Theo thông tin mới nhất được báo Thanh Niên đăng tải, sáng 10/9, HĐND TP.HCM đã tổ chức chương trình "Dân hỏi - Chính quyền trả lời" với chủ đề công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động.
Tại chương trình, trả lời câu hỏi của một cử tri về tình trạng nhiều công nhân phải rút bảo hiểm xã hội (BHXH) 1 lần để trang trải cuộc sống, ông Trần Dũng Hà - Phó giám đốc BHXH TP.HCM, cho hay lợi ích lớn nhất của BHXH là lương hưu.
Ông Hà nhấn mạnh, việc chọn rút BHXH 1 lần khiến người lao động sau này về già không có lương hưu, có thể là gánh nặng cho con cháu hoặc phải lao động sau khi nghỉ hưu.
Thống kê giai đoạn từ năm 2020 - 2022, trung bình mỗi năm, TP.HCM có hơn 110.000 người rút BHXH 1 lần (tính cả nước, số liệu trung bình mỗi năm rút BHXH 1 lần trong giai đoạn này là khoảng 900.000 người. Ngoài ra, còn có tình trạng người lao động "bán non" sổ BHXH với giá trị chỉ bằng 50 - 60% số tiền mà cơ quan BHXH sẽ chi trả.
Theo ông Hà, để giải quyết căn cơ cho tình trạng rút BHXH 1 lần, cần thực hiện đồng bộ nhiều yếu tố như sửa đổi quy định pháp luật về BHXH, chính sách tiền lương, hỗ trợ đào tạo nghề, giới thiệu việc làm… Thời gian tới, BHXH TP.HCM cũng sẽ tiếp tục truyền thông về quyền lợi của việc tham gia BHXH cũng như cảnh báo tình trạng mua bán sổ BHXH của người lao động.
Báo Dân trí đưa tin, cũng tại chương trình, bà Huỳnh Lê Như Trang - Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TP.HCM, khẳng định thành phố luôn bám sát tình hình lao động việc làm trên địa bàn, sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn và người lao động bị mất việc.
Theo bà Trang, trong thời gian qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố liên tục tổ chức các phiên giao dịch việc làm định kỳ và chuyên đề để kết nối cung cầu, giới thiệu việc làm cho người lao động. Ngoài ra, Sở liên tục kết nối với Liên đoàn Lao động thành phố, UBND các quận, huyện để hỗ trợ người lao động mất việc theo đúng các chính sách pháp luật hiện hành.
Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM cho biết, hiện ngoài trợ cấp thất nghiệp, người lao động mất việc còn được thụ hưởng các chính sách đào tạo nghề để chuyển đổi nghề nghiệp, tư vấn và giới thiệu việc làm miễn phí…
Bà Lê Thị Ngọc Dung - Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân cũng cho biết từ cuối năm 2022 đến nay, trên địa bàn quận có nhiều lao động bị cắt giảm việc làm. Do đó, quận đã có kế hoạch bài bản là lập ngay tổ công tác phụ trách khi nghe tin có doanh nghiệp cắt giảm số lượng lớn lao động.
Trách nhiệm của tổ công tác là làm việc với các bên liên quan để đảm bảo chế độ chính sách cho người lao động mất việc. Nhờ đó, quyền lợi của những lao động mất việc trên địa bàn quận thời gian qua luôn được đảm bảo bằng hoặc cao hơn Luật Lao động quy định.
Ngoài ra, quận cũng chủ động tổ chức các phiên giao dịch việc làm để tìm việc làm phù hợp cho người lao động mất việc. Đối với những lao động có nguyện vọng và điều kiện phù hợp, quận hỗ trợ cho người dân vay vốn chuyển đổi nghề nghiệp, tạo dựng thu nhập mới…
Phương Uyên(T/h)