Cựu đồng minh thân thiết của Nga bàn giao máy bay chiến đấu cho Ukraine
Avia.pro đưa tin, động thái trên xảy ra trong bối cảnh lực lượng Không quân Ukraine đang thiếu hụt nghiêm trọng máy bay chiến đấu và điều khá đáng chú ý là máy bay cường kích Su-25 được cho là đã ngừng hoạt động cách đây 18 năm.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia Ukraine nhận được các máy bay chiến đấu đã được bảo dưỡng đầy đủ và sẵn sàng chiến đấu.
Được biết, những chiếc máy bay này đã được một đồng minh cũ của Nga là Bắc Macedonia bàn giao cho Không quân Ukraine, lực lượng trước đó đã được Moscow hỗ trợ tích cực trong cuộc khủng hoảng chính trị.
Theo truyền thông Bắc Macedonian, Skopje bàn giao cho Kiev 4 chiếc cường kích Su-25 mua ở Ukraine năm 2001 và đây cũng là toàn bộ số Su-25 còn lại của nước này.
Cũng theo một số báo cáo, máy bay cường kích Su-25 đã được bàn giao cho quân đội Ukraine cùng với đạn dược cho các máy bay chiến đấu này, tuy nhiên, số lượng của chúng tương đối ít.
Trước đó, Bộ Quốc phòng Bắc Macedonia đã bàn giao 31 xe tăng T-72 cho Lực lượng vũ trang Ukraine, một số chiếc đã được chuyển tới tay Kiev và sẵn sàng tham chiến.
Động thái đối phó khẩn cấp của Nga trước hỏa lực Ukraine tại Kherson
Trong thời gian qua, quân đội Ukraine đã liên tục sử dụng những vũ khí tầm xa do phương Tây viện trợ để tấn công vào các vị trí của lực lượng phòng thủ thân Nga ở khu vực Kherson.
Để đảm bảo an toàn cho binh sĩ và các phương tiện quân sự của lực lượng này, quân đội Nga được cho là đang khẩn trương tiến hành tìm thêm nhiều địa điểm có thể cải tạo thành các hầm ngầm và công sự trú ẩn tại thành phố Kherson.
Theo nguồn tin của giới chức tình báo quốc phòng Ukraine, các kỹ sư công binh của Nga đã tiến hành kiểm tra nhiều hầm ngầm tại Kherson và đang nghiên cứu khả năng hoán cải chúng thành nơi trú ẩn cho lực lượng phòng thủ tại thành phố này. Một căn hầm bên dưới nhà máy bông ở Kherson được cho là đã được chọn khi có diện tích đủ rộng để chứa được hơn 40 phương tiện cơ giới khác nhau.
Bên cạnh đó, những vị trí nằm sâu bên trong tuyến phòng thủ của quân đội Nga và vượt ra khỏi tầm bắn của hỏa lực Ukraine cũng đang được tìm kiếm để xây dựng các công sự mới.
Trong thời gian qua, khi quân đội Ukraine nỗ lực tiến hành kế hoạch phản công nhằm nhanh chóng giành lại vùng lãnh thổ phía Nam, nhiều vũ khí hạng nặng với uy lực rất lớn đã được phương Tây chuyển giao cho lực lượng này.
Nga giải thích lý do không sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine
Người đứng đầu phái đoàn của Moskva tham dự hội nghị đánh giá Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) của Liên hợp quốc tại New York, ông Andrey Belousov ngày 5/8 cho biết những cáo buộc về việc Nga đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại Ukraine là “không thể xác nhận và vô căn cứ”.
“Điều này là không thể vì các hướng dẫn học thuyết của Nga giới hạn nghiêm ngặt các tình huống khẩn cấp trong đó giả định có thể sử dụng vũ khí hạt nhân, cụ thể là đối phó với hành động gây hấn liên quan đến vũ khí hủy diệt hàng loạt, hoặc đối phó với hành động gây hấn liên quan đến vũ khí thông thường, nơi mà sự tồn vong của quốc gia bị đe doạ”, đài RT dẫn lời giải thích của ông Belousov.
Quan chức này tuyên bố: “Không có kịch bản giả định nào phù hợp với tình hình ở Ukraine”.
Nhà ngoại giao Nga cũng bác bỏ những lời bóng gió về việc Moskva đặt lệnh răn đe hạt nhân ở trạng thái “cảnh giác cao độ”, giải thích rằng tình trạng “tăng cường cảnh giác” hiện nay, với các nhân sự bổ sung làm nhiệm vụ tại các sở chỉ huy chiến lược, là “hoàn toàn khác” so với “tình trạng thực tế cảnh giác cao độ của các lực lượng hạt nhân chiến lược”.
Mặc dù ông Belousov không nêu tên những người đưa ra cáo buộc Nga, nhưng phản ứng của ông được đưa ra sau khi phái đoàn Ukraine tham dự hội nghị NPT hôm 3/8 cáo buộc Moskva theo "chủ nghĩa khủng bố hạt nhân" và "công khai đe dọa thế giới bằng khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân", trích dẫn phát ngôn của “các phương tiện truyền thông, các tổ chức tư vấn và các chuyên gia Nga”.
Bích Thảo(T/h)