Người đàn ông bất ngờ lả dần, liệt nửa người khi đang ăn cơm
Theo thông tin trên VietNamNet, nam bệnh nhân 54 tuổi đang ăn cơm, uống rượu thì bất ngờ lả dần, không nói được, liệt nửa người. Người bệnh được gia đình đưa vào Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) khoảng 1 giờ sau khi có dấu hiệu bất thường. Khi đến viện, ông đã trong tình trạng lơ mơ, gọi - hỏi không đáp ứng, liệt nửa người phải.
Người nhà cho biết ông có tiền sử tăng huyết áp, uống thuốc đều, huyết áp nền duy trì mức 130/80, kèm đái tháo đường. Bệnh nhân từng bị nhồi máu não cách đây 1 năm nhưng không uống thuốc dự phòng.
Tuy nhiên, khi vào viện, huyết áp của bệnh nhân xuống thấp so với nền bình thường, 90/60, da vùng cổ ngực hơi đỏ. Các bác sĩ nhận định đây là trường hợp đột quỵ não cấp kèm phản vệ nặng không rõ loại.
Bệnh nhân ngay lập tức được tiêm nửa ống Adrenalin bắp. Sau tiêm 5 phút, huyết áp người này tăng dần nhưng tình trạng ý thức và liệt không thay đổi. Bệnh nhân nhanh chóng được chuyển đi chụp cắt lớp vi tính (CT) sọ não.
Kết quả cho thấy có hình ảnh tổn thương cũ, không có chảy máu. Các bác sĩ chỉ định cho bệnh nhân sử dụng thuốc tiêu huyết khối khoảng 30 phút sau khi vào viện. Ngay sau khi sử dụng, bệnh nhân tỉnh dần, liệt không thay đổi. Sau 2 giờ, cơ lực đã lên 3/5. Sáng hôm sau, chức năng vận động ngôn ngữ của ông đã trở lại bình thường.
Bác sĩ CKI Lương Minh Tuấn - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương chia sẻ, trên nền một bệnh nhân có nhiều yếu tố nguy cơ đột quỵ, lại có thêm yếu tố phản vệ sẽ khiến huyết áp thấp, thúc đẩy đột quỵ. Bệnh nhân được đưa đi cấp cứu trong giờ vàng, xử trí nhanh và chính xác nên cứu được vùng não tổn thương, phục hồi tốt.
Cứu người đàn ông bị cột bê tông đổ, đè vào người, gây đa chấn thương
Báo Nhân Dân dẫn thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cho biết, các bác sĩ chuyên khoa của bệnh viện vừa cứu sống nam bệnh nhân N.V.K (52 tuổi, ở huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) trong tình trạng nguy kịch vì bị cột bê tông đổ, đè vào người, gây đa chấn thương.
Trước đó, bệnh nhân bị cột bê tông đổ, đè lên người khi đang lao động. Bệnh nhân bị chảy máu vùng lưng, đau nhiều, hoảng loạn, được người nhà đưa đến cơ sở y tế sơ cứu, rồi chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cấp cứu.
Tiếp nhận bệnh nhân trong tình trạng rất nguy kịch, sốc mất máu, da niêm mạc nhợt, nhịp thở nhanh, Sp02 không đo được, huyết áp tụt; các bác sĩ tại Trung tâm Cấp cứu Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa nhanh chóng hồi sức tích cực, dùng vận mạch liều cao ổn định huyết áp cho bệnh nhân, làm một số xét nghiệm lâm sàng.
Hội chẩn cấp cứu liên chuyên khoa nhận định: Bệnh nhân sốc đa chấn thương rất nặng, tổn thương nhiều cơ quan, chấn thương bụng kín, vỡ khung chậu, gãy xương cẳng chân phải, nguy cơ tử vong cao, khẩn trương mổ cấp cứu.
