LHQ kêu gọi các nước không công nhận việc Nga sáp nhập 4 tỉnh Ukraine
Theo Reuters, tại New York (Mỹ), 3/4 trong số 193 thành viên của Đại hội đồng - 143 quốc gia - bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết gọi hành động sáp nhập các vùng Ukraine của Moskva là bất hợp pháp.
Vào tháng 9, Moskva tuyên bố sáp nhập 4 vùng Ukraine mà Nga kiểm soát một phần trong chiến dịch quân sự, bao gồm Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporizhzhia. Động thái được thực hiện sau khi các khu vực tổ chức trưng cầu dân ý về việc gia nhập Nga. Tuy nhiên, Ukraine và các nước phương Tây lên án cuộc bỏ phiếu là bất hợp pháp và mang tính ép buộc.
Cuộc bỏ phiếu của Đại hội đồng Liên hợp quốc diễn ra sau khi Nga từng phủ quyết một nghị quyết tương tự được đưa ra trong Hội đồng Bảo an.
Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vassily Nebenzia nói trước Đại hội đồng rằng, nghị quyết "bị chính trị hóa và thể hiện sự công khai khiêu khích", đồng thời nói thêm rằng nó "có thể phá hủy tất cả các nỗ lực ủng hộ một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng”.
Các động thái tại Liên hợp quốc tương tự những gì đã xảy ra vào năm 2014 sau khi Nga sáp nhập Crimea. Theo Reuters, Mỹ và các nước phương Tây khác đã vận động hành lang trước cuộc bỏ phiếu hôm 12/10. Họ đã giành được nhiều hơn hàng chục phiếu bầu so với kết quả năm 2014.
Chính phủ Séc thông qua kế hoạch hỗ trợ Ukraine tái thiết trong 3 năm tới
Theo kế hoạch do Bộ Ngoại giao và Bộ Công thương Séc đề xuất được Chính phủ thông qua ngày 12/10, từ năm 2023-2025, Cộng hòa Séc sẽ trao 500 triệu Korun mỗi năm (tương đương 20 triệu USD) để viện trợ nhân đạo, ổn định, tái thiết và phát triển kinh tế cho Ukraine. Việc điều phối viên hỗ trợ nhân đạo, ổn định và tái thiết sẽ do Bộ Ngoại giao thực hiện.
Trong khi đó, hỗ trợ kinh tế cho Ukraine sẽ do Bộ Công Thương chịu trách nhiệm. Bộ trưởng Ngoại giao Séc Jan Lipavsky cho biết, các khoản chi theo kế hoạch đã được đưa vào ngân sách của Bộ Ngoại giao.
Phần lớn số tiền này sẽ được tiếp tục sử dụng theo chương trình hỗ trợ trong năm nay và tiếp nối từ các hoạt động ổn định và chuyển đổi lâu dài của Séc ở Ukraine. Một phần sẽ hỗ trợ vào sự tham gia của các công ty Séc trong công cuộc tái thiết Ukraine.
Cụ thể, mỗi năm sẽ có khoảng 16 triệu USD được chuyển từ chương trình để hỗ trợ nhân đạo, ổn định và tái thiết cho Ukraine. Phần còn lại sẽ được chi cho sự tham gia của các công ty trong việc khôi phục đất nước, chương trình sẽ sử dụng các công cụ hỗ trợ xuất khẩu hiện có.
Theo Bộ Ngoại giao Séc, Ukaine và cộng đồng quốc tế đang chuẩn bị các điều kiện để tái thiết sau chiến tranh, điều này cũng sẽ giúp đất nước hiện đại hóa và hội tụ với các tiêu chuẩn của Liên minh châu Âu. Kế hoạch tái thiết đã được xác nhận tại hội nghị tháng 7 ở Lugano cùng với các nguyên tắc cơ bản của việc tái thiết. Đồng thời, Ukraine kêu gọi các đồng minh chuẩn bị kế hoạch tái thiết quốc gia và phối hợp các nhà tài trợ của Ukraine.
Minh Hạnh (T/h)