Một trường hợp khá hi hữu xảy ra ở tỉnh Cà Mau, khi người con trai không sống chung, không phụng dưỡng cha ruột bị bệnh tâm thần hơn 40 năm bất ngờ quay lại giành quyền nuôi cha với chú ruột.
Hơn 40 năm nuôi anh bệnh tâm thần
Phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ tranh chấp quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha vừa diễn ra tại TAND tỉnh Cà Mau có lẽ sẽ không có gì đặc biệt nếu không có “tình tiết” ông Nguyễn Văn Phúc (SN 1951) mang đầy bệnh tật và được Nhà nước trợ cấp hàng tháng các chế độ hơn 8,4 triệu đồng. Ông Nguyễn Văn Phúc là thương binh 2/4, bị nhiễm chất độc hóa học, mang trong mình bệnh thần kinh do ảnh hưởng của vết thương khi còn trong quân ngũ.
Phía bị đơn là ông Nguyễn Văn Quốc (SN 1962, em trai ông Phúc, ngụ xã Tân Đức, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) cho rằng, từ khi biết cha được trợ cấp số tiền lớn hàng tháng, Nguyễn Văn Sáng (SN 1977, con trai của ông Phúc, ngụ xã Định Thành, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu) mới kiện ra tòa đòi lại quyền nuôi dưỡng chứ thật sự không yêu thương gì cha mình.
Trong khi đó, lý do phía nguyên đơn là Sáng đưa ra là mong muốn đón cha về để “thực hiện hết trách nhiệm của một người làm con, bởi chữ hiếu phải đặt lên hàng đầu”... Phiên xét xử phúc thẩm được mở do có đơn kháng cáo của nguyên đơn.
Ông Phúc được vợ chồng ông Quốc nuôi dưỡng, chăm sóc hơn 40 năm nay. |
Theo trình bày của ông Nguyễn Văn Quốc, vào năm 1977, mẹ ông tổ chức cưới vợ cho anh trai ông là Nguyễn Văn Phúc. Trong thời gian sinh sống, ông Phúc bị bệnh thần kinh, không kiểm soát được hành vi nên thường xuyên đánh đập vợ là bà Trần Mỹ Lệ. Từ đó, 2 người sống ly thân cho đến nay.
Ông Quốc cho hay: “Năm 1995, khi má mất, vợ chồng tôi vẫn hết lòng chăm sóc anh trai như lời má căn dặn: “Phải nuôi anh Phúc suốt đời, anh con có chết sau má thì con chôn gần má”. Thời điểm này gia đình tôi lâm vào cảnh khó khăn về kinh tế, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc nhưng nhớ lời má dặn nên vợ chồng cố gắng lo thuốc thang trị bệnh cho anh Phúc. Để có tiền chữa trị, gia đình tôi phải đi vay tiền hàng xóm đến khi không thể trả nổi thì đành phải bán đất trả nợ”.
Cũng theo ông Quốc, khi Sáng cưới vợ, gia đình ông có đề nghị Sáng đón cha về nuôi, nhưng họ không đồng ý. Ngày 1/4/2009, gia đình mới mở cuộc họp thân tộc để bàn về việc nuôi dưỡng ông Phúc, nhưng mẹ con anh Sáng không đến dự. Chính vì lẽ đó, cả thân tộc bên nội, bên ngoại đều quyết định để vợ chồng ông Quốc nuôi dưỡng, chăm sóc ông Phúc.
Đến năm 2015, ông Phúc có thêm chế độ nhiễm chất độc hóa học, cộng với trợ chấp thương binh 2/4 thì mỗi tháng nhận được hơn 8,4 triệu đồng. Từ đó mới xảy ra chuyện tranh chấp quyền nuôi dưỡng ông Phúc.
Ông Quốc nói: “Hai anh em đã gắn bó nhau hơn 40 năm. Mấy mươi năm qua, vợ chồng tôi vẫn lo chu toàn cho anh Phúc. Dù là em dâu nhưng khi anh Phúc bệnh nặng, đi lại và sinh hoạt khó khăn, vợ tôi vẫn hết mực chăm sóc”.
Giành quyền nuôi cha vì chữ... hiếu?
