Mâu thuẫn về chuyện hái dừa thuê, Thạch Đen nuôi lòng thù hận và tìm đến nhà người phụ nữ sống đơn thân trong đêm vắng để trả thù. Sau khi gây án, Đen cướp sợi dây chuyền vàng của nạn nhân và thản nhiên quay về nơi mình sinh sống, sinh hoạt như bình thường cho đến khi bị bắt.
Bị bắt khi cổ vẫn đeo dây chuyền của nạn nhân
Một ngày cuối tháng Mười, TAND Cấp cao tại TP.HCM mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án hình sự đối với bị cáo Thạch Đen (SN 1983, ngụ tại tỉnh Sóc Trăng) về các tội Giết người, Hiếp dâm và Cướp tài sản.
Bị cáo Thạch Đen có nhiều tiền án, sinh sống tại ấp Phú Thành A, xã Phú Tâm, huyện Châu Thành với nghề hái dừa thuê. Do leo dừa giỏi nên Đen có nhiều “mối” leo dừa và quen biết nhiều người trồng dừa tại các địa phương khác. Tháng 9/2018, Đen được bà T.T.M.L. (SN 1972, ngụ xã An Mỹ, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) thuê hái dừa. Trong lúc hái dừa, Đen xảy ra mâu thuẫn với bà L. nên hắn nảy sinh ý định trả thù.
Bị cáo Thạch Đen không được giảm án. |
Đêm 14/9/2018, Đen trèo qua ô cửa thông gió, đột nhập vào nhà phòng ngủ nhà bà L. và bóp cổ nạn nhân cho đến ngất xỉu. Lúc này, Đen lột quần áo bà L. để hiếp dâm nhưng thấy bà L. bất động. Nghĩ bà L. đã tử vong nên đối tượng lấy 1 sợi dây chuyền, rồi kéo bà L. vào nhà vệ sinh đẩy vào thùng nước.
Sau khi gây án, Đen nhanh chóng rời khỏi hiện trường, rồi về địa phương nơi mình sinh sống sinh hoạt như bình thường. Sáng 15/9/2018, vợ chồng chị ruột bà L. đến nhà thì phát hiện thi thể nạn nhân trong tình trạng đầu cắm vào thùng nước nên trình báo công an.
Tiến hành điều tra, Công an tỉnh Sóc Trăng gặp nhiều khó khăn do hung thủ không để lại bất cứ manh mối, dấu vết nào tại hiện trường. Lấy lời khai của những người hàng xóm của bà L., không ai biết thông tin trước đó bà L. thuê Thạch Đen leo dừa. Đang trong quá trình điều tra, Công an tỉnh Sóc Trăng nhận được tin bà L. mới bán dừa. Do không tìm được người mua dừa nên các trinh sát sang các xã, huyện lân cận để xác minh thì nhận được thông tin Thạch Đen là thanh niên hái dừa thuê và trèo rất giỏi.
Khi trinh sát đến nhà Đen, đối tượng không có nhà. Hàng xóm của Đen cho biết, thời điểm xảy ra án mạng tại nhà bà L., Đen không có ở địa phương. Sáng 17/9, Thạch Đen đến một quán cà phê ở xã Phú Tân uống nước như bình thường. Thời điểm này, Đen có đeo 1 sợi dây chuyền vàng.
Tiếp cận đối tượng, các trinh sát Công an tỉnh Sóc Trăng nhận định rất có thể Đen chính là hung thủ, bởi Đen chỉ làm nghề leo dừa thuê, thu nhập không cao thì khó có thể mua được dây chuyền vàng giá trị lớn. Thêm vào đó là hành tung khả nghi của anh ta trong thời gian xảy ra cái chết của bà L. nên công an đã mời Đen về trụ sở làm việc.
Qua thẩm vấn, Đen đã phải thừa nhận hành vi giết bà L., cướp dây chuyền. Quá trình điều tra, cơ quan điều tra nhận thấy Đen có biểu hiện tâm thần nên đưa đối tượng đi giám định. Kết luận giám định pháp y tâm thần thể hiện, thời điểm trước, trong, sau khi gây án và hiện tại cho thấy, Thạch Đen bị bệnh lý tâm thần rối loạn nhân cách và hành vi do sử dụng các chất gây ảo giác. Tại thời điểm phạm tội và hiện nay, Thạch Đen bị hạn chế nhận thức và điều khiển hành vi.
