Hưng, Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, Tân Kiên và điều chỉnh địa giới hành chính một sô xã
Lãnh đạo UBND huyện Bình Chánh cho biết mỗi năm, huyện phải xây thêm 5-7 trường học để đáp ứng ứng nhu cầu. Mỗi năm, dân số địa phương tăng thêm từ 5.000-7.000 người, bằng số dân một xã.
Cùng đưa tin về vấn đề này, báo Thanh Niên cho hay, tại buổi làm việc giữa đoàn giám sát với UBND TP. Hồ Chí Minh trong buổi chiều cùng ngày, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, ông rất ngạc nhiên vì lãnh đạo UBND huyện Bình Chánh cứ "đòi" đưa đơn vị này lên quận; nếu không lên được quận thì đề nghị một số xã có cơ chế giống như phường.
Về việc này, Phó chủ tịch UBND thành phố Trần Vĩnh Tuyến cho hay đó là đề nghị của UBND huyện Bình Chánh. Tuy nhiên sau khi xem xét, Sở Nội vụ báo cáo H.Bình Chánh chưa đủ tiêu chí để lên quận. Do đó UBND thành phố chưa xem xét đề nghị này.
Giám đốc Sở Nội vụ TP. Hồ Chí Minh Trương Văn Lắm cũng cho hay chưa xem xét đề án đề xuất Bình Chánh lên quận như một số thông tin đã đưa
Theo Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng, tiêu chí để lên quận hay thị xã do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành. Tuy nhiên, trong Hiến pháp và luật Tổ chức chính quyền địa phương, những TP như TP. Hồ Chí Minh vẫn có thể có TP hay thị xã trực thuộc
Ông Thăng cho biết, huyện Bình Chánh chưa đủ điều kiện lên quận và mô hình phù hợp nhất với huyện này là mô hình thị xã, bởi nếu lên thị xã thì trong đó vừa có phường vừa có xã. Cũng theo ông Thăng, mô hình thị xã không làm Bình Chánh vướng về cơ chế; có khi còn tạo thuận lợi cho huyện phát triển.
(tổng hợp)