(ĐSPL) - Việc liên tục phát hiện tình trạng bơm tạp chất vào tôm sú thời gian gần đây khiến dư luận lo lắng. Vậy làm sao để chọn được tôm ngon, tránh tôm bị bơm tạp chất?
[mecloud]Juu9YE4cr6[/mecloud]
Tối 25/7, lực lượng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế đã bắt quả tang 2 cơ sở kinh doanh hàng thủy sản có hành vi bơm chất lạ vào tôm nhằm tăng trọng lượng.
Vào thời điểm trên, Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đã bắt quả tang nhân viên cơ sở kinh doanh thủy sản Thân Huệ do ông Lê Văn Thân (47 tuổi) làm chủ và cơ sở kinh doanh Hồng Nhung do ông Võ Mạnh Hùng (45 tuổi) làm chủ cùng có địa chỉ ở đường Kinh Dương Vương, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế, dùng bơm kim tiêm tạp chất lạ vào tôm sú. Lực lượng công an đã thu giữ tang vật gồm 150 kg tôm sú đã chết, 202 kg tạp chất và 80 kim tiêm.
Theo kết quả điều tra ban đầu, 2 cơ sở kinh doanh này hoạt động từ năm 2012 đến nay, thường xuyên mua tôm sú đã chết rồi bơm chất lạ vào nhằm tăng trọng để bán cho các nhà hàng tổ chức tiệc cưới.
Cơ sở này mua tôm sú đã chết rồi bơm chất lạ vào nhằm tăng trọng để bán cho các nhà hàng tổ chức tiệc cưới. |
Trước đó, báo Tuổi trẻ đưa tin, khoảng 19h ngày 13/1, nhận được tin báo của người dân địa phương, Đội quản lý thị trường số 5 (Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Long) và Đội cảnh sát kinh tế huyện Tam Bình đã đến kiểm tra đột xuất tại cơ sở mua tôm của bà Bé, phát hiện hai công nhân đang bơm rau câu vào tôm càng xanh.
Lực lượng chức năng đã lập biên bản và tịch thu toàn bộ số tôm đã được bơm tạp chất là 26kg, tịch thu hai dụng cụ bơm rau câu. Tại hiện trường vẫn còn khoảng 20kg tôm chưa kịp bơm rau câu vào và một số lượng lớn tôm trên xe chưa được vận chuyển xuống.
Thời gian qua, lực lượng chức năng ở Hà Nội cũng liên tục phát hiện nhiều cơ sở chuyên kinh doanh tôm sú cho bơm thạch đông sương sa agar vào tôm. Mới đây nhất là ngày 3/4, Đội cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Công an quận Ba Đình, Hà Nội) phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 3, Công an phường Phúc Xá bất ngờ kiểm tra cơ sở kinh doanh hải sản Linh Lương.
Ngay thời điểm kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện chủ cơ sở cùng những người làm đang dùng xilanh rút nước từ trong những thùng nhựa bơm vào lưng tôm. Tại hiện trường, tôm nằm la liệt khắp nền nhà, trong khay nhựa, hơn 12kg tôm sú đã được bơm thạch agar.
Người chủ khai nhận đã mua hai thùng xốp tôm, có trọng lượng khoảng 50kg tại Hoàng Mai về để bán. Do tôm đông lạnh, nhiều con chết quá lâu, màu nhợt nhạt nên ông tìm mua các gói bột agar về hòa với nước, sau đó dùng xilanh bơm vào lưng con tôm (ông dùng cách này từ hơn một tháng nay). Cách này sẽ biến tôm đông lạnh chết nhợt nhạt trở nên tươi ngon, thân tôm cứng, căng mọng và tăng thêm trọng lượng.
Một cán bộ Đội cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Công an quận Ba Đình) cho biết, cơ sở trên có giấy chứng nhận kinh doanh nhưng không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện về an toàn thực phẩm và giấy chứng nhận tập huấn về an toàn thực phẩm. Cơ quan chức năng đã lập biên bản kiểm tra và xử lý theo quy định.
Việc liên tục phát hiện tình trạng bơm tạp chất vào tôm sú thời gian gần đây khiến dư luận lo lắng. |
Trước đó, cũng bằng những chiêu trò tương tự, bốn công nhân - làm việc tại cơ sở kinh doanh hải sản tại phường Tương Mai (Hoàng Mai) do ông Nguyễn Văn Cửu (trú Thanh Hóa) làm chủ cũng đã tiến hành bơm bột agar vào tôm sú và bị lực lượng chức năng phát hiện.
Ông Cửu thừa nhận, do tôm sú đông lạnh đã chết, màu trắng bệch, nhợt nhạt nên ông mua bột thạch agar về pha với nước để bơm vào nhằm giúp tôm tươi và tăng trọng lượng. Cùng thời điểm trên, lực lượng chức năng cũng phát hiện một cơ sở kinh doanh hải sản khác ở tổ 68 (phường Tương Mai), do ông Nguyễn Văn Liệu (quê Thái Bình) làm chủ, khi những công nhân làm việc tại cơ sở này đang bơm bột agar pha với nước vào tôm sú. Lực lượng chức năng đã lập biên bản kiểm tra và gửi mẫu tôm đi giám định.
Việc liên tục phát hiện tình trạng bơm tạp chất vào tôm sú thời gian gần đây khiến dư luận lo lắng. Hầu hết các chợ lớn và nhỏ ở Hà Nội đều bày bán tôm, trong đó có rất nhiều loại tôm đông lạnh. Một điều rất dễ nhận ra là đa phần người dùng mặt hàng này đều không thể nhận diện được đâu là tôm tươi ngon, đâu là tôm đã bị bơm tạp chất (bột agar, nước…).