Y án tử hình
Tám tháng kể thừ khi gây án, Đen bị TAND tỉnh Sóc Trăng đưa ra xét xử. Đen thừa nhận tội và mong pháp luật khoan hồng, nhưng tòa nhận định hành vi của Đen là không thể tha thứ, phạm cùng lúc nhiều tội nên đã tuyên phạt Đen án tử hình về tội Giết người, 3 năm tù về tội Hiếp dâm, 5 năm tù về tội Cướp tài sản. Tổng hợp hình phạt bị cáo Đen phải chấp hành là tử hình. Ngoài mức án trên, bị cáo Đen còn phải bồi thường số tiền 11,5 triệu đồng mai táng phí cho gia đình nạn nhân.
Với hy vọng được sống, Thạch Đen và người đại diện theo pháp luật của bị cáo sau đó kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Ra tòa phúc thẩm, Thạch Đen không chối tội, thể hiện sự ăn năn hối cải với mong muốn được giảm án.
Bị cáo Đen khai thường xuyên sử dụng ma túy, vì thế nhớ lại chuyện mâu thuẫn với bà L. trong lúc hái dừa. “Bị cáo được bà L. thuê hái dừa hồi đầu tháng 9/2018. Trong lúc hái dừa, bị cáo không chịu trèo lên một cây cao vì sợ nguy hiểm nên bà L. dọa không thuê bị cáo nữa. Ngoài ra, khi chuyển dừa xuống, bị cáo làm rơi vài trái xuống sông nên bà L. bắt bị cáo phải nhảy xuống vớt lên. Từ đó, bị cáo và bà L. phát sinh mâu thuẫn. Sau khi sử dụng ma túy, bị cáo bị ảo giác, nghĩ lại chuyện cũ nên đến nhà bà L. để trả thù”, Đen thừa nhận.
Biết bà L. không có chồng con, sống một mình trong căn nhà do cha mẹ để lại nên Đen đột nhập vào nhà lúc đem vắng và gây án. Lý giải việc đeo sợi dây chuyền của nạn nhân, Đen khai do nghĩ hành vi của mình khó bị phát hiện nên vẫn đeo dây chuyền của nạn nhân để khoe với bạn bè.
Thạch Đen cũng khẳng định bản thân không biết thế nào là giao cấu, thế nào là hiếp dâm. “Bị cáo chỉ leo lên người nạn nhân chứ chưa hiếp dâm. Khi thấy nạn nhân nằm bất động, bị cáo nghĩ nạn nhân đã chết nên bị cáo sợ, không dám thực hiện tiếp hành vi”, Đen khai.
Cả người đại diện theo pháp luật của Đen và luật sư bào chữa cho Đen đều đề nghị HĐXX khoan hồng cho bị cáo, bởi bị cáo sử dụng ma túy nên bị tâm thần, khi gây án thì bị hạn chế năng lực, hành vi. Ngoài ra, luật sư còn đưa ra nhiều tình tiết giảm nhẹ hình phạt để mong tòa giảm án cho Đen.
Tuy nhiên, lời bào chữa của luật sư và thái độ ăn năn của Thạch Đen không giúp bị cáo được giảm nhẹ hình phạt. HĐXX sau khi nghị án đã nhận định hành vi của Thạch Đen là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, phạm cùng lúc nhiều tội nên không thể tha thứ.
Mặc dù bị cáo là người dân tộc, không biết chữ, bị hạn chế nhận thức, nhưng bị cáo có nhân thân xấu, từng phạm các tội như Trộm cắp tài sản, Hủy hoại tài sản hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản, Gây rối trật tự công cộng... Xét bị cáo không còn khả năng cải tạo để trở thành người tốt, HĐXX đã bác kháng cáo của Đen và của người đại diện theo pháp của Đen, tuyên y án tổng hình phạt tử hình đối với Đen về các tội Giết người, Hiếp dâm và Cướp tài sản.
Công Thư
Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 175