Tin tức đời sống mới nhất ngày 29/4/2020. Cập nhật tin đời sống mới ngày 29/4/2020 trên trang Đời sống & Pháp luật.
May mắn bất ngờ khi được toà xoá nợ 12 tỷ do thua oẳn tù tì
Oẳn tù tì được xóa nợ - Ảnh: Minh họa |
Một người đàn ông Canada thua 12 tỷ đồng khi chơi trò oẳn tù tì đã được tòa án phúc thẩm Quebec tháng này đưa ra phán quyết miễn nợ.
Theo Global News, Edmund Mark Hooper đã nợ 517.000 USD (tương đương gần 12 tỷ đồng) sau khi thua Michel Primeau hồi tháng 1/2011. Edmund sau đó đã phải đứng trước nguy cơ bán nhà để trả khoản nợ.
Tòa án phúc thẩm Quebec tháng này tuyên bố khoản nợ trên không có hiệu lực. Theo luật Quebec, bất kỳ hợp đồng đặt cược nào cũng cần dựa trên một hoạt động “có yêu cầu về kỹ năng hoặc nỗ lực thể chất từ phía các bên tham gia” thay vì dựa vào vận may. Ngoài ra, hợp đồng đặt cược không được vượt quá một số tiền nhất định.
Trước đó, trong phiên tòa sơ thẩm ngày 17/4/2017, Thẩm phán Chantal Chatelain đã phải quyết định xem oẳn tù tì, trò chơi cho phép người chơi ra kéo, giấy, đá là trò chơi đơn thuần may mắn hay có sử dụng các kỹ năng của người tham gia.
Thẩm phán Chatelain tuyên bố rằng oẳn tù tì đã thỏa mãn điều kiện đầu tiên, bởi “trong một số trường hợp nhất định, cần đến kỹ năng của các bên, đặc biệt là về tốc độ ra lựa chọn, khả năng quan sát hoặc tính toán chiến lược về cách đưa ra phương án”.
Tuy nhiên, Thẩm phán Chatelain cũng phán quyết rằng quy mô của vụ cá cược là quá mức, vì vậy việc tạo thành hợp đồng là không hợp lệ.
Đến phiên tòa phúc thẩm diễn ra vào tháng 4 năm nay, dù có cùng kết luận nhưng Tòa án cấp phúc thẩm Quebec đã đưa ra một lý giải hơi khác với phán quyết được Tòa sơ thẩm công bố 3 năm trước.
Mặc dù trò chơi oẳn tù tì có thể yêu cầu người chơi sử dụng một số kỹ năng nhất định, nhưng rõ ràng trò chơi này có một phần lớn dựa vào vận may. Do đó, nó không chỉ cần “kỹ năng hoặc nỗ lực thể chất của các bên”, Tòa án Quebec kết luận.
Về kết luận cuối cùng, Tòa án Quebec giữ nguyên phán quyết của tòa án cấp dưới rằng khoản tiền 12,2 tỷ đồng là vượt quá mức cược cho phép. Vì vậy, Edmund Mark Hooper được xóa nợ số tiền cược khổng lồ này.
3 cháu nhỏ bị ngộ độc nấm, một bé tử vong
Một cháu bé ở Điện Biên tử vong do ăn nhầm nấm độc - Ảnh: Minh họa |
Chiều 28/4, ông Giàng A Tủa - Chủ tịch UBND xã Na Cô Sa, huyện Nậm Pồ, Điện Biên cho biết đã nắm được thông tin 3 cháu nhỏ bị ngộ độc nấm khiến 1 người tử vong trên địa bàn.
Các nạn nhân bị ngộ độc là cháu Giàng Thị S. (SN 2014, trú tại bản Na Cô Sa 3, xã Na Cô Sa), Hạng Thị T. (2008) và Hạng Thị P. (SN 2006) cùng trú tại bản Huổi Thủng 1, xã Na Cô Sa.
Người nhà gia đình các nạn nhân cho biết, vào cuối giờ chiều 25/4, 3 cháu đi hái nấm cạnh nhà về nấu ăn. Đến khoảng 7h ngày 26/4, cả 3 cháu đều kêu đau đầu, buồn nôn, đau bụng và cả ngày không ăn uống, khi người lớn hỏi các cháu không nói mình đã ăn nấm.
Đến khoảng 7h ngày 27/4, khi thấy các cháu đau nặng, có nhiều triệu chứng khác thường, người nhà tiếp tục hỏi thì các cháu nói có hái nấm cạnh nhà về nấu ăn nên đã khẩn trương đưa cả 3 cháu ra trạm y tế xã khám.
Khi đến cổng trụ sở UBND xã Na Cô Sa, cháu Hạng Thị T. tử vong, 2 cháu còn lại được khẩn trương đưa đi cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Nậm Pồ.
Được biết, gia đình 3 cháu có hoàn cảnh rất khó khăn, bố mẹ thường xuyên phải đi làm nương xa nên tự ở nhà chăm sóc lẫn nhau. Chính quyền địa phương đang tiến hành các thủ tục hỗ trợ gia đình để tổ chức mai táng cho cháu bé.
