+Aa-
    Zalo

    Tình hình biển Đông: Chính sách hỗ trợ ngư dân bám biển

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Ngư dân ở huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi cũng như ngư dân các tỉnh miền Trung vẫn kiên cường vươn khơi bám ngư trường, góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo quê hương.

    Trước các hành động của Trung Quốc hung hăng phá hoại tàu cá của ngư dân Việt Nam, ngư dân ở huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi cũng như ngư dân các tỉnh miền Trung vẫn không nao núng, kiên cường vươn khơi bám ngư trường, góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo.

    Đằng sau tinh thần quả cảm đó, ngoài hiểm nguy, ngư dân đang phải đối mặt với không ít khó khăn đời thường về vốn, đầu ra cho thủy sản. Vì vậy, sự mong mỏi các chính sách thiết thực của Nhà nước để hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ càng cấp thiết hơn vào thời điểm này.

    Tình hình biển Đông: Chính sách hỗ trợ ngư dân bám biển
    Phát triển chính sách cho ngư dân hiện nay là một việc làm quan trọng và bức thiết

    Tại bến neo đậu tàu thuyền của huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, công trường ngổn ngang đã vài tháng. Công trình nâng cấp bến neo đậu tàu thuyền này đang tạm dừng vì thiếu vốn. Hiện bến tàu mới chỉ đáp ứng được một nửa nhu cầu trú bão của tàu Lý Sơn và các tỉnh miền Trung lân cận.

    Do bến quá chật chội, nên trong cơn bão số 10 và 11 năm qua, Lý Sơn có hơn 60 thuyền bị vỡ hỏng do va đập vào nhau. Tính chung, tổng thiệt hại này ước tính đến 11 tỷ đồng.

    Mùa mưa bão đang đến gần, việc ưu tiên vốn để hoàn thiện bến neo đậu tàu thuyền Lý Sơn đủ lớn là đòi hỏi cấp thiết lúc này. Không chỉ là trách nhiệm, điều đó còn thể hiện sự quan tâm chia sẻ của chính quyền các cấp với những ngư dân dũng cảm vươn khơi, góp phần bảo vệ chủ quyền đất nước.

    Cả huyện đảo Lý Sơn có một cơ sở sửa chữa tàu nhưng quy mô nhỏ nên chỉ sửa chữa lặt vặt, mỗi khi cần sửa chữa lớn, tàu thuyền của ngư dân đều phải vào các xưởng trong đất liền. Không chỉ có dịch vụ sửa chữa tàu, mà từ viên đá lạnh đến muối ướp cá hay những nhu yếu phẩm khác cho đánh bắt cá xa bờ đều phải vào tận đất liền mới mua được, chi phí xăng dầu đi lại là một khoản không nhỏ.

    Ông Nguyễn Quốc Chinh, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã An Hải, Lý Sơn, Quảng Ngãi, phát biểu: “Muốn giúp cho ngư dân và địa phương có thêm nguồn doanh thu thì cần phải tổ chức một dịch vụ hậu cần nghề cá, thành lập dịch vụ hậu cần nghề cá để cung ứng vật tư cho ngư dân và thu mua sản lượng cho ngư dân, tạo điều kiện cho ngư dân khỏi phải tốn phí đi lại các nơi khác bán.” 

    Lãnh đạo huyện đảo cho biết, đã có những nhà đầu tư đến tìm hiểu rồi lại ra đi, vì cơ sở hạ tầng tối thiểu đầu tiên là điện thì ở đây lại chưa có đủ, cả ngày chỉ có vài giờ đồng hồ là có điện chạy máy nổ với chi phí rất cao.

    “Chính quyền cũng đã rất kêu gọi các nhà đầu tư, đầu tư vào dịch vu hậu cần nghề cá. Nhưng lý do thứ nhất là thời điểm đó chưa có điện. Thứ hai là các ngư dân khi đi khai thác nếu muốn thấy dầu máy, hay các nguyên liệu thực phẩm thì đều phải vào đất liền. Lý do đó khiến dịch vụ hậu cần không được đảm bảo, không có xã hội hóa.” – bà Phạm Thị Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi cho biết.

    Tin vui cho Lý Sơn là theo kế hoạch, đến tháng 8 này điện lưới quốc gia sẽ được kéo ra đảo. Ngoài vấn đề điện, rất nhiều chính sách ưu đãi đầu tư sẽ cần được ban hành mới mong thu hút được các doanh nghiệp đầu tư vào hệ thống hậu cần dịch vụ nghề cá cho ngư dân.

    Để đóng một con tàu có khả năng đánh bắt xa bờ chi phí phải bỏ ra ít nhất là 2-3 tỷ đồng, số tiền vượt ra khỏi khả năng của hầu hết các ngư dân Lý Sơn. Bên cạnh vốn đóng tàu, ngư dân còn cần vốn lưu động cho mỗi chuyến đi biển để mua dầu mỡ, dụng cụ và thuê nhân công. Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi thừa nhận, thực trạng lượng vốn ngư dân vay được của ngân hàng rất hạn chế, do ngân hàng đòi hỏi tài sản thế chấp lớn mới cho vay.

    Những vướng mắc như tài sản thế chấp như thế này sẽ có khả năng được tháo gỡ khi chính sách hỗ trợ ngư dân được ban hành. Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, Ngân hàng Nhà nước đang cho xây dựng một chương trình 10 nghìn tỷ đồng cho vay ưu đãi, lãi suất 5\% trong 10 năm để hỗ trợ ngư dân đóng tàu vỏ théo vươn khơi xa. Đó là chương trình nằm trong dự thảo Nghị định Phát triển ngành thủy sản vừa được Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ ngành xây dựng.

    Tình hình biển Đông: Chính sách hỗ trợ ngư dân bám biển
    "Một trong những điều kiện quan trọng là ngư dân có thể lấy chính con tàu làm tài sản thế chấp."

    Theo ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, “Chính sách này phải hướng tới hỗ trợ cho bà con ngư dân trong thời gian đóng tàu để không phải trả lãi,  có thời gian lãi suất thấp, và một trong những điều kiện quan trọng là có thể lấy chính con tàu là tài sản thế chấp.” 

    Ngân hàng Nhà nước cho biết, đã hoành thành dự thảo các chính sách hỗ trợ vay vốn này và đã chuyển cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đơn vị chủ trì xây dựng dự thảo Nghị định Phát triển ngành Thủy sản. Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khẳng định, Bộ đang hoàn thành dự thảo trên tinh thần khẩn trương để trình Chính phủ ngay trong tháng 5 này theo chỉ đạo của Thủ tướng.

    “Tinh thần làm Nghị định này chỉ trong một đôi tháng, để thấy được tinh thần khẩn trương, trách nhiệm của Chính phủ đối với bà con ngư dân.”, ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT cho biết.

    “Cố gắng bằng mọi giá không để ngư dân vay nặng lãi vươn khơi”, đó là chỉ đạo mới đây của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Những chính sách hỗ trợ cụ thể đang được xây dựng này nếu sớm được ban hành sẽ không chỉ góp phần phát triển ngành kinh tế biển mũi nhọn mà sẽ còn là sự động viên thiết thực, kịp thời đến các ngư dân kiên cường bám ngư trường bất chấp các hành động khiêu khích trên biển của Trung Quốc.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tinh-hinh-bien-dong-chinh-sach-ho-tro-ngu-dan-bam-bien-a34417.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan