Cà phê chứa nhiều hợp chất có lợi cho sức khỏe, bao gồm caffeine, diterpenes và axit chlorogenic. Các nghiên cứu cho thấy thói quen uống cafe có thể giúp ngăn ngừa các bệnh mạn tính và thoái hóa, bao gồm ung thư, rối loạn tim mạch, tiểu đường và bệnh Parkinson.
Theo nghiên cứu về "Mối quan hệ giữa tiêu thụ cà phê và suy thận ở phụ nữ Hàn Quốc" vào năm 2008, thực hiện với hơn 2.600 phụ nữ, cho thấy tiêu thụ cà phê có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc bệnh thận, bao gồm cả ở phụ nữ mắc bệnh tiểu đường. Trong một nghiên cứu khác của Hiệp hội tiêu thụ cà phê và bệnh thận mạn tính của Mỹ năm 2017, các chuyên gia nhận thấy cà phê vô hại đối với thận của nam giới và có thể có lợi đối với phụ nữ.
Những lợi ích của cà phê đối với thận
Làm chậm tốc độ lão hóa và giảm viêm thận
Cà phê còn chứa nhiều loại chất chống oxy hóa, điển hình như axit chlorogenic và polyphenols, giúp giảm tình trạng viêm nhiễm và bảo vệ tế bào thận khỏi tác động của gốc tự do. Gốc tự do là tác nhân gây lão hóa, suy giảm chức năng của các cơ quan trên cơ thể.
Nghiên cứu của Viện Ung thư Quốc gia Mỹ đã chỉ ra rằng, việc tiêu thụ cà phê hàng ngày có thể giảm nguy cơ mắc ung thư thận.
Nghiên cứu của Đại học California cũng cho thấy, cà phê có thể giảm nguy cơ mắc bệnh thận mạn tính thông qua khả năng chống viêm.
Phòng bệnh thận cho người béo và tiểu đường
Cà phê giúp tăng cường quá trình đốt cháy mỡ, cải thiện sức khỏe tim mạch, ổn định đường huyết, giảm sự hấp thụ đường trong ruột, giảm áp lực lên hệ thống thận. Điều này có thể giảm nguy cơ mắc bệnh thận đáng kể, đặc biệt là đối với những người có vấn đề về cân nặng và đường huyết.
Tăng cường chức năng lọc máu
Nghiên cứu mới nhất từ Đại học Oxford cho thấy rằng, cà phê có thể tăng cường chức năng lọc máu bằng cách kích thích sự hoạt động của các tế bào thận. Điều này giúp cải thiện quá trình loại bỏ chất cặn và độc tố từ cơ thể.
Những lưu ý thưởng thức cà phê cho người bệnh thận
Tiêu thụ cafe trong chừng mực
Như với hầu hết mọi thứ, điều độ chính là chìa khóa. Người bệnh thận nên uống ít hơn 3 tách cafe mỗi ngày, khoảng 700 ml. Uống nhiều hơn 3 tách mỗi ngày có thể dẫn đến các biến chứng về sức khỏe theo thời gian.
Uống một lượng cafe vừa phải sẽ giúp kiểm soát mức kali cũng như lượng caffeine trong cơ thể. Quá nhiều caffeine có thể làm cho mức huyết áp tăng lên, dẫn đến các biến chứng về tim mạch. Quá nhiều hoặc quá ít kali cũng có thể ảnh hưởng đến tim như khiến nhịp tim không đều hoặc đau tim.
Kiểm soát lượng chất lỏng
Khi sống chung với bệnh thận, việc uống gì và uống bao nhiêu là điều quan trọng vì thận không còn lọc được nhiều chất lỏng dư thừa ra khỏi cơ thể. Để kiểm soát lượng chất lỏng tiêu thụ, bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh thận hạn chế uống nước. Vì vậy, hãy lưu ý đến việc tiêu thụ cafe để không vượt quá lượng nước cho phép hàng ngày. Người bệnh cũng có thể cần hạn chế hoặc tránh uống cafe nếu nó gây tích tụ chất lỏng dư thừa. Khi thận bị suy, việc kiểm soát lượng chất lỏng thu nạp thậm chí còn trở nên quan trọng hơn, nhằm đảm bảo hoạt động lọc máu có thể loại bỏ đủ chất lỏng dư thừa trong mỗi đợt điều trị.
Hạn chế kem và đường trong cafe
Mọi người thường thêm kem, sữa hoặc đường vào cafe. Nhược điểm của những chất phụ gia này đối với người bị bệnh thận là có thể làm tăng mức phốt pho và kali. Một số nhà sản xuất thêm phốt phát hóa học vào kem cafe, chất này dễ được cơ thể hấp thụ. Sữa cũng được coi là chứa nhiều kali.
Ở người bệnh thận, thận bắt đầu mất chức năng và không thể lọc lượng phốt pho và kali dư thừa ra khỏi máu, điều này có thể dẫn đến các biến chứng về tim. Vì vậy, cần hạn chế hoặc tránh các chất tạo bọt và sữa trong cafe. Cũng cần lưu ý đến lượng đường thêm vào cafe của mình. Điều này đặc biệt quan trọng với người bị tiểu đường để giúp quản lý tốt hơn mức đường huyết.
Bất cứ khi nào có thể, nên uống cafe đen. Đọc kỹ thành phần dinh dưỡng trên các sản phẩm cafe để xác định chúng chứa bao nhiêu đường và có thêm phốt phát hay không.
Cân nhắc đồ uống thay thế
Nếu đang tìm cách hạn chế lượng caffeine, hãy thử đổi cafe thông thường sang cafe decaf (decaffeinated coffee), nghĩa là cafe đã loại bỏ caffeine. Đây có thể là một sự thay thế tuyệt vời nếu caffeine ảnh hưởng đến huyết áp.
Các lựa chọn thay thế khác cho cafe là trà đen và trà xanh, bởi chúng có hàm lượng caffeine và kali thấp hơn.
Tham khảo chuyên gia dinh dưỡng
Cafe ảnh hưởng đến mỗi người theo cách khác nhau, vì vậy hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng về việc tiêu thụ cafe của bạn. Họ có thể đưa ra những lời khuyên và khuyến nghị mức cafe phù hợp với nhu cầu sức khỏe của từng cá nhân.
Nhìn chung, cafe an toàn với người mắc bệnh thận nếu uống điều độ và hạn chế kem, đường. Tốt nhất là nên uống cafe đen. Nếu có các bệnh mạn tính khác như huyết áp cao hoặc tiểu đường, hãy nói chuyện với bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng để tìm hiểu tác động tiềm tàng của cafe đối với sức khỏe của bạn.
Uống cà phê thế nào để tốt cho sức khỏe?
Theo khuyến cáo, một người bình thường có thể uống khoảng 250-400mg caffeine (tương đương 2-3 ly) một ngày.
Một số nhóm đối tượng như người mắc các bệnh lý mãn tính (tim mạch, đang bị rối loạn nhịp tim…) trước khi dùng phải hỏi ý kiến bác sĩ. Lý do cà phê có thể làm tăng nhịp tim, nhịp thở, có thể gây kích thích ở đường tiêu hóa, buồn nôn, đau dạ dày… hoặc làm tăng nhu động ruột.
Để thu được nhiều lợi ích dinh dưỡng nhất, bạn nên uống cà phê càng ít thêm đường sữa vào càng tốt. Một ly cà phê không đường, rang xay ở mức độ trung bình sẽ là ly cà phê tốt nhất.
Như Quỳnh(T/h)