Sức khỏe của bệnh nhân bị rắn hổ mang chúa cắn Phan Văn T. (38 tuổi, ngụ Tây Ninh) đã có nhiều chuyển biến. Sau 15 ngày liên tục hồi sức tích cực, bệnh nhân đã khỏe hơn, tự thở.
Ngoài điều trị bệnh, bác sĩ Hưng còn trấn an tâm lý, giúp bệnh nhân bớt căng thẳng. (Ảnh: VnExpress) |
Ngày 3/9, bác sĩ Nguyễn Quí Hưng, khoa Hồi sức cấp cứu, bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM cho biết trên Tri thức trực tuyến, tình hình sức khỏe của bệnh nhân T. bị rắn hổ mang chúa cắn có chuyển biến tích cực.
Hiện tại, bệnh nhân tự thở, chức năng tim, thận và phổi hồi phục. Bệnh nhân đã trải qua 4 lần cắt lọc các phần mô bị hoại tử. Những vết cắt lọc đã lên mô hạt. Các mô hoại tử ở phần bụng và đùi phải của người đàn ông này đã lành.
Hôm nay, các bác sĩ khoa Hồi sức cấp cứu sẽ chuyển bệnh nhân sang khoa Bệnh Nhiệt đới để tiếp tục theo dõi. Tuy nhiên, bệnh nhân phải trải qua nhiều lần ghép da để phục hồi các mô hoại tử ở phần bụng.
Sau khi ổn định sức khỏe, bệnh nhân T. cảm ơn đội ngũ y bác sĩ đã quan tâm giúp đỡ mình trong suốt thời gian qua.
Trước đó, VnExpess đưa tin, các bác sĩ từng tiên lượng tình trạng của bệnh nhân rất xấu, "không nói trước được điều gì" vì bị loại rắn có nọc cực độc cắn. Anh bị tổn thương thận, phải lọc máu liên tục, suy hô hấp cần thở máy. Tình trạng nhiễm trùng nặng, điều trị kháng sinh liên tục. Vết rắn cắn ở vùng đùi bẹn phải hoại tử diện tích 30x30 cm. Bệnh nhân được hồi sức tích cực, truyền 15 lọ huyết thanh kháng nọc độc, thay huyết tương hai lần... mới qua cơn nguy kịch.
Loại rắn cắn anh được xác định là hổ mang chúa, nặng gần 5kg, dài gần 3m. Đây là loài rắn độc nhất thế giới. Bệnh nhân bị cắn khi cố bắt rắn bằng tay không, ngày 19/8. Khi bị rắn cắn, anh vẫn nắm chặt đầu con vật vì muốn có tiền đóng học phí cho con, thậm chí còn mang theo vào bệnh viện đa khoa Tây Ninh cấp cứu. Thân rắn cuốn chặt tay bệnh nhân, các bác sĩ gỡ con vật ra mới tiếp cận được vết thương bệnh nhân.
Việt Hương (T/h)