Ekip phẫu thuật tiến hành gây mê nội khí quản, mở ổ bụng bệnh nhân, phát hiện máu tươi lẫn máu cục trong ổ bụng, toàn bộ phúc mạc thành sau 2 bên tụ máu, đụng dập mạc treo trực tràng, đại tràng 2 bên, mạc treo ruột non cách góc hồi manh tràng 20cm rách lớn chảy máu, đụng dập đoạn ruột non tương ứng, qua ổ bụng sờ thấy khung chậu phải vỡ nhiều vị trí.
Sau 2 giờ xử trí, làm việc căng thẳng, các bác sĩ, nhân lực y tế thực hiện thành công ca phẫu thuật, cứu sống bệnh nhân. Tập thể khoa Gây mê hồi sức tiếp tục theo dõi chặt chẽ, hồi sức tích cực cho bệnh nhân, bảo đảm hô hấp, tuần hoàn, truyền máu, huyết tương, sử dụng thuốc điều chỉnh rối loạn đông máu…
Qua hai tuần được điều trị tích cực, chăm sóc đặc biệt, bệnh nhân đã hồi phục sức khỏe, được xuất viện. Bệnh nhân này là một trong những trường hợp chấn thương bụng kín rất nặng được cấp cứu thành công tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa.
Thanh niên 24 tuổi tử vong sau khi ăn trứng cóc
Theo báo Sức Khỏe & Đời Sống, chiều tối 2/10, khoa Hồi sức tích cực và Chống độc Bệnh viện hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới tiếp nhận nam bệnh nhân D.T.Đ (24 tuổi, trú tại xã mai Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) vào viện trong tình trạng đau bụng nhiều và buồn nôn sau khi ăn trứng cóc khoảng 30 phút.
Qua khai thác bệnh sử, các bác sĩ cho biết bệnh nhân đi bắt cóc về làm thịt và có ăn trứng, sau đó xuất hiện đau bụng và buồn nôn. Bệnh nhân được người nhà đưa vào viện trong tình trạng tỉnh táo, mệt mỏi toàn thân, đau đầu.
Các bác sĩ chẩn đoán, bệnh nhân bị ngộ độc Bufodienolid, Bufotoxin và một số chất khác do ăn trứng cóc. Các bác sĩ tiến hành rửa dạ dày, dùng than hoạt tính, atropin. Sau một giờ bệnh nhân xuất hiện rung thất, ngừng tuần hoàn. Mặc dù được cấp cứu ngừng tuần hoàn và đặt máy tạo nhịp nhưng bệnh nhân không hồi phục.
Bác sĩ Lê Hồng Nhân - Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực và chống độc cho biết, đây là trường hợp bệnh nhân nặng vì triệu chứng ngộ độc xuất hiện sớm ngay sau khi ăn. Nọc cóc hấp thu rất nhanh qua đường tiêu hóa dẫn đến tổn thương về thần kinh, tim mạch và tăng kali máu. Khi xuất hiện rung thất, hầu hết bệnh nhân bị tử vong.
Nhân đây, bác sĩ Nhân khuyến cáo cóc có thể gây độc toàn bộ vòng đời của nó, từ trứng, nòng nọc, cóc nhỏ đến cóc trưởng thành. Tuyến độc của cóc nằm bao phủ toàn bộ ở da và ở tuyến mang tai, nội tạng, trứng. Nhiễm độc toàn thân xảy ra khi ăn nội tạng và trứng, trẻ em liếm cóc, cầm cóc khi da tổn thương hay ngậm cóc vào miệng hoặc độc tố bắn vào mắt…
XEM THÊM: Tiếp nhận nhiều ca áp xe, hoại tử vành tai vì "sở thích" xỏ khuyên của giới trẻ
Ngộ độc nọc cóc tiên lượng rất nặng, nguy cơ tử vong rất cao. Vì vậy, tốt nhất là chỉ nên ăn thịt cóc đã chắc chắn chế biến đúng cách, tuyệt đối không ăn trứng, da, nội tạng của cóc. Khi có triệu chứng ngộ độc, nên chuyển ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời.
Đinh Kim(T/h)