Tin tức đời sống mới nhất ngày 30/4/2020. Cập nhật tin đời sống mới ngày 30/4/2020 trên trang Đời sống & Pháp luật.
Nhện sống trong ống tai người phụ nữ
Vô tình, phần bên trong lỗ tai của con người đã trở thành cái “tổ” lý tưởng. |
Con nhện được tìm thấy trong ống tai của người phụ nữ về hưu và đã sống ở đó ít nhất 1 tuần trước khi bà quyết định tìm kiếm sự giúp đỡ y tế tại bệnh viện y học cổ truyền Mianyang ở tỉnh Tứ Xuyên, phía Tây Nam Trung Quốc.
Chuyên gia tai mũi họng, bác sĩ Liu Jun cho biết một nữ bệnh nhân lớn tuổi (không rõ tên) đã đến phòng khám ngoại trú của bệnh viện cùng với con gái vào ngày 22/4 vừa rồi. Người phụ nữ đến từ thành phố Diêm Đình thuộc huyện Miên Dương đã phàn nàn rằng mình bị ù tai và thỉnh thoảng bị ngứa, sau đó là một “cơn đau nhói”.
Sau khi khám, bác sĩ phát hiện thấy một “quả bóng lụa” bên trong ống tai và khuyên bệnh nhân nên tiến hành soi tai. Kết quả soi sau đó cho thấy có một con nhện đang sống bên trong.
Bác sĩ Liu đã làm tê liệt con nhện bằng thuốc nhỏ tai hóa học và loại bỏ nó bằng nhíp chỉ sau 1 phút. Tai của bệnh nhân may mắn không bị nhện làm hỏng và đã được làm sạch bằng dung dịch muối.
Người phụ nữ cho biết con nhện có khả năng bò vào tai mình khi bà đang làm việc trên một vườn nho cách đây một tuần.
“Thật may mắn là con nhện nhỏ và không làm vỡ màng nhĩ, nếu không bà ấy có thể đã bị mất thính lực. Việc tìm thấy những con côn trùng nhỏ hoặc động vật bên trong tai thường không phổ biến nhưng đây cũng không phải là trường hợp cá biệt. Tôi đã từng điều trị cho một bệnh nhân bị côn trùng xâm chiếm và đẻ trứng trong tai.
Vệ sinh cá nhân là chìa khóa để ngăn chặn điều này. Nhưng nếu côn trùng xâm nhập vào tai bạn, đừng cố gắng tự mình loại bỏ nó. Hãy tìm đến bác sĩ”, bác sĩ Liu chia sẻ.
Năm ngoái, một nhà thiết kế web cũng đã rơi vào tình trạng tương tự khi bỗng dưng bị chóng mặt và đau tai không rõ lý do. Hóa ra, một con nhện đã chui vào trong tai của anh ta giữa đêm và làm tổ ở đó.
Bé trai hoại tử đùi do dùng thuốc đỏ sát trùng vết bỏng
May mắn, bệnh nhi đáp ứng rất tốt với phác đồ điều trị, khả năng phục hồi của vùng da bị tổn thương rất nhanh - Ảnh: BSCC |
Bệnh nhi H.Đ.D. (7 tuổi, ở xã Mỹ Thuận, huyện Tân Sơn, Phú Thọ) được đưa đến Trung tâm Sản Nhi, bệnh viện Đa khoa Phú Thọ, trong tình trạng hoại tử nặng vùng đùi và cẳng chân phải do bỏng nước sôi.
Trước đó, khi bé D. bị bỏng, gia đình không đưa đến viện mà tự mua một loại thuốc đỏ dạng dung dịch (chưa rõ loại thuốc) bôi trực tiếp lên vết thương theo hướng dẫn của một người quen. Sau 5 ngày điều trị, bé D. sốt cao 39 độ C, toàn bộ diện tích vết thương ở đùi và cẳng chân phồng rộp, chảy dịch vàng, mủ và xuất hiện mùi hôi khó chịu.
Tại Trung tâm Sản Nhi, qua thăm khám lâm sàng, các bác sĩ xác định vết thương do bỏng của trẻ đã hoại tử khá nặng, diện tích tổn thương khoảng 16%. Bệnh nhi ngay lập tức được điều trị bằng kháng sinh liều cao để khắc phục tình trạng nhiễm trùng, đồng thời bù dịch, cân bằng điện giải và thay băng cắt lọc vết thương.
