Không nhất thiết phải test COVID-19 thường xuyên cho mọi trẻ sơ sinh
Ngày 28/3, Bộ Y tế ban hành hướng dẫn chăm sóc, quản lý tại nhà đối với phụ nữ có thai, bà mẹ cho con bú và trẻ sơ sinh mắc COVID-19.
Theo đó, tiêu chí đối với phụ nữ có thai, bà mẹ cho con bú và trẻ sơ sinh mắc COVID-19 được chăm sóc tại nhà được áp dụng các tiêu chí theo quy định tại Mục 2 của "Hướng dẫn quản lý tại nhà đối với người mắc COVID-19", và một số yêu cầu đặc thù.
Đáng lưu ý, với trẻ sơ sinh, theo hướng dẫn này, không nhất thiết phải làm xét nghiệm COVID-19 thường xuyên cho tất cả trẻ sơ sinh, kể cả khi người chăm sóc trẻ mắc COVID-19.
Trong trường hợp cả bà mẹ và trẻ sơ sinh đều được xác định mắc COVID-19, cần duy trì cho trẻ bú mẹ. Nếu trẻ ngạt mũi khó bú, vệ sinh mũi cho trẻ trước khi cho bú. Nếu trẻ không bú được, vắt sữa mẹ cho trẻ ăn bằng cốc và thìa.
Nếu chỉ có bà mẹ được xác định mắc COVID-19, cần tư vấn cho bà mẹ và gia đình cân nhắc giữa lợi ích của việc cho trẻ bú mẹ và nguy cơ trẻ sơ sinh có thể mắc COVID-19.
TP.HCM chuẩn bị tiêm vaccine COVID-19 cho 900.000 trẻ từ 5-11 tuổi
Chiều 28/3, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết, Bộ Y tế vừa có văn bản 1535 yêu cầu Sở Y tế các tỉnh thành phố, phối hợp với Sở GD&ĐT địa phương rà soát, lập danh sách trẻ từ 5-11 tuổi trên địa bàn, chuẩn bị công tác tiêm chủng, triển khai tiêm chủng ngay khi được phân bổ vaccine.
Tại TP.HCM, ngành y tế đã lập danh sách 900.0000 trẻ em trong độ tuổi từ 5-11 tuổi, trong đó 12.000 trẻ chưa đi học, không đi học.
Ông Tâm cho biết, đến thời điểm hiện tại mọi công tác chuẩn bị tiêm chủng cho trẻ em của thành phố đã hoàn thành như tập huấn nhập liệu, khám sàng lọc, tập huấn tiêm, lập danh sách, chuẩn bị điểm tiêm... "Chờ hướng dẫn của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và khi vaccine được phân bổ về thành phố sẽ triển khai tiêm ngay cho trẻ”, ông Tâm nói.
Ngoài điểm tiêm ở các trường học, thành phố sẽ có các điểm tiêm lưu động. Khi tiêm chủng, cha mẹ hoặc người giám hộ cho trẻ phải ký giấy đồng ý tiêm cho trẻ em.
Bắc Ninh cho vũ trường, quán bar, karaoke hoạt động trở lại từ 29/3
Bắt đầu từ 0h ngày 29/3, UBND tỉnh Bắc Ninh cho phép hoạt động trở lại trong trạng thái bình thường mới đối với các dịch vụ có điều kiện (karaoke, quán bar, vũ trường, massage); các dịch vụ ăn uống; các hoạt động thể dục thể thao; các di tích văn hóa, lịch sử, điểm du lịch; các sự kiện văn hóa.
Bên cạnh đó, việc tổ chức đám cưới, đám tang; hội họp, giao lưu, gặp mặt; các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, thờ tự... thì các tổ chức, cá nhân cân nhắc về số lượng người tham gia để đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Đồng thời tỉnh Bắc Ninh yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các địa phương thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định. Các đơn vị tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định phòng, chống dịch COVID-19, kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định trong công tác phòng, chống dịch.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Ninh, từ 6h ngày 27/3 đến 6h ngày 28/3, tỉnh ghi nhận 1.097 ca mắc COVID-19, trong đó có 917 ca mắc trong cộng đồng và 180 ca đã cách ly, giảm 319 ca so với ngày trước đó.
Như vậy, từ ngày 4/10/2021 đến nay, Bắc Ninh ghi nhận 325.733 ca mắc COVID-19.
Việt Hương (T/h)