Ngay sau khi ông Vladimir Putin được tái đắc cử vào ngày 11/3, câu hỏi được đặt ra nhiều cho ông với tư cách là tổng thống Nga là: ông sẽ làm gì khi nhiệm kỳ này kết thúc?
Chiến thắng của ông Vladimir Putin trong cuộc bầu cử tổng thống Nga gần như đã quá rõ ràng vì xếp hạng của ông luôn cao và có cả một chính phủ đứng phía sau ủng hộ. Tuy nhiên, việc ông Putin sẽ giữ quyền lực bao lâu nữa thì lại không ai chắc chắn.
Lá cờ Nga trong chiến dịch tranh cử Tổng thống có in hình ông Vladimir Putin được treo trên ban công của một căn hộ tại Moscow. Ảnh: Getty. |
Theo Hiến pháp Nga, giới hạn thời gian làm tổng thống là hai nhiệm kì liên tiếp, nên bắt buộc ông phải từ chức khi kết thúc nhiệm kì - như ông đã làm trong năm 2008 sau khi kết thúc hai nhiệm kỳ bốn năm.
Nhiệm kì Tổng thống của ông Putin sẽ kéo dài cho mãi đến năm 2024 nhưng vấn đề cần chú ý hiện nay là: Sự chưa chắc chắn về tương lai chính trị lâu dài của đương kim Tổng thống có thể là nguồn gốc cho sự bất ổn trong chế độ lãnh đạo cứng rắn và chỉ có ông Putin mới có thể duy trì và kiềm giữ.
Ông Gleb Pavlovsky, cựu cố vấn của điện Kremlin, hiện đang chỉ trích nhà lãnh đạo này nói: "Nền chính trị Nga đang bước vào một giai đoạn mới. Người ta không tranh luận về những mục tiêu cai trị cứng rắn của ông Putin trong nhiệm kì mới mà là việc hình thành kỷ nguyên thời 'hậu Putin'."
Vygaudas Usackas, người từng làm đại sứ của Liên minh châu Âu tại Nga cho đến tháng 10/2017, và hiện đang là giám đốc của Viện Châu Âu tại Đại học Công nghệ Kaunas của Lithuania nói: "Đây là một thời điểm nguy hiểm cho hệ thống chính trị".
Ông Putin có ít nhất ba lựa chọn chủ yếu. Ông có thể học theo cách của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là tìm cách chấm dứt việc giới hạn thời gian nhiệm kì trong Hiến Pháp, bàn giao chức vị cho người khác trong một nhiệm kì rồi lại quay trở lại (như ông đã làm), hoặc bồi dưỡng người kế nhiệm sau đó hoàn toàn rút chấm dứt sứ mạng chính trị của mình.
Mỗi lựa chọn đều có tính rủi ro riêng của nó. Mặt khác, người cựu điệp viên thích hành động bí mật và bất ngờ này vẫn có thể có lựa chọn khác của ông. Tuy nhiên, sự không chắc chắn về kế hoạch tương lai của ông đang là nhân tố gây mất ổn định nhất cho giới lãnh đạo chính trị, an ninh và kinh doanh cao cấp vẫn vây xung quanh ông bấy lâu nay.
Có hai nguồn tin thân cận của điện Kremlin cho biết, hiện vẫn chưa có kế hoạch nào cho tương lai khi nhiệm kì của ông Putin kết thúc. Vấn đề này rất nhạy cảm nên họ chỉ đồng ý cung cấp với điều kiện giấu tên.
Hệ thống cầm quyền của Nga, mặc cho thoạt nhìn có vẻ thống nhất nhưng trong thực tế vẫn đang bị chia rẽ bởi những mâu thuẫn giữa những người phản đối sự an sinh xã hội hiện tại và những người ủng hộ tự do kinh tế.
Ông Putin là người đang nắm giữ các đầu mối này, nên bất cứ dấu hiệu nào về tình trạng không chắc chắn của trung tâm hệ thống đều mang lại rủi cho cho toàn quốc gia.
Putin muôn năm
Tổng thống Putin đã gây dựng được ảnh hưởng sâu rộng trong hệ thống cầm quyền của Nga, do đó rất nhiều quan chức khó có thể tưởng tượng được một nhà lãnh đạo khác sẽ lên cầm quyền là thế nào. Nhiều nhân viên cấp cao tại các công ty nhà nước và các ngân hàng lớn đều nói rằng họ không dự đoán sự thay đổi thế nào khi nhiệm kì kế tiếp của ông Putin kết thúc.
Một nguồn tin trong một bộ của chính phủ cho hay, "Không có bất kì cuộc thảo luận hành lang nào về sự kế thừa. Dường như mọi người đều cho rằng ông ấy (Putin) sẽ ở lại cương vị mãi mãi".
Nếu ông Putin muốn hiến pháp thay đổi để cho phép ra hạn thêm một nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp, thì ông sẽ cần có 2/3 sự ủng hộ của các nghị sĩ trong Hạ viện, 3/4 của thượng viện và cần được 2/3 sự chấp thuận của các cơ quan lập pháp.
Trong tất cả những tổ chức này. lực lượng những người ủng hộ điện Kremlin luôn chiếm đa số, áp đảo nhưng vấn đề chính là ông Putin đã nói: Sẽ không thay đổi hiến pháp để giữ quyền lực.