ThS.BS Nguyễn Đức Lân - Trưởng khoa Ngoại Nhi Tổng hợp - chia sẻ tổn thương bỏng của bé D. nằm ở vị trí khoeo chân phải - vị trí có ảnh hưởng rất lớn đến khả năng gấp duỗi của gối. Nếu không được điều trị đúng và kịp thời có thể dẫn tới tình trạng co da, cứng khớp do sẹo, ảnh hưởng xấu đến khả năng vận động của trẻ.
May mắn, bệnh nhi đáp ứng rất tốt với phác đồ điều trị, khả năng phục hồi của vùng da bị tổn thương rất nhanh. Bệnh nhi không cần thực hiện các can thiệp phẫu thuật vá da, ghép da dù mức độ tổn thương khá nặng. Trong quá trình điều trị, ngoài sử dụng thuốc, bệnh nhi còn được các điều dưỡng viên, kỹ thuật viên thường xuyên hướng dẫn tập phục hồi chức năng nên mọi vận động của cẳng chân, bàn chân đều được đảm bảo.
Sau 2 tuần điều trị, vết bỏng của bệnh nhi khô ráo, da non lên tốt, vận động của gối, cẳng chân, bàn chân đều rất tốt nên được cho xuất viện.
Cứu sống hai người bị đâm thấu bụng
Điều dưỡng chăm sóc sức khỏe cho một trong hai bệnh nhân - Ảnh: BVCC |
Ngày 29/4, bác sĩ Phạm Thanh Phong, Phó giám đốc bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ (BVĐKTWCT) cho biết các bác sĩ Khoa Ngoại tổng hợp đã cấp cứu thành công liên tiếp cho 2 người nguy kịch vì bị đâm thấu bụng. Sau 4 ngày phẫu thuật, sức khỏe hai bệnh nhân đã dần bình phục và tiếp xúc tốt.
Trường hợp đầu tiên là anh Dương Văn Hậu (35 tuổi, ở huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang) nhập viện với vết thương xuyên vào bụng thấu xuống lưng dưới và chậu hông. Kíp phẫu thuật đã hút ra khỏi ổ bụng bệnh nhân 3.000 ml máu loãng và khoảng 500 gram máu cục, khâu 2 lỗ rách ruột non, xử trí các tổn thương để giành lại mạng sống cho anh Hậu.
Bệnh nhân thứ hai bị đa chấn thương là anh Võ Trường Duy (34 tuổi, ngụ huyện Thới Bình, Cà Mau). Khi nhập viện, thanh niên này trong tình trạng lơ mơ, có nhiều vết đâm trên lưng, vai phải, cánh tay phải, tay trái và bụng lòi ruột non gây xuất huyết ồ ạt.
Nhờ triển khai quy trình báo động đỏ để tối ưu quá nguồn lực và thời gian vàng nên anh Duy được cứu sống.
Bé trai 7 tuổi tử vong nghi do bị chó dại cắn
Bé trai 7 tuổi tử vong nghi do bị chó dại cắn. |
Chiều 29/4, ông Trần Đình Cảnh - Chủ tịch UBND xã Mã Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An cho biết, trên địa bàn vừa xảy sự việc bé trai 7 tuổi tử vong nghi do chó dại cắn.
Trước đó, bé Hà D.Đ (7 tuổi) xuất hiện các triệu chứng bất thường như nôn mửa, nói sảng, không chịu ăn ngủ… Sau đó, gia đình đưa cháu đến kiểm tra. Tuy nhiên các bác sĩ không tìm được ra bệnh vì triệu chứng không rõ ràng, Đến chiều ngày 28/4 cháu D.Đ bệnh viện này đã chuyển cháu bé qua bệnh viện Sản nhi Nghệ An.
Chiều cùng ngày, các bác sĩ tại bệnh viện Sản Nhi xác định cháu Đ. bị bệnh dại, đã lên cơn, khi nhập viện đã quá muộn. Cháu bé được gia đình đưa về nhà và tử vong sau đó.
Theo người nhà bệnh nhi cho biết, khoảng 2 tháng trước, cháu Đ. có chơi đùa với con chó lạ và bị cắn. Con chó này hiện cũng đã mất tích.
Quỳnh Chi(T/h)