(ĐSPL) - Thanh tra Chính phủ vừa tổ chức hội thảo lấy ý kiến xây dựng dự thảo Thông tư liên tịch quy định việc trích lập, quản lý và sử dụng quỹ khen thưởng về phòng, chống tham nhũng. Theo đó, những người đứng lên tố cáo đúng sẽ được tặng bằng khen và thưởng 20\% số tiền thu hồi được từ tham nhũng.
Tuy nhiên, bên cạnh các ý kiến cho rằng, đây là động thái mạnh để "đánh" vào "căn bệnh" tham nhũng thì không ít chuyên gia cho rằng, Thông tư này khó có hiệu quả cao. Bởi có không ít trường hợp, việc bảo vệ những "người hùng" dám đứng lên tố cáo tham nhũng chưa thực sự tốt. Có trường hợp, người tố cáo bị bầm dập, mất công việc, sự nghiệp, thậm chí là uy hiếp cả tính mạng khi nói lên sự thật.
Chống tham nhũng và “cái án” mất việc
Về các sự việc người tố cáo bị trù dập, cô lập sau khi phanh phui tham nhũng ở Việt Nam xảy ra trong thời gian qua hẳn nhiều người vẫn còn nhớ đến nữ dược sỹ làm việc ở phòng Giám định Y khoa (sở Y tế Bình Phước), Trần Thị Kiều Oanh (SN 1983).
Năm 2012, báo Đời sống và Pháp luật nhận được đơn thư của chị Oanh tố cáo tiêu cực tại phòng Giám định Y khoa (GĐYK), nơi chị đang công tác. Cụ thể, theo đơn tố cáo của nữ dược sỹ này, bác sỹ Đoàn Đức Loát, Trưởng phòng GĐYK, cùng một số nhân viên tại đây đã có hành vi nhũng nhiễu, nhận tiền từ người bệnh, thu chi tài chính sai nguyên tắc...
Có lẽ, khi người phụ nữ trẻ tuổi với dáng người nhỏ nhắn này đứng lên tố cấp trên tham nhũng khiến nhiều người vừa cảm phục, vừa lo lắng cho chị. Bởi, bất cứ ai cũng có thể nhìn thấy những rủi ro đang chờ đón chị Oanh. Sau đó, UBKT Đảng ủy khối cơ quan Dân chính Đảng đã kết luận, tố cáo của chị Oanh là đúng sự thật.
|
Việc bảo vệ những "người hùng" dám đứng lên tố cáo tham nhũng chưa thực sự tốt. |
Theo đó, bác sỹ Loát và một số nhân viên phòng GĐYK đã nhận tiền hối lộ của những người đến giám định tại phòng, để làm giả hồ sơ. Số tiền thu được, cả phòng ăn chia với nhau, riêng chị Oanh đã từ chối không nhận.
Trái lại, chị Oanh trực tiếp đứng ra tố cáo việc làm sai phạm trên. Ngoài ra, nữ dược sỹ còn tố ông Loát xin tiền từ các công ty cao su rồi bỏ túi riêng và chia chác cho một vài cá nhân; dùng tờ phiếu khám sức khỏe để kinh doanh, thu tiền trái quy định.
Đồng thời ông còn Loát lấy tiền ngân sách hàng trăm triệu đồng chia cho 16 nhân viên "cùng chiến tuyến". Song, khi những sai phạm, tham nhũng bị vỡ lở, chị Oanh phải đối diện với những hình thức "khủng bố" tinh thần.
Đầu tiên, người đàn bà này bị một y sỹ dùng ghế hành hung gây chấn thương đầu, rồi gã bảo vệ ở sở Y tế Bình Phước đánh chấn thương vai phải... Theo người phụ nữ tội nghiệp này, tất cả những hành vi đó nhằm "dằn mặt" ý chí đấu tranh với tham nhũng của chị.
Chưa dừng lại ở đó, sau khi được cả xã hội vinh danh, thay vì những cá nhân sai phạm tại phòng GĐYK phải bị xử lý, thì thật tréo ngoe, chính những người làm sai lại lợi dụng chức vụ, quyền hạn ra quyết định... đuổi việc người chống tiêu cực.
Chị Oanh bị sa thải. Điều mà nhiều người đã dự đoán được trước, những kẻ mà chị Oanh tố cáo lại chính là "sếp" sa thải chị. Hết lần này đến lần khác, các lãnh đạo của phòng GĐYK dùng đủ mọi cách để thông báo đuổi việc chị.
Nói chuyện với PV, chị Oanh vừa khóc, vừa kể: "Là những người đứng ra chống tiêu cực, phanh phui cái xấu, như ba đồng nghiệp ở bệnh viện Đa khoa Hoài Đức (Hà Nội), chúng tôi đang phải đối mặt với biết bao khốn khổ về vật chất, tinh thần, thể chất...".
|
Chị Nguyệt vẫn bàng hoàng về các màn "khủng bố" tinh thần khi tố cáo tiêu cực ở Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức (Hà Nội). |
Những "người dũng cảm" bị "khủng bố" khi phanh phui tiêu cực
Nói đến việc "người hùng" tố cáo tiêu cực, nhiều người sẽ nhắc ngay đến chị Hoàng Thị Nguyệt, bác sỹ tại bệnh viện Đa khoa Hoài Đức. Năm 2013, nhận được đơn tố cáo "nhân bản" xét nghiệm của người phụ nữ này, PV báo Đời sống và Pháp luật đã vào cuộc điều tra xác minh.
Phải đến khi vụ việc này được đưa ra tòa xét xử, "chị Nguyệt Hoài Đức" mới thở phào nhẹ nhõm. Bởi, trước đó, khi quyết định đứng lên phanh phui tham nhũng ở bệnh viện này, chị đã có 300 ngày đối mặt với sự trù dập của lãnh đạo bệnh viện và hàng trăm tin nhắn đe dọa, khủng bố tinh thần.
Trước đó, chỉ một ngày sau khi đơn tố cáo được gửi đến các cơ quan báo chí, thông tin đã đến tai lãnh đạo bệnh viện. Tiếp đó là những ngày tháng chị và hai đồng nghiệp khác quay cuồng trong "bão" dư luận, sức ép của lãnh đạo và sự đay nghiến của đồng nghiệp.
Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, bác sỹ Hoàng Thị Nguyệt cho biết, trong lúc đang chờ cơ quan chức năng xử lý vụ việc thì chị bị hơn 40 đồng nghiệp đứng ra tố cáo ngược.
Mặc dù chẳng ai nói ra nhưng, người phụ nữ này biết, đó là màn "khủng bố" tinh thần của lãnh đạo bệnh viện. Họ tạo sức ép để chị không dám theo đuổi vụ "nhân bản" nữa.
Hay trường hợp của thầy giáo Đỗ Việt Khoa, người "nổ phát súng" đầu tiên chống tiêu cực trong kỳ thi tốt nghiệp phổ thông năm 2006. Sự việc cán bộ coi thi trường THPT Phú Xuyên A (Hà Nội) bỏ vị trí, nhân viên phục vụ vào tận phòng phân phát bài giảng sẵn cho thí sinh bị thầy Khoa quay video đưa ra công luận khi đó quả thực là một "tiếng bom" đánh vào tiêu cực trong thi cử.
|
Người tố cáo tham nhũng còn được trích thưởng thêm 20\% phần trăm số tiền thu hồi được. |
Một năm sau đó, người đàn ông này tiếp tục tố cáo những hành vi vi phạm pháp luật của lãnh đạo trường THPT Vân Tảo (Thường Tín). Tuy nhiên, sở GD&ĐT Hà Tây (cũ) khi đó bao che, không xử lý khiến thầy Khoa bị trù dập, bôi bọ. Nhiều người vu cáo ông bị thần kinh. Thậm chí, những người bị tố cáo khi đó còn thuê các đối tượng giang hồ hành hung, cướp tài sản, cảnh cáo thầy Khoa không được can thiệp vào các sai phạm của nhà trường.
Thậm chí, khi đó, con gái lớn của thầy Khoa vừa học hết tiểu học nhưng bị một trường THCS từ chối nhận với cái "tội": "Bố mày dám chống tiêu cực"!?
Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật về vấn đề này, luật sư Nguyễn Huy An (đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, Luật Khiếu nại, tố cáo, Luật Phòng chống tham nhũng đã có, nhưng hiện vẫn còn thiếu những quy định cụ thể.
Chẳng hạn như, người tố cáo tham nhũng, tiêu cực sẽ được bảo vệ như thế nào, ai sẽ đứng ra chịu trách nhiệm bảo vệ. Đây là điều chưa được phân công, quy định rõ.
"Theo tôi, muốn chống tham nhũng hiệu quả, trước hết phải bảo vệ cho bằng được người tố cáo, đồng thời trừng trị nghiêm những kẻ có hành vi trả thù, trù dập người tố cáo tiêu cực. Có quốc gia, nếu có bằng chứng tương đối cụ thể về người bị tố cáo tham nhũng thì họ sẽ thực hiện biện pháp cách ly ra khỏi xã hội. Việc làm này để người bị tố cáo không có điều kiện liên hệ với những người khác, không còn điều kiện để trả thù người tố cáo", luật sư An dẫn chứng.
Số tiền thưởng có thể lên tới 10 tỉ đồng
Theo dự thảo Thông tư liên tịch quy định việc trích lập, quản lý và sử dụng quỹ khen thưởng về phòng, chống tham nhũng của Thanh tra Chính phủ (TTCP), có ba hình thức khen thưởng gồm: Bằng khen của Tổng TTCP; bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và Huân chương Dũng cảm.
Về mức thưởng, đối với người nhận bằng khen của Tổng TTCP là 30 lần lương tối thiểu; người nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ là 60 lần lương tối thiểu và người nhận Huân chương Dũng cảm là 90 lần lương tối thiểu.
Đặc biệt, với người nhận Huân chương Dũng cảm trong tố cáo tham nhũng còn được trích thưởng thêm 20\% phần trăm số tiền thu hồi được (trong vụ việc mình tố cáo - PV), tức số tiền có thể lên tới hàng tỉ đồng nhưng không vượt quá 10 tỉ đồng.
Dự kiến, dự thảo này sẽ được trình và xem xét thông qua vào quý II-2014.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/to-cao-tham-nhung-thuong-cao-khong-bang-bao-ve-tot-a30040.html