Việt Nam lần đầu phẫu thuật ca u cơ mỡ mạch thận lan lên tim
VTC News đưa tin ngày 3/10, PGS.TS Đỗ Trường Thành - Trưởng khoa Phẫu thuật Tiết niệu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, bệnh viện vừa điều trị thành công cho nữ bệnh nhân H.T.H. (57 tuổi, Lạng Sơn) bị u cơ mỡ mạch thận lan lên đến tâm nhĩ phải (lan lên tim). Đây cũng là trường hợp đầu tiên tại Việt Nam mắc bệnh lý này và được điều trị thành công.
Trước đó, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau bụng thượng và được phát hiện 1 u ở thận phải và 1 khối u ở tâm nhĩ phải. Sau khi chuyển 2 bệnh viện tuyến trung ương nhưng không mổ được, người phụ nữ được chuyển đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán u cơ mỡ mạch thận phải xâm lấn tĩnh mạch chủ lan lên nhĩ phải. Các bác sĩ cắt bỏ thận phải, lấy toàn bộ u trong tĩnh mạch chủ và tổ chức u trong nhĩ phải.
Ca phẫu thuật kéo dài trong 4 tiếng, có sự phối hợp của các phẫu thuật viên tiết niệu và tim mạch. Trong quá trình phẫu thuật, người bệnh phải chạy (ECMO) tim phổi nhân tạo hỗ trợ. Trong đó, kíp tim mạch đã thực hiện phẫu thuật nội soi ít xâm lấn để người bệnh tránh phải mổ mở ngực giúp phục hồi nhanh hơn.
PGS.TS Đỗ Trường Thành nhận định, đây là ca bệnh hiếm gặp, nguy cơ tử vong cao do khối u đã chiếm gần hết nhĩ phải. Trên thế giới mới chỉ có 6 trường hợp khối u cơ mỡ mạch thận lan lên nhĩ phải, còn Việt Nam chưa có báo cáo nào về trường hợp bệnh này.
Hiện tại, bệnh nhân đã ổn định, rút dẫn lưu sau mổ 4 ngày, có thể tự vận động đi lại và dự kiến xuất viện sau 10 ngày phẫu thuật.
Điều trị cho người đàn ông có 90% nguy cơ phải cắt bỏ chi
Theo thông tin trên VTV News, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội vừa tiếp nhận bệnh nhân L.C.T. (nam, 63 tuổi), nhập viện trong tình trạng hai chân không thể tự di chuyển.
Qua khai thác thông tin từ người nhà được biết, bệnh nhân có tiền sử hút thuốc trong nhiều năm liền (từ khi còn rất trẻ). Bác sĩ thăm khám và tiên lượng ban đầu đến 90% cần phải cắt bỏ chi.
ThS.BSNT Nguyễn Anh Huy - Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho hay, bệnh nhân đau chân từ khoảng một tháng trước, nhưng 3 ngày trước khi vào viện, tình trạng đau tăng lên. Sau khi thăm khám, các bác sĩ nhận thấy lâm sàng của bệnh nhân có biểu hiện là thiếu máu chi bán cấp tính khá rõ ràng.
"Chúng tôi chỉ định thăm dò tim mạch, hô hấp, xét nghiệm máu và chụp mạch thấy bệnh nhân bị tắc hoàn toàn phần chậu, đùi, cẳng chân… nên quyết định mổ cấp cứu. Sau khi siêu âm, nghi ngờ đây là một huyết khối mới, lập tức hội chẩn và đã quyết định mổ với sự phối hợp của ekip can thiệp tim mạch và ngoại khoa", bác sĩ Huy nói.
Đây là ca bệnh có sự phối hợp đặc biệt giữa 2 kíp can thiệp và phẫu thuật, là xu hướng chung của thế giới trong thời gian hiện tại nhằm đạt được hiệu quả tối ưu cho bệnh nhân. Trước đây, người ta có thể sử dụng nhiều phương pháp khác (chỉ phẫu thuật hoặc can thiệp) nhưng tính hiệu quả sẽ khó đạt được bằng phương pháp phối hợp này.
Sau khi mổ xong thông mạch, sử dụng phương pháp Hybrid là phương pháp lai, các bác sĩ can thiệp sẽ chụp và bơm lên hiện hình cây mạch ngay trong phẫu thuật. Từ đó có thể tìm được chỗ tắc rồi tiến hành nong động mạch, xử lý luôn những chỗ hẹp mà dụng cụ sẽ khó tác động, rồi đặt stent cho hiệu quả tối đa.
Sau 3 ngày, bệnh nhân chuyển biến tốt, tiên lượng có thể giữ lại được chân. Hiện tại sau phẫu thuật, bệnh nhân đã có thể ngồi dậy và nói chuyện với mọi người xung quanh.
Qua trường hợp này, các bác sĩ khuyến cáo, người bệnh phải được quản lý tốt bằng việc thay đổi thói quen sinh hoạt: Không hút thuốc, nếu đã hút thì nên bỏ thuốc ngay.
Mọi người cũng cần được thăm khám định kỳ. Việc tập luyện thể thao nhiều với cường độ cao chưa hẳn tốt, mà cần có những bài tập theo tư vấn của bác sĩ, phù hợp với từng thể trạng.
Phẫu thuật lấy sỏi san hô trên nền thận dị tật móng ngựa
Báo Nhân Dân dẫn thông tin từ lãnh đạo Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết, các bác sĩ Khoa Ngoại Thận-Tiết niệu của bệnh viện vừa phẫu thuật thành công lấy sỏi san hô ra khỏi thận cho bệnh nhân N.V.Đ. (53 tuổi, trú tại phường Tự An, TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk).
Đây là ca phẫu thuật khó, đòi hỏi kỹ thuật và kinh nghiệm cao do bệnh nhân đã từng phẫu thuật trước đó 3 lần và tiền sử bệnh nhân mắc thận móng ngựa. Dị tật thận móng ngựa là một dị dạng hệ tiết niệu sinh dục rất hiếm gặp, khó chẩn đoán, đồng thời khi phẫu thuật dễ gặp các biến chứng.
Sau 3 ngày trải qua ca phẫu thuật tiên lượng nhiều rủi ro, hiện nay sức khỏe bệnh nhân N.V.Đ. đã hồi phục tốt và chuẩn bị được xuất viện.
“Vừa qua, các cơn đau tái phát, tôi lên Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên khám, kết quả chẩn đoán tôi mắc sỏi san hô, thận dị dạng móng ngựa. Các bác sĩ tư vấn trường hợp của tôi là ca phẫu thuật khó, quá trình mổ có thể xảy ra nhiều biến chứng, thậm chí có thể phải cắt bỏ cả 2 quả thận nên tôi rất lo lắng.
Rất may nhờ kinh nghiệm dày dặn và kỹ thuật tốt của ê-kíp bác sĩ mà ca phẫu thuật của tôi đã rất thành công, đến nay tôi đã hoàn toàn bình phục. Tôi rất cảm ơn đội ngũ bác sĩ của Bệnh viện”, bệnh nhân chia sẻ.
Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Hoàng - Trưởng khoa Ngoại Thận-Tiết niệu Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, thận hình móng ngựa là một dị tật bẩm sinh, gây bất thường về vị trí và cấu trúc của thận hiếm gặp. Đối với các bệnh nhân thận móng ngựa, thay vì thận ở hai bên cột sống và nằm riêng biệt với nhau, 2 thận trái và phải nối với nhau bởi một eo thận giả.
Bệnh nhân có thận móng ngựa có thể gây ra những biến chứng như gây tắc nghẽn đường tiểu, ứ nước thận, hình thành sỏi thận với tỷ lệ 20-60%, gây nhiễm trùng đường tiểu và thậm chí là ung thư thận.
Do bất thường về vị trí và hình dạng giải phẫu nên ở bệnh nhân bị thận móng ngựa sẽ tăng nguy cơ bị tổn thương thận khi bị chấn thương. Vì vậy, khi tiếp nhận bệnh nhân N.V.Đ., xác định bệnh nhân mắc sỏi san hô kích thước lớn lại bị thận móng ngựa, các bác sĩ đã rất trăn trở.
Thông thường, với một trường hợp phẫu thuật lấy sỏi san hô đã phức tạp, trường hợp này càng phức tạp hơn vì bệnh nhân từng phẫu thuật 3 lần, vết mổ chồng chéo. Bên cạnh đó, thận bệnh nhân còn dị tật móng ngựa, bất thường mạch máu làm cho độ khó của ca phẫu thuật tăng cao.
XEM THÊM: Đã có kết quả giải mã gene của trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ (Mpox) nội địa đầu tiên tại TP.HCM
Với mục tiêu lấy sỏi san hô ra khỏi thận nhưng phải giữ được thận cho bệnh nhân, không làm thận tổn thương, đồng thời giải quyết vấn đề hẹp niệu quản do 2 quả thận dính vào nhau chèn ép niệu quản, sau hơn 2 giờ tiến hành phẫu thuật, ca phẫu thuật đã thành công, các bác sĩ đã lấy toàn bộ sỏi trong thận của bệnh nhân, giải quyết phần bế tắc và quan trọng là đã giữ được nguyên vẹn quả thận cho bệnh nhân.
Đến nay, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định, dự kiến được xuất viện trong vài ngày tới. Đây cũng là trường hợp bệnh nhân đầu tiên mắc dị tật thận móng ngựa trên nền nhiều vết mổ cũ được phẫu thuật lấy sỏi san hô thành công đầu tiên tại bệnh viện.
Đinh Kim(T/h)