Căng thẳng biên giới Trung Quốc - Ấn Độ đang có những diễn biến phức tạp khiến cộng đồng quốc tế gia tăng lo ngại bất ổn tại khu vực châu Á.
Theo BBC, căng thẳng bắt đầu xảy ra khi một trung đội Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đêm 8/6 lặng lẽ tiến vào cao nguyên Doklam nằm giữa biên giới Trung Quốc và Bhutan. Binh lính Bắc Kinh đã phá hủy những lô cốt mà quân đội hoàng gia Bhutan đã xây dựng cách đây nhiều năm nhằm phục vụ cho các chuyến tuần tra biên giới.
Căng thẳng giữa hai quốc gia sau đó gia tăng hôm 16/6, khi Trung Quốc cáo buộc binh sĩ Ấn Độ vượt qua một ranh giới được thống nhất giữa 2 nước, chia tách vùng Tây Tạng ở viễn Tây Trung Quốc với bang Sikkim ở viễn Đông Ấn Độ mà tới năm 2003 Trung Quốc mới công nhận thuộc về Ấn Độ.
Binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc tại đường ranh giới kiểm soát trên thực tế (LAC) |
Cho rằng Trung Quốc đã vi phạm thỏa thuận không thay đổi nguyên trạng được hai nước ký năm 1998, lính Bhutan đã tranh cãi, và xảy đến xô xát với lính Trung Quốc. Sau khi xảy ra xô xát, quân lính Trung Quốc không chịu rút đi, buộc Bhutan phải nhờ Ấn Độ giúp đỡ. Hai ngày sau, khoảng 300-400 lính Ấn Độ tiến vào Doklam, ngăn chặn đơn vị công binh Trung Quốc, khởi đầu cho cuộc khủng hoảng đang kéo dài.
Về phía Trung Quốc, chính quyền Bắc Kinh đã có hàng loạt các động thái quân sự khiến giới quan sát lo ngại là có thể làm leo thang căng thẳng trong khu vực.
Cụ thể, quân đội Trung Quốc đã tiến hành một loạt cuộc tập trận ở Tây Tạng với các nội dung huấn luyện xe tăng, bắn súng cối, và phóng tên lửa cách không xa nơi đồn trú của binh sĩ Ấn Độ.
Theo truyền thông Trung Quốc, một lữ đoàn Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã tổ chức diễn tập bắn đạn thật ở Tây Tạng, tập trung vào nâng cao “khả năng điều chuyển quân nhanh”.
Xe tăng chiến đấu kiểu 96 hiện đại nhất của quân đội Trung Quốc xuất hiện trong một đoạn video do truyền hình trung ương Trung Quốc công bố. Ngoài ra trong video này còn có cảnh lựu pháo, súng chống tăng tác xạ, và các đơn vị radar nhận diện máy bay địch.
Sau các động thái căng thẳng tại vùng biên giới giữa hai nước, một số cơ quan truyền thông ở Pakistan đã liên tục đưa ra các thông tin về mối quan hệ bất đồng giữa Ấn Độ và Trung Quốc và về chuyện rocket Trung Quốc khiến lính Ấn Độ tử vong, nhiều lính Ấn Độ khác bị thương.
Tuy nhiên, các tờ báo chính thống ở Bắc Kinh đã nhanh chóng bác bỏ các báo cáo này và tuyên bố rằng các tin tức đó là “vô căn cứ”. Bộ Ngoại giao Ấn Độ cũng khẳng định rằng các tin tức đó là xấu xa và vô trách nhiệm.
Cả Ấn Độ và Trung Quốc đều bỏ lỡ cơ hội hạ nhiệt căng thẳng khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi không có cuộc gặp bên lề hội nghị thượng đỉnh G-20 diễn ra ở Đức đầu tháng 7.
Gần đây nhất, vào hôm 20/7, Trung Quốc một lần nữa khẳng định sẽ không có cuộc đàm phán nào nếu phía Ấn Độ không chủ động rút quân khỏi Doklam.
Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lu Kang cho biết: "Kênh ngoại giao của chúng tôi không bị cản trở và sự rút quân của quân đội biên giới Ấn Độ là điều kiện tiên quyết cho bất kỳ cuộc đối thoại và thông tin liên lạc có ý nghĩa nào giữa hai bên”.
Tuy nhiên, Ấn Độ cũng đáp trả và yêu cầu Trung Quốc rút quân khỏi Doklam trên biên giới Bhutan-Trung Quốc nếu muốn New Delhi rút quân khỏi khu vực này. Bộ trưởng Ngoại giao Sushma Swaraj hôm 20/7 cũng cáo buộc Trung Quốc đơn phương cố gắng thay đổi hiện trạng ở biên giới với Bhutan.
Trung Quốc hiện duy trì lực lượng của khoảng 15 sư đoàn, 50.000 binh sĩ dọc trên tuyến đường biên giới dài 3.488km giữa hai nước. Còn ở Tây Tạng, Trung Quốc hiện có 5 sân bay quân sự có thể làm bàn đạp tấn công Ấn Độ.
Quân đội Ấn Độ tuyên bố không lo ngại dù Trung Quốc có điều thêm bao nhiêu quân tới biên giới. Do 5 sân bay ở Tây Tạng chưa đủ năng lực phục vụ chiến đấu. Bên cạnh đó, Ấn Độ đã cử 13 sư đoàn tới hỗ trợ công tác đảm bảo an ninh biên giới.
Còn tại khu vực tranh chấp Doklam giữa 3 nước Ấn Độ, Trung Quốc và Bhutan, New Delhi khẳng định có khả năng làm Bắc Kinh tổn thất gấp 9 lần.
“Tỷ lệ thương vong sẽ là 1:9 nếu chiến tranh nổ ra. Trung Quốc cần 9 binh sĩ để đánh đổi lấy một lính biên phòng Ấn Độ do chúng tôi đang có lợi thế tại các cao điểm”.
Ảnh: Reuters. |
"Nếu muốn tổ chức một cuộc đối thoại, cả hai nước sẽ đều phải rút quân khỏi khu vực tranh chấp", Bộ trưởng Swaraj tuyên bố, thêm rằng Ấn Độ không làm bất cứ điều gì bất hợp lý.
Báo VOV nhấn mạnh, từ lâu Trung Quốc muốn xâm nhập vào khu vực Nam Á-Ấn Độ Dương. Nhưng khu vực này trước đây khó tiếp cận đối với Trung Quốc, do khoảng cách địa lý lớn và yếu tố địa hình hiểm trở ở cao nguyên Tây Tạng. Cuối thập niên 1970, tiềm lực kinh tế và trình độ công nghệ của Trung Quốc vẫn còn thấp, điều này cũng góp phần cản trở không nhỏ vào tham vọng của chính quyền Bắc Kinh. Tuy nhiên, hiện tại, tình hình đã thay đổi theo hướng có lợi cho Trung Quốc.
[presscloud]152[/presscloud]
Báo An ninh thủ đô thông tin, đường biên giới dài khoảng 3.500km giữa Ấn Độ và Trung Quốc vốn chưa bao giờ bình yên kể từ khi nước này trở thành những quốc gia độc lập. Tranh chấp lãnh thổ là nguyên nhân dẫn tới những cuộc va chạm, đụng độ thường xuyên giữa hai nước mà nghiêm trọng nhất là cuộc chiến tranh biên giới cuối năm 1962 khiến khoảng 2.000 người của hai bên thiệt mạng.
Ngoài ra, trong thời gian gần đây, Trung Quốc đã kết thân với Pakistan - một nước láng giềng và đối thủ của Ấn Độ. Trung Quốc rất nhiệt tình giúp đỡ Pakistan xây dựng công nghiệp quốc phòng, phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo, hỗ trợ kinh tế Pakistan thông qua Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan. Điều này càng khiến cho nhiều chuyên gia quốc tế quan ngại những diễn biến khó lường giữa hai "siêu cường" ảnh hưởng tới tình hình ổn định trong khu vực châu Á.
(Tổng hợp)