Tại phiên tòa cuối tháng 11/2018, sau những lần hòa giải bất thành, HĐXX TAND huyện Đầm Dơi (tỉnh Cà Mau) đã bác đơn yêu cầu của anh Sáng về việc yêu cầu nuôi dưỡng ông Phúc.
HĐXX nhận định, tại kết luận giám định số 3749/C09B ngày 08/10/2018 của phân viện Khoa học Hình sự tại TP.HCM xác định ông Nguyễn Văn Phúc là cha ruột anh Nguyễn Văn Sáng. Sau khi ông Phúc có biểu hiện tâm thần, bà Lệ là vợ ông Phúc đã sống ly thân với ông cho đến nay. Ông Phúc ở chung với vợ chồng ông Quốc. Hiện tại, ông Phúc đã hơn 60 tuổi, sức khỏe yếu, thường xuyên bị bệnh nên việc anh Sáng yêu cầu được nuôi cha mình là hợp lý theo quy định tại khoản 2, Điều 71, luật Hôn nhân & Gia đình.
Giấy chứng nhận thương binh 2/4 của ông Phúc. |
Cả anh Sáng và vợ chồng ông Quốc đều có đủ điều kiện để nuôi dưỡng ông Phúc. Tuy nhiên, như anh Sáng thừa nhận, hơn 40 năm nay việc nuôi dưỡng một người bị bệnh tật như ông Phúc là rất khó khăn, không chỉ về kinh tế mà còn tác động tiêu cực đến tinh thần của người nuôi dưỡng, nhưng vợ chồng ông Quốc vẫn thực hiện tốt.
Điều đó cho thấy, vợ chồng ông Quốc nuôi dưỡng ông Phúc không chỉ là trách nhiệm mà còn vì tình yêu thương một cách tự nhiên, gắn bó lớn dần theo thời gian. “Do đó, việc thay đổi thói quen sống, sinh hoạt, điều kiện chăm sóc ông Phúc là không cần thiết, dễ gây chấn động về tâm lý, đặc biệt là trong điều kiện ông Phúc đang bị bệnh tật như hiện nay”, quan điểm của tòa nêu rõ.
Cũng theo TAND huyện Đầm Dơi, bà Trần Mỹ Lệ (mẹ anh Sáng) đã sống ly thân với ông Phúc hơn 40 năm nay, đã không còn thương yêu ông Phúc. Trường hợp về sống chung với bà chưa chắc đã mang lại hệ quả tốt. Trong khi nếu muốn báo hiếu cho ông Phúc như lời anh Sáng thì anh cũng có thể lựa chọn phương án cùng với vợ chồng ông Quốc chăm sóc cha mình. Do vậy, yêu cầu của anh Sáng được nuôi dưỡng, chăm sóc ông Phúc không được tòa chấp nhận...
Trước phán quyết của tòa án cấp sơ thẩm, anh Sáng và gia đình không chịu “nhún nhường” mà làm đơn kháng cáo. Trong đơn kháng cáo, anh Sáng cho rằng gia đình ông Quốc nhiều lần ngăn cản anh thăm nom, chăm sóc và nuôi dưỡng cha. Anh Sáng cũng khẳng định, mục đích anh muốn đem cha về nuôi dưỡng không phải vì tiền mà là vì chữ hiếu.
Ngày 28/3/2019, TAND tỉnh Cà Mau mở phiên phúc thẩm xem xét kháng cáo này của anh Sáng. Trong phiên tòa này, HĐXX cấp phúc thẩm đã tuyên anh Sáng được quyền nuôi dưỡng ông Phúc. Phán quyết trên đã gây ra bức xúc rất lớn cho gia đình ông Quốc.
Chị Nguyễn Thị Trang (cháu ruột và là người đại diện cho ông Quốc), chia sẻ: “Từ trước đến nay tình cảm của Sáng và cha mình không có gì gắn bó. Những lúc chú Phúc bệnh nặng, mẹ con Sáng không nuôi dưỡng được ngày nào; cũng không lui tới thăm hỏi, chăm sóc. Điều chúng tôi lo lắng nhất là Sáng không đủ yêu thương để chăm sóc cho người cha không sống chung mấy chục năm, lại đang bệnh tật. Gia đình sẽ tiếp tục theo đuổi vụ kiện này để đòi lại quyền nuôi dưỡng chú Phúc”.