+Aa-
    Zalo

    Tôi đã viết "Tổ quốc nhìn từ biển" bằng máu và nước mắt!

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL)- Khi bài thơ "Tổ quốc nhìn từ biển" của tôi được in trên nhiều tờ báo và lan truyền rộng khắp trên các mạng thông tin điện tử, có nhiều độc giả đề nghị đưa bài thơ này vào sách giáo khoa phổ thông.

    (ĐSPL)- Khi bài thơ "Tổ quốc nhìn từ biển" của tôi được in trên nhiều tờ báo và lan truyền rộng khắp trên các mạng thông tin điện tử, có nhiều độc giả đề nghị đưa bài thơ này vào sách giáo khoa phổ thông.
    LTS: Tháng 5/2014 này, Biển Đông lại trở thành điểm nóng khi Trung Quốc đưa trái phép giàn khoan và tàu chiến vào xâm phạm lãnh hải Việt Nam. Cách đây đúng ba năm, cũng vào tháng 5/2011, bài thơ "Tổ quốc nhìn từ biển" của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến được công bố vào dịp Trung Quốc gây hấn cắt cáp tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam trên Biển Đông đã nhận được sự rung cảm của hàng triệu độc giả. Và trong những ngày gần đây, hơn bao giờ hết, bài thơ được nhiều người truyền nhau và lan tỏa sức mạnh kỳ diệu của nó. Để đáp ứng mong mỏi của nhiều độc giả, báo Đời sống và Pháp luật xin trích đăng bài thơ cũng như những tâm sự của tác giả xung quanh bài thơ xúc động này.
    Tôi đã viết bài thơ bắt đầu bằng hình ảnh Tổ quốc nhìn từ phía biển. Từ thuở hồng hoang, truyền thuyết cha Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ đã nói về việc mở nước từ phía biển. 50 người con theo cha Lạc Long Quân xuống biển để mở mang đất nước từ phía biển cả, 50 người con theo mẹ âu Cơ lên rừng giữ gìn đất nước từ phía biên cương. Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta gắn liền với biển đảo, ông cha ta đã bám biển, giữ nước ngàn năm từ phía biển. Từ ngàn xưa đến nay đất nước ta đã có hơn 10 lần giặc đến từ  phía Biển Đông, với các cuộc xâm lăng của phong kiến Trung Hoa dưới thời Đinh - Lý - Trần - Lê, đến khi thực dân Pháp bắn phát súng đầu tiên vào cửa Thuận An, Kinh thành Huế báo hiệu cuộc xâm lăng cũng là từ phía biển.
    Trong hồn người có ngọn sóng nào không?
    Tôi không ngờ bài thơ "Tổ quốc nhìn từ biển" lại có được sức cộng hưởng tri âm với nhiều người đọc như vậy. Trong bài thơ này có đoạn thơ sau: "Nếu Tổ quốc hôm nay nhìn từ biển/ Mẹ Âu Cơ hẳn không thể yên lòng/ Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa/ Trong hồn người có ngọn sóng nào không". Tôi nghĩ rằng, trong tâm hồn mỗi nhà thơ, mỗi nhạc sỹ chúng ta hôm nay, nếu không trào dâng lên ngọn sóng thi ca yêu nước ấy thì làm sao các bài thơ và bản nhạc của chúng ta có được sự cộng hưởng tri âm từ hàng triệu người đọc. Vì thế, tôi tin rằng, nhân dân và thế hệ trẻ hôm nay không quay lưng lại với thi ca yêu nước đâu, mà có lẽ các nhà thơ nên tự hỏi: Chúng ta đã làm gì để nói lên tiếng nói của nỗi đau và khát vọng của chính dân tộc mình trước những hiểm họa đối với đất nước trong những tháng năm này? Và qua sự hưởng ứng của hàng triệu độc giả đối với bài thơ "Tổ quốc nhìn từ biển", thêm một lần nữa, tôi tin rằng công chúng hôm nay không hề quay lưng lại với thi ca yêu nước.
    Khi bài thơ "Tổ quốc nhìn từ biển" của tôi được in trên nhiều tờ báo và lan truyền rộng khắp trên các mạng thông tin điện tử, đã có nhiều độc giả gửi comment nhận xét: Có lẽ đã rất lâu mới có một bài thơ gây được sức cộng hưởng, lan tỏa nhanh chóng và rộng rãi trong cộng đồng những người Việt Nam yêu nước ở cả trong nước và nước ngoài. Và có nhiều độc giả đề nghị đưa bài thơ này vào sách giáo khoa phổ thông. Tôi cảm nhận, điều này đã nói lên sức ảnh hưởng của thi ca yêu nước đối với đời sống dân tộc, đặc biệt là với giới trẻ hôm nay.
    Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến với bài thơ: "Tổ quốc nhìn từ biển":