Nếu làm như vậy, đồng nghĩa với việc ông sẽ chống lại các cử tri, khiến họ cảm thấy nước Nga đang quay lưng lại với nền dân chủ. Ông cũng không có ý định "lèo lái" Hiến pháp để tìm cách quay lại với cương vị Tổng thống như hồi năm 2008.
Hồi đó, ông đã bước sang một bên và để một "đàn em" trung thành của mình, Dmitry Medvedev, chạy đua tổng thống và đã không có gì bất ngờ giành được chiến thắng nhờ sự ủng hộ của điện Kremlin. Ông Putin đã trở thành thủ tướng trong bốn năm, rồi sau đó lại an toàn tái đắc cử khi nhiệm kỳ của Medvedev kết thúc vào năm 2012. Ông Medvedev lúc đó lại lên làm thủ tướng.
Tổng thống Putin đã kiểm soát đất nước "từ xa" trong khoảng thời gian năm 2008 đến năm 2012, và điều này khiến nhiều người hy vọng sẽ có một động thái tương tự cho hiện tại. Xếp hạng của ông Medvedev thấp hơn nhiều so với đương kim Tổng thống, nhưng giới cầm quyền có thể chấp nhận ông như một người đại diện của ông Putin.
"Chỉ có Medvedev", một nguồn tin trong các giới chính khách đã tiết lộ cho Reuters khi được hỏi ai có thể trở thành tổng thống sau ông Putin, "Mọi người đều sợ sự thay đổi."
Tuổi tác
Tuổi tác dù sao cũng là một trở ngại cho ông Putin. Tuy vẫn đang có phong độ tốt nhưng lúc nhiệm kì thứ tư kết thúc, ông đã ở cái tuổi 71. Nếu lại áp dụng kiểu bỏ đi một nhiệm kì thì khi quay lại, ông đã thành một ông cụ 77 tuổi.
Một trong những nguồn tin thân cận điện Kremlin cho biết ông Putin đôi khi cảm thấy cực kỳ mệt mỏi, do bực tức vì sự thiếu năng lực của nhân viên và quan chức lười biếng.
Trong một cuộc họp với Tổng thống Belarussian Alexander Lukashenko vào năm 2016, người ta từng nghe thấy ông Putin than thở với người đồng minh của mình: "Tôi không ngủ đủ giấc. Ngày hôm kia tôi ngủ 4 tiếng, tối hôm qua tôi thì được 5 giờ đồng hồ."
Ông Putin cũng không ngần ngại tỏ ra ra mình không thích tiếp tục cầm quyền khi đã gần 80 tuổi. Kể từ khi thay thế ông Boris Yeltsin, ông luôn xây dựng hình ảnh một nhà lãnh đạo khỏe khoắn, năng động.
Thực tế, ông Putin đã lãnh đạo nước Nga lâu hơn cả nhà lãnh đạo cộng sản Liên Xô Leonid Brezhnev, có 18 năm cầm quyền từ năm 1964 đến năm 1982, chỉ thua nhà độc tài Josef Stalin, người đã điều hành Liên bang Xô viết trong suốt ba thập niên.
Để được bình thản mà về hưu, ông Putin cần phải bồi dưỡng ra một người kế nhiệm năng lực nhằm có thể nắm giữ quyền lực của mình và bảo vệ lợi ích của tầng lớp thượng lưu cầm quyền.
Những người trong nội bộ điện Kremlin tiết lộ ông Putin đã không lựa chọn người thừa kế nào cả. Do vậy, nếu có bất kì ai lên nắm quyền thì đó đều là thành quả của riêng họ chứ không hề đại biểu cho mong muốn hay tư tưởng của ông.
Danh sách những ứng cử viên kế nhiệm bao gồm các tên tuổi như Igor Sechin, người đứng đầu công ty dầu mỏ Rosneft; Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu; Igor Dyumin, cựu vệ sĩ của ông Putin, người đã trở thành thống đốc khu vực, và thị trưởng Moscow Sergei Sobyanin.
Việc bồi dưỡng cho người kế nhiệm cũng gây nguy hiểm cho ông Putin, vì làm như vậy quá sớm sẽ làm ông trở thành một hình nộm có ý nghĩa tượng trưng cho giai đoạn chuyển tiếp của người thừa kế và sẽ dẫn tới những cuộc đấu tranh trong tầng lớp cầm quyền.
Trên tất cả, ông Putin sẽ phải đảm bảo rằng bất kỳ người nào kế nhiệm ông lên nắm quyền, đều sẽ bảo vệ ông và sẽ không phá hủy hệ thống đã được ông khổ tâm xây dựng nên.
Việc bàn giao quyền lực cho người kế nhiệm xem ra là điều không thể tránh khỏi, dù cho đó cũng là con đường nguy hiểm nhất cho ông Putin.
Andrei Kolesnikov, thành viên cao cấp của Trung tâm Carnegie Moscow, cho biết: "Ông ấy (Putin) càng nắm giữ nhiều quyền lực, thì càng khó để thoát ra. Làm sao ông ấy có thể từ bỏ một hệ thống phức tạp như vậy chỉ vì dự án cá nhân (nghỉ hưu) của mình cơ chứ?"
Minh Minh (Theo Asiaone)