Bốn trẻ nhỏ bị ngộ độc do tự nướng thịt cóc để ăn
Bệnh nhi Bàn Đức C. đang được theo dõi y tế. |
Ngày 28/4, bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang vừa tiếp nhận 4 bệnh nhi bị ngộ độc do ăn thịt cóc.
Bốn bệnh nhi là: Bàn Đức C. (sinh năm 2014), Bàn Văn H. (sinh năm 2015), Nguyễn Văn C. (sinh năm 2013) và Bàn Việt Q. (sinh năm 2013), đều trú tại xã Lang Quán (huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang).
Người nhà các cháu cho biết: 4 cháu nhỏ này tự chơi với nhau, sau đó bắt cóc rồi nướng và ăn. Sau khi ăn khoảng 1 giờ, các cháu bị nôn nhiều, gia đình phát hiện nên đã đưa đi cấp cứu.
Trong 4 bệnh nhi nhập viện, có 2 bệnh nhi ăn phần thịt đùi cóc không có biểu hiện ngộ độc lâm sàng nên đang được theo dõi; 1 bệnh nhi ăn đầu cóc, nôn nhiều ra dịch màu nâu đen, tim mạch ổn định nên có chỉ định truyền dịch và bơm rửa dạ dày. Bệnh nhi nặng nhất là cháu Bàn Văn H. nhập viện trong tình trạng nôn nhiều, lơ mơ, nhịp tim chậm 60 lần/phút, phổi thông khí kém… nên đã cho bệnh nhi chuyển tuyến về bệnh viện Nhi Trung ương để tiếp tục điều trị và theo dõi.
Bác sỹ Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Trưởng khoa Nhi, bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang khuyến cáo: Thịt cóc chứa hàm lượng đạm cao và không có độc tố. Tuy nhiên, nhiều bộ phận khác của cóc như da, gan, trứng, mủ, mắt… lại chứa độc tố, trong đó có độc tố nguy hiểm gây chết người là tetrodotoxin và bufotenin - một chất cực độc, kể cả khi nấu ở nhiệt độ cao, độc tố này cũng không phân hủy, khi ăn phải gây ngộ độc nặng.
Ngộ độc độc tố từ cóc tùy từng mức độ có thể thấy mệt mỏi, buồn nôn, nôn, nhức các chi, nặng hơn là rối loạn nhịp tim, tụt huyết áp, sinh ra ảo giác, co giật, ngừng thở, ngừng tim nếu không được cấp cứu kịp thời. Khi gặp người bị ngộ độc cóc, cần nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu và chữa trị kịp thời.
Học sinh Trung Quốc đội 'mũ giãn cách'
Học sinh Trung Quốc đến trường với chiếc mũ đặc biệt. |
Mặc dù tình hình dịch Covid- 19 ở Trung Quốc đã ổn định hơn trước nhưng tất cả người dân vẫn phải nâng cao tinh thần cảnh giác và thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng dịch.
Ngày 26/4, học sinh tiểu học từ lớp 1 tới lớp 3 ở trường Yangzheng, Hàng Châu, Chiết Giang, Trung Quốc đi học trở lại sau nhiều tháng nghỉ học vì dịch Covid- 19. Để đảm bảo an toàn cho toàn bộ học sinh, Ban giám hiệu trường đã nảy ra một sáng kiến cực kỳ độc đáo. Đó là cho các em đội một chiếc mũ đặc biệt với phần cán dài hai bên để giữ khoảng cách 1-2m với bạn học.
Trước ngày đi học lại, các giáo viên đã liên hệ với phụ huynh cùng con làm chiếc mũ một mét.
Chiếc mũ được làm từ những chất liệu an toàn, thân thiện với môi trường. Dưới sự sáng tạo của học sinh, rất nhiều chiếc mũ độc đáo đã ra đời. Có chiếc nhìn như cánh quạt trần, có chiếc lại giống hệt mũ của các quan lại triều đình phong kiến xưa,... Một chiếc mũ thậm chí được làm từ 2 quả bóng bay dài, nhìn vô cùng ngộ nghĩnh.
Bên cạnh việc đội mũ đầy đủ, nhà trường cũng yêu cầu học sinh tuân thủ mọi yêu cầu như không chạm vào người khác hay không nghịch hỏng mũ của bạn học.
Ngoài ra, trong ngày đầu tiên đi học, học sinh của trường cũng được thực hiện bài kiểm tra kiến thức chống dịch, giới thiệu về chiếc mũ mình đã làm hoặc cùng hát vang bài ca chống dịch,… Những điều này nhằm giúp trẻ phát triển thói quen tốt thông qua các hoạt động trải nghiệm.
Nói về sáng kiến có "1-0-2" này, Hiệu trưởng trường Yangzheng cho biết: "Thông qua cách làm này, nhà trường muốn học sinh cảm nhận một cách trực quan về khoảng cách 1-2m. Điều này cũng giúp các em ghi nhớ rằng luôn phải duy trì khoảng cách an toàn".
Nhiều người cũng ca ngợi đây là một ý tưởng sáng tạo để các trường khác có thể học hỏi và nhân rộng.
Quỳnh Chi(T/h)