+Aa-
    Zalo

    Tiếp nhận nhiều ca áp xe, hoại tử vành tai vì "sở thích" xỏ khuyên của giới trẻ

    (ĐS&PL) - Thời gian gần đây, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương tiếp nhận nhiều ca cấp cứu nhiễm trùng, áp xe, thậm chí hoại tử vành tai do xỏ khuyên, bấm lỗ tai.

    Thông tin trên báo Người Lao Động, ngày 4/10, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương cho biết tại đây thường xuyên tiếp nhận những ca cấp cứu nhiễm trùng, áp xe, thậm chí hoại tử vành tai do xỏ khuyên, bấm lỗ tai. Điển hình là trường hợp nữ bệnh nhân P.T.K.L. (18 tuổi, ở Hà Nội).

    Tại bệnh viện, L. được chẩn đoán viêm sụn vành tai cả hai bên, áp xe sụn vành tai phải. Các bác sĩ đã tiến hành chích rạch dẫn lưu mủ, nạo sạch tổ chức viêm cho nữ bệnh nhân.

    dspl11

    Tai của bệnh nhân bị biến dạng do sở thích xâu nhiều khuyên tai. Ảnh: Người Lao Động

    Một trường hợp khác là nam bệnh nhân P.M.T. (23 tuổi, Hà Nội) cũng phải nhập viện với tình trạng đau nhức, sưng nóng đỏ ở vành tai phải, có lỗ rò mủ.

    Trước khi nhập viện 2 tuần, T. có xỏ khuyên tai bên phải. Sau khoảng 4 ngày, T. có biểu hiện sốt nhẹ, sưng đau vành tai phải. Bệnh nhân đã đi khám và điều trị tại cơ sở y tế nhưng không đỡ.

    Tại Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, nam bệnh nhân có chẩn đoán là áp xe sụn vành tai phải do xỏ khuyên tai.

    Các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật chích rạch dẫn lưu áp xe, nạo vét sụn hoại tử, khâu cố định và điều trị cho bệnh nhân.

    Hiện tại, tình trạng vành tai phải của T. đã ổn định, không còn mủ, còn sưng mô ít, vành tai bên tổn thương có biểu hiện biến dạng co rúm nhẹ so với bên lành.

    screenshot 2023 10 04 at 14 36 47 bam lo tai khien tai day mu hoai tu sun

    Bệnh nhân bị biến dạng tai do xỏ khuyên trên vành tai. Ảnh: Sức khỏe & Đời sống

    Báo Sức khỏe & Đời sống dẫn lời BSNT. Phạm Anh Tuấn – người trực tiếp điều trị cho bệnh: "Biến chứng thường gặp nhất sau khi bấm lỗ, xỏ khuyên tai là viêm sụn vành tai. Đây là một biến chứng nguy hiểm với những bạn trẻ thích xỏ lỗ trên vành tai do khuyên khi xỏ vào lớp sụn tai có nhiều khả năng bị nhiễm trùng và khó điều trị hơn nhiễm trùng ở các mô mềm như dái tai. Bên cạnh đó, nguy cơ nhiễm các bệnh lây qua đường máu (viêm gan siêu vi B, HIV…) cũng có thể xảy ra khi dụng cụ bấm lỗ tai không được xử lý theo đúng quy định".

    Điều trị viêm sụn, áp xe vành tai rất phức tạp do vi khuẩn gây viêm sụn phải dùng kháng sinh dài ngày, nạo vét sụn hoại tử dễ để lại di chứng. Một số trường hợp không tới bệnh viện kịp thời, sụn vành tai đã bị tiêu một phần.

    Bác sĩ Tuấn khuyến cáo khi có nhu cầu bấm lỗ tai, cần lựa chọn cơ sở uy tín và cân nhắc khi xỏ lỗ tai ở nhiều vị trí, nhất là vị trí khuyên đi qua sụn vành tai do dễ gây nguy cơ viêm sụn và các biến chứng do viêm sụn.

    Nguyễn Linh (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tiep-nhan-nhieu-ca-ap-xe-hoai-tu-vanh-tai-vi-so-thich-xo-khuyen-cua-gioi-tre-a593806.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan