Thận là cơ quan trọng yếu của cơ thể, có chức năng lọc máu, thải nước, muối và các chất cặn bã ra khỏi cơ thể. Sỏi thận hoặc sỏi tiết niệu là những chất cặn cứng hình thành từ khoáng chất và muối ở trong thận.
Thông thường, sỏi hình thành khi nước tiểu trở nên cô đặc, khiến các khoáng chất kết tinh lại với nhau. Tùy vào nồng độ của các chất trong nước tiểu như khoáng chất, axit oxalic, axit uric... mà chúng có thể kết tinh thành các hạt sỏi nhỏ hoặc các viên sỏi to.
Chế độ ăn uống là một trong những nguyên nhân chính gây ra sỏi thận, đặc biệt là nếu bạn ăn nhiều 5 loại thực phẩm này
Những thực phẩm gây ra sỏi thận mà bạn nên tránh
Ăn nhiều các thực phẩm chứa chất béo xấu và protein động vật
Thường xuyên ăn các loại đồ ăn chứa nhiều chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa như đồ chiên rán, thịt mỡ có thể dẫn đến thừa cân, béo phì, từ đó làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận.
Ngoài ra, việc ăn quá nhiều protein động vật như thịt bò, thịt lợn, thịt gia cầm... có thể làm tăng sản sinh axit uric trong cơ thể. Ăn một lượng lớn protein động vật cũng làm giảm citrate trong nước tiểu. Citrate lại giúp ngăn ngừa sự hình thành sỏi thận.
Mặc dù vậy chúng ta vẫn cần bổ sung protein để đảm bảo các hoạt động của các cơ quan trong cơ thể. Do đó, mọi người nên giảm lượng protein động vật ăn vào và thay thế bằng các loại protein thực vật tốt cho sức khỏe, chẳng hạn như các loại đậu, các loại hạt, yến mạch...
Thực phẩm giàu oxalate
Ăn nhiều thực phẩm giàu oxalate như rau bina, rau mùi tây, củ cải đường có thể làm tăng lượng axit oxalic trong nước tiểu. Axit oxalic là tinh thể có thể kết hợp với canxi để tạo thành sỏi canxi oxalate - sỏi.
Những người bạn thích ăn rau có thể ăn nhiều loại rau có hàm lượng oxalate thấp như bắp cải, cải chíp, cải thảo, cải xoăn, rau mù tạt, cà chua, dưa chuột, bí ngô, khoai tây và đậu Hà Lan.
Uống quá nhiều đồ uống chứa đường
Các loại nước ngọt và đồ uống chứa đường có hàm lượng fructose cao, có thể chuyển hóa thành oxalate, tăng bài tiết axit uric và canxi trong cơ thể. Sự kết hợp của oxalate, axit uric và canxi ở mức độ cao có thể làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận.
Ngoài ra, thường xuyên uống các loại nước ngọt và đồ uống chứa đường có thể làm tăng nguy cơ mắc rối loạn chuyển hóa, thừa cân, béo phì. Đây cũng là một trong những yếu tố nguy cơ dẫn đến sỏi thận.
Thực phẩm có hàm lượng purin cao
Thức ăn purin khi vào cơ thể con người sau quá trình trao đổi chất sẽ tạo ra axit uric, khi nồng độ axit uric cao có thể thúc đẩy sự lắng đọng oxalate trong nước tiểu và hình thành sỏi.
Thực phẩm có hàm lượng purine cao phổ biến bao gồm:
- Nước dùng đặc và hải sản (cá mòi, cá cơm, nghêu, cá chép bạc...).
- Gan động vật như gan gà, gan vịt, gan lợn...
- Thịt lợn (phần mông sau), thịt cừu, thịt bò nạc và mỡ.
Bổ sung vitamin C với lượng lớn
Sau khi vitamin C vào cơ thể con người, một phần của nó sẽ được chuyển hóa thành axit oxalic và bài tiết qua nước tiểu. 25-30% axit oxalic trong nước tiểu là chất chuyển hóa của vitamin C trong chế độ ăn uống.
Tuy nhiên, bạn không cần lo lắng về việc dư thừa vitamin C trong chế độ ăn bình thường mà chỉ cần không bổ sung quá nhiều vitamin C.
Những triệu chứng của bệnh sỏi thận
Sỏi thận thường không gây ra triệu chứng cho đến khi chúng di chuyển ở bên trong thận hoặc tiến vào niệu quản. Nếu sỏi thận phát triển và kẹt trong niệu quản, nó có thể ngăn chặn dòng nước tiểu, khiến thận sưng lên và niệu quản bị co thắt. Lúc này, cơ thể có thể xuất hiện một số triệu chứng như:
- Đau nhói: Sỏi thận thường gây đau nhói có thể xảy ra ở vùng thắt lưng, hai bên sườn hoặc lưng (vùng thận) và có thể lan xuống bụng dưới hoặc đùi trong.
- Đi tiểu đau: Khi sỏi di chuyển vào niệu đạo, chúng có thể gây kích ứng niệu đạo và khó tiểu, gây đau niệu đạo hoặc đau khi đi tiểu. Sự di chuyển của sỏi thận cùng lúc có thể gây ra tình trạng đi tiểu thường xuyên hoặc cấp bách.
- Tiểu máu: Sỏi có thể làm trầy xước niêm mạc hệ tiết niệu, khiến máu xuất hiện trong nước tiểu, tình trạng này gọi là tiểu máu. Tiểu máu có thể có màu đỏ, hồng hoặc nâu rõ rệt hoặc chỉ có thể được phát hiện khi kiểm tra bằng kính hiển vi.
Các yếu tố nguy cơ gây ra sỏi thận bao gồm thừa cân, béo phì, mắc một số bệnh lý hoặc sử dụng một số loại thuốc nhất định. Ngoài ra, một số thói quen ăn uống kém lành mạnh cũng có thể khiến sỏi thận phát triển và gây ảnh hưởng tới sức khỏe.
Như Quỳnh (T/h)