"Đã đến lúc các đồng minh xem xét liệu có nên dỡ bỏ một số hạn chế mà họ đặt ra đối với việc sử dụng vũ khí mà họ đã viện trợ cho Ukraine hay không", Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói trong một cuộc phỏng vấn với The Economist hôm 24/5.
"Đặc biệt là hiện nay khi nhiều cuộc giao tranh đang diễn ra ở Kharkov, gần biên giới, việc không cho phép Ukraine sử dụng những vũ khí này chống lại các mục tiêu quân sự hợp pháp trên lãnh thổ Nga khiến họ rất khó tự vệ", báo Dân trí dẫn lời ông Stoltenberg nhấn mạnh.
Ông Stoltenberg lưu ý rằng một số thành viên NATO đã dỡ bỏ các hạn chế sử dụng vũ khí của họ để tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Nga. Khi được hỏi liệu ông có coi Mỹ là nước cần hành động như vậy không, tổng thư ký NATO nói: "Tôi nghĩ những gì chúng ta thấy hiện nay chứng tỏ sự cần thiết phải xem xét lại những hạn chế đó, nhất là vì chúng ta đang chứng kiến giao tranh dọc biên giới giữa Nga và Ukraine".
Tuy nhiên, giới chức Nga bác bỏ tuyên bố của Mỹ về việc không cho phép Ukraine sử dụng vũ khí do Washington cung cấp để tấn công lãnh thổ Nga. Moscow cho rằng đây là tuyên bố không chính xác nhằm duy trì ảo tưởng rằng phương Tây không phải là một bên tham gia cuộc xung đột ở Ukraine.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết các vũ khí của Mỹ, như tên lửa ATACMS được trang bị đầu đạn chùm, đã được sử dụng để thực hiện các cuộc tấn công bên trong lãnh thổ Nga, bao gồm cả các cuộc tấn công nhằm vào các mục tiêu dân sự. "Thực tế cho thấy vũ khí của Mỹ và các nước phương Tây khác đã tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Nga, chủ yếu là cơ sở hạ tầng dân sự và khu dân cư", ông Lavrov nhấn mạnh.
Trong khi đó, báo điện tử VTC News thông tin, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói với Ủy ban Đối ngoại Hạ viện rằng Washington sẵn sàng thảo luận với Kiev về khả năng sử dụng vũ khí Mỹ để tấn công các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Nga.
"Chúng tôi đã nỗ lực để đảm bảo Ukraine có những gì họ cần và có thể sử dụng chúng hiệu quả. Như tôi đã nói với Nghị sĩ Bill Keating, chúng tôi luôn sẵn sàng lắng nghe các đối tác của mình", ông Blinken phát biểu khi nhận được ý kiến cho rằng Mỹ nên gửi một tín hiệu rõ ràng hơn tới Ukraine rằng nước này có thể thực hiện các cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga bằng vũ khí của Washington.
Trước đó, trong chuyến công du đến Kiev hồi giữa tháng 5, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Washington không khuyến khích Ukraine tấn công vào trong lãnh thổ của Nga. "Ukraine phải tự đưa ra quyết định về cách thức tiến hành cuộc xung đột này. Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine bằng cách gửi những trang thiết bị cần thiết mà họ cần để đạt được thành công", ông Blinken nói trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Ukraine Dmytro Kuleba tại Kiev hôm 15/5.
Cũng tại buổi họp báo, Ngoại trưởng Kuleba cho biết Mỹ sẽ gửi thêm 2 tỷ USD viện trợ quân sự cho Ukraine. Số tiền này sẽ được sử dụng để đầu tư cho các cơ sở công nghiệp. Gần đây, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã lên tiếng chỉ trích việc vũ khí phương Tây được sử dụng để tấn công các mục tiêu trong lãnh thổ Nga.