Ngày 6/6 (giờ địa phương), Thủ tướng Anh Boris Johnson đã đối mặt với một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm sau nhiều bê bối của ông trong thời gian qua. Theo đó, ông Johnson đã nhận được 211 phiếu ủng hộ và 148 phiếu phản đối. Điều này có nghĩa là ông đã vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm và có thể tiếp tục đảm nhận vị trí lãnh đạo.
Sau khi có kết quả cuộc bỏ phiếu, ông Johnson đã gọi đây là cuộc bỏ phiếu "đầy thuyết phục" và "dứt khoát". Ông chia sẻ: "Tôi tin rằng đây là một kết quả tốt đối với nền chính trị và với cả đất nước chúng ta".
Tuy nhiên, theo CNN, khi đứng trong toà nhà Quốc hội, rất khó để làm ngơ những biểu cảm chán nản của các nghị sĩ sau khi kết quả được công bố. Tỷ lệ chênh lệch trong cuộc bỏ phiếu thậm chí còn hẹp hơn nhiều so với những suy đoán mà các đồng minh của ông Johnson từng đưa ra. Trước cuộc bỏ phiếu, nhiều người cho rằng chênh lệch 80 phiếu bầu giữa 2 phe ủng hộ và phản đối là kết quả tồi tệ nhất. Tuy nhiên, sau khi kết quả được công bố, chênh lệch lại chỉ có 63 phiếu.
Giờ đây, những người ủng hộ thủ tướng Anh đang cân nhắc có nên coi kết quả này là một thắng lợi hay tập trung vào các bước tiếp theo trông bối cảnh vị thế của ông Johnson đang lung lay hơn bao giờ hết.
Trước đó, chiều 5/6, Chủ tịch Uỷ ban 1922 - cơ quan giám sát việc bầu lãnh đạo đảng Bảo thủ, ông Graham Brady cho biết đã có 54 nghị sĩ gửi thư bất tín nhiệm và cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm sẽ được tổ chức. Động thái này diễn ra trong sau một tuần đầy căng thẳng đối của thủ tướng khi ông bị đám đông phản đối tại Đại lễ Bạch kim kỷ niệm 70 năm tại vị của Nữ hoàng Elizabeth II và tỷ lệ ủng hộ ông đang sụt giảm nhanh chóng.
Dù cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm có thể ảnh hưởng tới những di sản của ông nhưng ông Johnson được đánh giá là sẽ vượt qua cuộc bỏ phiếu này, bởi theo quy định, thủ tướng bị coi là bất tín nhiệm và sẽ phải rời vị trí khi nhận được ít nhất 180 phiếu phản đối, một con số tương đối lớn. Ngoài ra, CNN cho rằng hiện cũng chưa có ai thật sự nổi bật để thay thế vị trí của ông Johnson.
Khi Thủ tướng phát biểu trước những người phản đối trước cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội, ông đã nhận được tràng pháo tay nồng nhiệt. Trong đó, những người ủng hộ nhận xét ông Johnson đang vô cùng nghiêm túc khi nói về chính sách và cách đưa đất nước tiến lên, chứ không phải là những trò đùa cợt nhả. Một số người khác cũng cho rằng ông đã thật sự nghiêm túc trong cuộc họp và họ dự đoán ông Johnson sẽ vượt qua cuộc bỏ phiếu.
Giờ đây, khi cuộc bỏ phiếu đã kết thúc với một kết quả có lợi, Thủ tướng Johnson và các đồng minh của ông hy vọng đảng Bảo thủ có thể bước tiếp sau vụ bê bối Partygate, trong đó ông Johnson được coi là thủ tướng Anh đầu tiên vi phạm pháp luật khi còn đương chức. Liên quan tới bê bối này, ông Johnson trước đó đã thừa nhận tổ chức tiệc đông người, vi phạm quy định phòng dịch trong bối cảnh nước Anh đang phong toả phòng chống dịch COVID-19 vào năm 2020.
Dù đã vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm nhưng theo CNN, tương lai chính trị của ông vẫn chưa thể coi là "an toàn" tuyệt đối. Tỷ lệ tán thành đối với ông Johnson trong nước tiếp tục giảm và tỷ lệ tán thành với đảng của ông cũng vậy.
Đảng Bảo thủ trong nhiều tháng đã có được ưu thế trong Quốc hội nhưng số ghế của họ đang giảm dần. Thủ tướng Johnson và chính phủ của ông những tháng qua đã vướng vào các vụ bê bối từ việc bảo vệ một nghị sĩ đã vi phạm các quy tắc vận động hành lang cho đến một nghị sĩ khác bị kết tội lạm dụng tình dục một cậu bé 15 tuổi.
Việc xử lý vụ bê bối Partygate của họ đôi khi là phiến diện và thiếu mạch lạc. Và kỷ luật giữa các nghị sĩ Đảng Bảo thủ - bao gồm cả những người thuộc biên chế chính phủ - được đánh giá không cao.
Thông thường, chiến thắng trong một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm có nghĩa là một nhà lãnh đạo đảng Bảo thủ sẽ được miễn trừ một cuộc bỏ phiếu như vậy trong vòng 12 tháng. Tuy nhiên, có tin đồng cho rằng nhiều nghị sĩ đã bực bội vì cuộc bỏ phiếu diễn ra quá sớm và đang tìm cách thay đổi kết quả.
Khi mức độ tín nhiệm của ông Johnson giảm, điều đó cũng kéo theo mức độ tín nhiệm của đảng. Mùa hè này, đảng Bảo thủ được dự đoán sẽ tiếp tục mất thêm 2 ghế trong Quốc hội khi các cuộc bầu cử phụ được tổ chức ngày 23/6.
Nếu việc này thật sự xảy ra, những người ủng hộ nhiệt thành nhất của ông Johnson khó có thể lên tiếng bao biện rằng sự bất tín nhiệm của ông Johnson trong mắt các cử tri không liên quan tới kết quả trên. Và tại thời điểm đó, các nghị sĩ khác có thể bắt đầu nhìn vào ghế của chính họ và tự hỏi liệu họ có thể giữ được vị trí trong cuộc bầu cử tiếp theo, được lên lịch vào năm 2024, hay không.
Do đó, để tiếp tục vị trí lãnh đạo của mình, ông Boris Johnson sẽ cần tìm cách tăng cường mức độ nổi tiếng của ông và đảng Bảo thủ trong mắt công chúng. Tuy nhiên, việc này có thể khá khó khăn bởi Vương quốc Anh đang trải qua cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ. Do đảng Bảo thủ đã nắm quyền từ năm 2010, thật khó để họ lập luận rằng họ có giải pháp cho việc này.
Ngoài ra, các đồng minh cũng thừa nhận một số "phép màu" của ông Johnson đã biến mất. Trong những tuần gần đây, nhiều nghị sĩ ủng hộ ông Johnson đã nói với CNN rằng họ cảm thấy sức hút của ông đang giảm dần và Thủ tướng ngày càng tỏ ra mệt mỏi, cạn kiệt ý tưởng.
CNN nhận định, trong thời điểm hiện tại, Boris Johnson có thể tạm thời thở phào nhẹ nhõm. Nhưng chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm này không có nghĩa là ông đã hoàn toàn "an toàn", ông Johnson sẽ còn nhiều thách thức khác cần đương đầu ở vị trí thủ tướng.
Minh Hạnh (Theo CNN)