Theo một cán bộ Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, bột agar còn được gọi là bột thạch rau câu (loại bột dùng để làm thạch rau câu). Nếu pha loại bột này vào nước, sau đó tiêm vào tôm sẽ làm cho tôm tăng thêm trọng lượng, trung bình mỗi kilogram tôm sẽ tăng lên được từ 2 - 3 lạng. Tùy vào các tạp chất có trong nước và bột agar mà gây nên các bệnh truyền nhiễm khác nhau. Riêng bột agar không gây nguy hiểm đến sức khỏe người tiêu dùng mà chỉ làm tăng trọng lượng tôm, vì vậy phải xác định rõ các tạp chất là gì thì mới kết luận được mức độ nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng.
Cũng theo vị này, nếu chưa bị tiêm các loại tạp chất, con tôm sẽ rất mềm, thân hình cong tự nhiên. Đối với loại tôm đã tiêm tạp chất, thân tôm căng phồng, mọng nước, mang rất cứng, các đốt trên thân tôm bị giãn ra. Bên cạnh đó, đối với loại tôm đã bị tiêm tạp chất, khi nấu lên thường chảy ra nhiều nước, thịt tôm bị teo lại, ăn có cảm giác bị nhạt, thịt bở hơn tôm bình thường. Nếu là tôm bơm thạch rau câu khi nấu chín, bóc vỏ tôm ra thường phát hiện có lớp rau câu bám vào.
Nhiều chuyên gia về thủy hải sản cho rằng, nước là môi trường thuận lợi để các loại vi trùng, vi khuẩn phát triển, tùy vào nước sạch hay nước bẩn mà các loại vi khuẩn tả, vi khuẩn thương hàn… phát triển mạnh. Nếu các chủ cơ sở kinh doanh tôm, ngoài tiêm nước, tạp chất, còn dùng các loại chất hóa học, chất bảo quản để bảo vệ, cất giữ tôm sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người tiêu dùng. Để đảm bảo an toàn, người tiêu dùng nên chọn mua tôm còn sống, tươi ngon để sử dụng.
Cách phân biệt tôm bơm tạp chất
Để nhận biết tôm có bơm tạp chất hay không, người tiêu dùng cần chú ý đến các bộ phận sau:
Tôm bơm tạp chất thường xòe đuôi, trong khi tôm sạch thường cúp đuôi xuống.
Mình tôm bơm tạp chất thường mập, căng bất thường, mập đến nỗi các đốt trên thân tôm gần như bị giãn ra, nhất là đốt nối giữa đầu và thân.
Tôm bị bơm thường có mang cứng, thẳng đơ, phồng căng trong khi mang tôm thường mềm, phẳng.
Tôm bơm thường có bị phù đầu, gai vểnh. Phần đầu và thân của tôm bị tiêm rất dễ bị tách rời nhau.
Ngoài ra, tôm bơm khi nấu sẽ bị chảy nhiều nước, thịt tôm bị teo lại. Khi ăn thịt bở, vị nhạt hơn so với bình thường. Nếu là tôm bị bơm thạch, khi nấu chín, bóc vỏ tôm ra sẽ dễ dàng thấy lớp rau câu nằm giữa lớp thịt và vỏ tôm, nhất là ở phần đầu, dưới mang.
Theo một thương lái chuyên cung cấp tôm tươi sống cho các quán nhậu tại đường Đỗ Xuân Hợp (quận 9, TP.HCM), nếu người mua về chế biến thấy tôm bị teo lại đáng kể thì chắc chắn bị sử dụng chất tăng trọng.
"Tôm tươi sống dù cho chế biến cách nào cũng không bao giờ bị teo lại. Tôm bơm hóa chất mới bị teo. Tôi từng gặp trường hợp người mua cả mấy ký tôm ở ngoài chợ về mà khi nấu lên tôm teo chỉ còn một nửa. Thấy tôm bị phù đầu, đầu to, các đốt trên thân giãn ra, xòe đuôi với gai tôm vểnh xuống thì tôm đó bị tiêm tạp chất là cái chắc rồi", chị nói thêm.
Mình tôm bơm tạp chất thường mập, căng bất thường, mập đến nỗi các đốt trên thân tôm gần như bị giãn ra, nhất là đốt nối giữa đầu và thân. |
Cách chọn tôm sạch
Theo nhiều thương lái, muốn chọn tôm sạch thì chỉ có 2 cách: chọn tôm còn tươi sống và chọn tôm nhỏ.
Thường chỉ tôm đông lạnh mới bị bơm hóa chất, còn tôm sống không thể bơm được vì tôm sẽ chết ngay.
Với loại tôm sống, nên chọn những con còn nhảy và còn đủ chân lẫn càng. Đây là cách an toàn nhất nếu người tiêu dùng muốn sử dụng tôm tươi ngon. Tuy nhiên, các loại tôm này thường có giá cao, khoảng từ 250.000 - 500.000/kg (đối với loại tôm sú và tôm càng có kích thước vừa phải).
Mặt khác, nếu không đủ tiền mua tôm tươi sống, người tiêu dùng chỉ còn cách chọn các loại tôm nhỏ hơn, giá "mềm" hơn. Còn với các loại tôm đông lạnh, người tiêu dùng nên để ý các chi tiết như đầu, thân và đuôi tôm.
Khi mua tôm, người tiêu dùng nên cầm phần đầu và đuôi tôm kéo giãn ra. Nếu các khớp nối giữa các đốt tôm khít thì là tôm còn tươi, chưa bị ươn và không bị tiêm hóa chất. Nếu các khớp này giãn ra tức là tôm đã bị để đông lạnh quá lâu và khả năng bơm hóa chất là rất cao.
An Nhiên(Tổng hợp)