    Đáng chú ý, sau bài trả lời phỏng vấn của tôi về bài thơ "Tổ quốc nhìn từ biển" trên một tờ báo, trong rất nhiều lời bình luận khá xúc động từ phía những bạn trẻ ở trong và ngoài nước. Tôi đã viết bài thơ này bằng chính những trải nghiệm khi đi qua chiến tranh cách đây gần 40 năm và bằng chính những trắc trở của mình trong đời sống một nhà báo mà tôi phải trải qua. Ở thời điểm viết bài thơ này, tôi vừa trở lại công tác tại Báo Thanh niên. Và "Tổ quốc nhìn từ biển" là bài thơ đầu tiên khi tôi trở lại cầm bút. Khi ấy, tôi đã vượt lên nỗi đau đời thường của chính mình để nghĩ về Tổ quốc, để xúc động theo cách một nhà thơ đang cảm nhận tự do trong mỗi ngày đang sống và nhìn nhận những nguy cơ, những hiểm họa đang đến gần trên vùng biển đảo của Tổ quốc thân yêu. Và chính từ cảm xúc lớn lao ấy, tôi đã viết bài thơ "Tổ quốc nhìn từ biển" như viết từ chính bằng máu và nước mắt của mình.
    Tôi nghĩ, nhà thơ chỉ có thể gắn bó với đời sống tinh thần của dân tộc mình khi những bài thơ của họ nhận được sự cộng hưởng, sự tri âm từ những con người yêu nước chân chính vào những thời điểm đất nước gian lao. 
    Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến tâm sự về bài thơ
    Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến.
    Tổ quốc là đề tài muôn thuở của thi ca  
    Bài thơ "Tổ quốc nhìn từ biển" tôi viết từ tháng 4/2009 trong một đợt đi sáng tác cùng anh em Tạp chí Văn nghệ Quân đội với bộ đội Hải quân ở Hạ Long, Quảng Ninh. Nghĩa là bài thơ này được viết hơn hai năm trước khi xảy ra sự cố gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông vào tháng 5/2011. Do vậy, với điểm nhìn của nhà thơ ở thời điểm ấy, tôi phải đặt ra những giả thiết, giả định... khi đề cập tới những vấn đề rất nhạy cảm về tình hình biển đảo của chúng ta lúc bấy giờ. Khổ thơ đầu tiên khi tôi đặt bút viết bài thơ này là: "Nếu Tổ quốc bị xâm lăng từ biển/ Có một phần máu thịt ở Hoàng Sa/Ngàn năm trước con theo cha xuống biển/ Mẹ lên rừng thương nhớ mãi Trường Sa". Nhưng sau khi cân nhắc, đắn đo nhiều lần, tôi gạch bỏ 3 chữ "bị xâm lăng" ở câu thơ đầu tiên vì nghe có vẻ hơi nặng nề, để thay bằng 3 chữ "đang bão giông", nên bài thơ khi công bố đã mở đầu bằng đoạn "Nếu Tổ quốc đang bão giông từ biển/ Có một phần máu thịt ở Hoàng Sa/ Ngàn năm trước con theo cha xuống biển/ Mẹ lên rừng thương nhớ mãi Trường Sa".
    Tương tự như vậy, ở đoạn thơ sau, nguyên văn câu thơ tôi viết ban đầu là "Nếu Tổ quốc hôm nay nhìn từ biển/ Mẹ Âu Cơ hẳn không thể yên lòng/ Sóng xâm lấn đè lên thêm lục địa/Trong hồn người có ngọn sóng nào không". Sau khi đọc lại và cân nhắc kỹ, tôi quyết định bỏ 2 chữ "xâm lấn" để thay bằng 2 chữ "lớp lớp", nên khi chính thức công bố, đoạn thơ này có nội dung "Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa/ Trong hồn người có ngọn sóng nào không". Nói như thế để thấy rằng, trong bài thơ này, tôi đã phải cân nhắc, tính toán, sửa đi sửa lại từng câu, từng chữ một trước khi in trên báo.
    Thậm chí, ngay cả khi bài thơ chuẩn bị lên khuôn, tôi còn tới tòa soạn, đề nghị sửa gấp ngay một vài chữ "nhạy cảm" trong một số đoạn thơ. Khi ấy, một nhà văn nói với tôi: "Những tình tiết này không ai biết được, nhưng sau này, khi bài thơ "Tổ quốc nhìn từ biển" đến với công chúng, những người có trách nhiệm với đất nước sẽ phải cảm ơn anh vì sự tận tụy với thi ca và chỉ có những người có tấm lòng yêu nước chân chính như anh mới có sự cẩn trọng với từng câu chữ và làm được như vậy!". Lúc ấy, tôi coi nhận xét của nhà văn là biên tập viên này như một phần thưởng đối với tôi. Đến khi được thấy hàng triệu độc giả hưởng ứng cổ vũ cho bài thơ "Tổ quốc nhìn từ biển", tôi biết rằng mình đã rất đúng trong việc xử lý từng câu chữ trong bài thơ này. Thật ra, việc đưa ra các giả thiết, giả định về "điểm nhìn" để giải quyết "một vấn đề nhạy cảm trong thời điểm nhạy cảm" không chỉ là công việc thao tác ngôn ngữ bình thường mà đấy là cả một nghệ thuật của người cầm bút. Thật ra, tôi viết bài thơ này với sự rung động đầy cảm hứng và với mạch thơ sử thi mang tính tráng ca, hào sảng và đều có những suy tư khá sâu dưới từng mạch chữ, từng nhịp điệu thơ.

    Tổ quốc nhìn từ biển

    Nếu Tổ quốc đang bão giông từ biển
    Có một phần máu thịt ở Hoàng Sa
    Ngàn năm trước con theo cha xuống biển
    Mẹ lên rừng thương nhớ mãi Trường Sa

    Đất Tổ quốc khi chập chờn bóng giặc
    Các con nằm thao thức phía Trường Sơn
    Biển Tổ quốc chưa một ngày yên ả
    Biển cần lao như áo mẹ bạc sờn
     
    Nếu Tổ quốc hôm nay nhìn từ biển
    Mẹ Âu Cơ hẳn không thể yên lòng
    Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa
    Trong hồn người có ngọn sóng nào không
    Nếu Tổ quốc nhìn từ bao quần đảo
    Lạc Long cha nay chưa thấy trở về
    Lời cha dặn phải giữ từng thước đất
    Máu xương này con cháu vẫn nhớ ghi
     
    Đêm trằn trọc nỗi mưa nguồn chớp bể
    Thương Lý Sơn đảo khuất giữa mây mù
    Thương Cồn Cỏ gối đầu lên sóng dữ
    Thương Hòn Mê bão tố phía âm u
     
    Nếu Tổ quốc nhìn từ bao thương tích
    Những đau thương trận mạc đã qua rồi
    Bao dáng núi còn mang hình goá phụ
    Vọng phu buồn vẫn dỗ trẻ, ru nôi
     
    Nếu Tổ quốc nhìn từ bao hiểm họa
    Đã mười lần giặc đến tự Biển Đông
    Những ngọn sóng hoá Bạch Đằng cảm tử
    Lũ Thoát Hoan bạc tóc khiếp trống đồng
    Thương đất nước trên ba ngàn hòn đảo
    Suốt ngàn năm bóng giặc vẫn chập chờn
    Máu đã đổ ở Trường Sa ngày ấy
    Bạn tôi nằm dưới sóng mặn vùi thân
     
    Nếu Tổ quốc neo mình đầu sóng cả
    Những chàng trai ra đảo đã quên mình
    Một sắc chỉ về Hoàng Sa thuở trước
    Còn truyền đời con cháu mãi đinh ninh
     
    Nếu Tổ quốc nhìn từ bao mất mát
    Máu xương kia dằng dặc suốt ngàn đời
    Hồn dân tộc ngàn năm không chịu khuất
    Dáng con tàu vẫn hướng mãi ra khơi.
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/toi-da-viet-to-quoc-nhin-tu-bien-bang-mau-va-nuoc-mat-a33665.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan