Lào Cai: Hai cán bộ Công an huyện Bát Xát hiến máu kịp thời cứu người bệnh
Theo Đại đoàn kết, ngày 15/8, Công an tỉnh Phú Thọ thông tin, 2 cán bộ Công an huyện Bát Xát vừa kịp thời có mặt tại Bệnh viện đa khoa huyện Bát Xát để hiến máu, cứu sống bệnh nhân có nhóm máu O.
Trước đó, sáng 14/8, bệnh nhân Trần Thị La, sinh năm 1973, trú tại thị trấn Bát Xát, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai điều trị tại Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện đa khoa huyện Bát Xát bị thiếu máu rất nặng do bị đứt tĩnh mạch cảnh. Bệnh nhân cần truyền máu gấp (nhóm máu O), trong khi nguồn máu tại bệnh viện thời điểm đó rất khan hiếm, nguy cơ đe dọa an toàn tính mạng bệnh nhân.
Ngay khi nhận được thông tin, lãnh đạo Công an huyện Bát Xát đã kêu gọi cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị tích cực hiến máu cứu người.
Ngay khi biết tin, đồng chí Thượng úy Đặng Minh Khải, Cán bộ Đội Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, và Thượng úy Hà Mạnh Dũng, Cán bộ Công an xã Tòng Sành, huyện Bát Xát (có cùng nhóm máu với bệnh nhân) đã báo cáo lãnh đạo đơn vị, nhanh chóng đến Bệnh viện đa khoa huyện Bát Xát đăng ký, làm thủ tục và hiến đủ số lượng máu cần thiết để phục vụ cứu chữa cho bệnh nhân Trần Thị La.
Sau khi được truyền máu đủ và kịp thời, bệnh nhân La đã bước đầu qua cơn nguy kịch.
Đề xuất cải tạo miệng núi lửa chứa nước sinh hoạt cho đảo Lý Sơn
Theo Sức khỏe & Đời sống, UBND huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi) đang trình Dự án nâng cấp, sửa chữa Hồ chứa nước (miệng núi lửa) Thới Lới nhằm tăng dung tích trữ nước, cấp nước, hạn chế tình trạng khai thác nước ngầm.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Quảng Ngãi cho biết, trước tình trạng sụt giảm nguồn nước ngầm vào mùa nắng nóng, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt cũng như sản xuất của người dân huyện đảo Lý Sơn, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh nghiên cứu phương án thu gom nước mặt để cấp nước ổn định cho huyện đảo Lý Sơn.
Từ năm 2012, huyện đã tận dụng miệng núi lửa Thới Lới (dung tích 270.000m3) làm hồ chứa dự trữ nước, nhưng chỉ đủ tưới cho 60ha đất nông nghiệp. Việc khai thác nước ngầm từ các giếng khoan đã bắt đầu nhiễm mặn và làm suy thoái nghiêm trọng nguồn nước ngầm. Để đảm bảo nguồn nước ổn định lâu dài trên đảo, Ủy ban nhân dân huyện đã có Tờ trình gửi Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí để thực hiện Dự án nâng cấp, sửa chữa Hồ chứa nước (miệng núi lửa) Thới Lới nhằm tăng dung tích trữ nước, cấp nước, hạn chế tình trạng khai thác nước ngầm.
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ngãi, qua nghiên cứu, kiến nghị nâng cấp, mở rộng Hồ chứa nước Thới Lới theo đề xuất của huyện Lý Sơn là không khả thi, vì dung tích chứa của hồ sau nâng cấp không tăng lên đáng kể. Sở đã đề xuất phương án cải tạo Hồ chứa nước Thới Lới để trữ và chỉ dành cho việc cấp nước sinh hoạt trên huyện đảo thay vì cung cấp cho sản xuất nông nghiệp như hiện tại; đối với nước cho sản xuất nông nghiệp sẽ đầu tư hệ thống thu gom và bể chứa riêng.
Phương án thu gom, cấp nước tổng thể cho huyện Lý Sơn. Phương án thực hiện phải bám sát vào Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2045 và Đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 đô thị Lý Sơn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; đồng thời, khai thác, phát huy hiệu quả các công trình cấp nước, chứa nước hiện có trên huyện đảo. Để phát triển bền vững, việc đảm bảo nguồn nước cho sinh hoạt, sản xuất và phát triển du lịch bền vững ở huyện đảo ngày càng trở nên cần thiết.
Đề xuất hỗ trợ chi phí khám thai, sinh con để khuyến khích sinh
Theo Thanh niên, ngày 14/8, Sở Y tế cho biết đã có tờ trình UBND TP.HCM về phê duyệt Đề án các giải pháp tăng tổng tỷ suất sinh, quản lý sức khỏe phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh và trẻ em trên địa bàn TP.HCM giai đoạn từ nay đến năm 2030.
Đề án có 8 mục tiêu chính, trong đó có mục tiêu thứ hai là "phấn đấu thực hiện tăng tổng tỷ suất sinh nhằm giải quyết tình trạng mức sinh thấp của TP.HCM".
Theo Sở Y tế, TP.HCM đang trong nhóm 21 tỉnh, thành có tỷ lệ sinh thấp nhất cả nước (số con trung bình của một người phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ở TP.HCM là 1,32 con). Vì vậy, TP.HCM cần đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về dân số để có những giải pháp giải quyết tình trạng mức sinh thấp.
Cụ thể, đầu tiên là hỗ trợ toàn bộ chi phí cho phụ nữ mang thai khi tham gia chương trình sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh. Hỗ trợ toàn bộ kinh phí đồng chi trả (sau khi đã trừ chi phí được bảo hiểm y tế thanh toán) khi khám thai định kỳ và sinh con. Tiếp đến, quy hoạch, xây dựng các điểm trông, giữ trẻ, nhà mẫu giáo phù hợp với điều kiện của bà mẹ, nhất là các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu đô thị. Thí điểm các dịch vụ thân thiện với người lao động như điều chỉnh thời gian trông trẻ, hỗ trợ chi phí học bán trú ở cấp mầm non và tiểu học, nhân rộng phòng vắt và trữ sữa mẹ tại nơi làm việc...
Đảm bảo cung cấp đầy đủ dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ trẻ em tới mọi người dân. Tăng cường quản lý nhà nước đối với việc cung cấp các dịch vụ phá thai, cơ bản loại trừ phá thai không an toàn. Có cơ chế chính sách hỗ trợ điều trị vô sinh cho người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn...