Tin tức đời sống mới nhất ngày 7/9/2020. Cập nhật tin đời sống mới ngày 7/9/2020 trên trang Đời sống & Pháp luật.
Bé 6 tháng tuổi bị tụ máu não vì ngã khi tập đi
Bệnh nhi có ổ tụ máu ngoài màng cứng vùng thái dương - chẩm trái. (Ảnh: Zing) |
Vừa qua, bác sĩ Lý Lan Hương, Phòng khám Đa khoa Hùng Vương - Sơn Dương (Tuyên Quang) cho biết trên Zing, đã tiếp nhận bé trai 6 tháng tuổi bị sưng vùng đầu. Bệnh nhi đến khám sau một tuần bị ngã khi tập đi bằng xe tròn.
Khi chụp cắt lớp vi tính sọ não và siêu âm phần mềm vùng sưng, bác sĩ chẩn đoán bé trai có ổ tụ máu ngoài màng cứng vùng thái dương - chẩm trái. Bệnh nhi được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) điều trị.
Bác sĩ Lý Lan Hương khuyến cáo cha mẹ cần tìm hiểu độ tuổi phù hợp cho trẻ tập đi.
Thông thường, trẻ 3 tháng tuổi có thể giữ được cổ cứng. Tháng thứ 5-6, trẻ có thể lật và trườn, chưa bò. Khi đến tháng thứ 8, bé làm chủ được khả năng ngồi và dễ dàng chuyển sang tư thế khác.
Vì vậy, trẻ 6 tháng tuổi không nên tập đi, có thể gây tổn thương cột sống và dị tật ở nhiều xương khác. Theo quá trình phát triển sinh lý bình thường, đến 10 tháng tuổi, bé có thể dần biết đứng lên và đi.
Người đàn ông bị dị vật từ máy cắt cỏ đâm thủng ruột
Hình ảnh dị vật trên phim X-quang. (Ảnh: VTV) |
Các bác sĩ khoa Ngoại, bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thất (Hà Nội), vừa tiếp nhận bệnh nhân B.V.T. (55 tuổi, trú tại Tiến Xuân, Thạch Thất) trong tình trạng có vết thương vùng bụng, đau dữ dội.
Sau khi thăm khám, chụp X-quang và làm xét nghiệm, các bác sĩ phát hiện dị vật cứng, dài khoảng 3cm trong ổ bụng, gây thủng ruột non của bệnh nhân. Ông T. nhanh chóng được đưa lên phòng mổ cấp cứu, lấy dị vật ra khỏi ổ bụng và khâu lỗ thủng ruột.
Sau hơn một giờ phẫu thuật, các bác sĩ đã lấy ra miếng sắt dài 3,5 cm. Người đàn ông này được y bác sĩ khâu tổn thương, bảo tồn ruột và chuyển về khoa Ngoại điều trị.
Hiện sức khỏe của bệnh nhân ổn định. May mắn, ông T. đã đến bệnh viện kịp thời, không nguy hiểm tính mạng.
Các bác sĩ cho biết nhiều trường hợp do thiếu bảo hộ lao động để lại hậu quả khôn lường. Vì vậy, người dân cần sử dụng các thiết bị bảo hộ như mũ, kính, quần áo chuyên dụng, giày..., khi làm việc, tránh xảy ra tai nạn không mong muốn như trên. Những trường hợp bị tai nạn lao động cần đến ngay cơ sở y tế để khám và cấp cứu kịp thời.
Xổ thành công sán xơ mít dài 9m cho người đàn ông ở Quảng Nam
Trưa 6/9, bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) cho biết trên Infonet, vừa giúp xổ thành công một con sán xơ mít dài 9m cho nam bệnh nhân ở TP.Hội An.
Trước đó, hôm 4/9, ông L.V.D. (56 tuổi, trú phường Cẩm Châu, TP.Hội An) đến khoa Đông y của Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức để xổ sán.
Nam bệnh nhân cho biết, ông có dấu hiệu nhiễm sán khoảng 3 tháng gần đây với triệu chứng đi ngoài ra nhiều đốt sán. Tiền sử, ông rất thích ăn phở tái.
Nhờ một người quen giới thiệu, sau khi hết cách ly xã hội theo Chỉ thị 16, ông D. đã đến bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức để xổ sán. Tại đây, ông D. được khoa Đông y giúp xổ thành công một con sán xơ mít dài 9m ra ngoài. Hiện sức khỏe của ông D. đã ổn định.
Giữa tháng 5 vừa qua, bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức cũng từng xổ thành công 2 con sán xơ mít, mỗi con dài 8m cho 2 mẹ con bà P.T.Đ. (56 tuổi, trú TP.Đà Nẵng).
Được biết, trong vòng 3 năm qua, bệnh viện này đã xổ thành công hơn 70 trường hợp bị nhiễm sán.
Việt Hương (T/h)