Chính phủ Pháp mới đây đã vượt qua 2 vòng bỏ phiếu bất tín nhiệm giữa lúc người dân nước này đổ ra đường biểu tình phản đối dự luật tăng độ tuổi nghỉ hưu, vốn được Tổng thống Emmanuel Macron sử dụng quyền hạn đặc biệt để thúc đẩy.
Theo đó, Thủ tướng Pháp Élisabeth Borne hiện có thể tránh được việc phải từ chức ngay lập tức. Tuy nhiên, tình hình hiện tại vẫn tương đối căng thẳng với Tổng thống Macron. Ông đang phải chịu áp lực củng cố chính phủ khi dòng người biểu tình tràn ra đường phố.
Trong Quốc hội, các chính trị gia đối lập cũng không ngừng chỉ trích ông chủ Điện Elysse Các chính trị kiêu ngạo, phủ nhận nền dân chủ và không học hỏi từ phong trào biểu tình chống chính phủ gilets jaunes (có nghĩa là áo vàng) 4 năm trước. Phong trào gilets jaunes từng khiến ônng Macron lao đao trong nhiệm kỳ đầu tiên.
Những người trong chính phủ, các chính trị gia đối lập và các nhà quan sát lo ngại Pháp có thể trải qua một làn sóng phản đối chính phủ tự phát khác ở các thành phố và thị trấn nhỏ – không chỉ vì quyết định tăng tuổi nghỉ hưu lên 64, mà còn vì sự mất lòng tin của họ vào hệ thống chính trị.
Một số nhà quan sát cho rằng một lựa chọn của ông Macron trong tuần tới có thể là thay thế bà Borne và sắp xếp lại chính phủ như một cách xây dựng lại hình ảnh.
Cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đầu tiên, do ông Charles de Courson - nghị sĩ phục vụ lâu nhất của Pháp và là thành viên của nhóm đối lập nhỏ trung dung Liot - đề xuất, đã có kết quả trong nháy mắt. Trong đó, cuộc bỏ phiếu này không đạt được đa số tuyệt đối cần thiết. Tổng cộng có 278 nghị sĩ bỏ phiếu ủng hộ chính phủ trong khi chỉ có 9 người bỏ phiếu bất tín nhiệm.
Trong khi đó, cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm thứ hai do đảng của bà Le Pen, National Rally đề xuất cũng đã bị bác bỏ. Sau khi chính phủ Pháp thành công vượt qua 2 cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, những thay đổi do Tổng thống Macron đề xuất đối với hệ thống lương hưu có thể sẽ nhanh chóng được ban hành thành luật.
Tuy nhiên, luật sẽ được đưa lên Hội đồng Hiến pháp của Pháp và các đảng đối lập đang đưa ra kiến nghị về một hình thức trưng cầu dân ý.
Theo những thay đổi mà ông Macron đưa ra, tuổi nghỉ hưu chung tối thiểu sẽ tăng từ 62 lên 64 tuổi, một số lao động trong các khu vực công sẽ mất đi nhiều đặc quyền và số năm làm việc để đủ điều kiện nhận lương hưu cũng sẽ tăng lên.
Tổng thống Macron đã đề xuất sử dụng điều 49.3 trong Hiến pháp Pháp để có thể thông qua luật mà không cần tới Quốc hội. Động thái này khiến ông vấp không ít lời chỉ trích.
Khi đề xuất cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, ông Courson, vốn theo đường lối ôn hòa, nói với Quốc hội rằng động thái của chính phủ nhằm thúc đẩy các thay đổi về tuổi nghỉ hưu khi không cần Quốc hội thông qua là một sự "phủ nhận nền dân chủ". Ông nhấn mạnh các đề xuất là không công bằng và đã gây ra "căng thẳng, lo lắng và tức giận" ở Pháp.
Trong khi đó, nghị sĩ Boris Vallaud của đảng Xã hội chỉ trích chính phủ đã "bóp méo nền dân chủ" và thể hiện "sự kiêu ngạo và coi thường "đối với Quốc hội, các chính trị gia đối lập, công đoàn và người lao động.
Tuy nhiên, Thủ tướng Borne đã lên tiếng bảo vệ quyết định trên của Tổng thống Macron. Bà nhận định những thay đổi này dẫn đến một sự thỏa hiệp "vì lợi ích của đất nước" và sẽ bảo vệ hệ thống xã hội.
Minh Hạnh(Theo Guardian)