Gắp con vắt dài hơn 2cm ra khỏi hốc mũi nữ bệnh nhân
Theo VietNamNet, ngày 28/10, Trung tâm Y tế huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) cho biết vừa tiếp nhận bệnh nhân L.T.P (trú xã Tiên Lãng, huyện Tiên Yên) đến khám với tình trạng thường xuyên chảy máu từ mũi phải, số lượng ít và tự cầm máu.
Người bệnh không ngạt mũi, không chảy nước mũi. Tình trạng trên khiến bệnh nhân hết sức lo lắng. Tiến hành kiểm tra nội soi, các bác sĩ phát hiện một con vắt trong hốc mũi bên phải, dài hơn 2 cm. Sau khi gây tê tại chỗ, con vắt đã được lấy ra bên ngoài thành công.
Được biết, trước đó, Trung tâm Y tế huyện Tiên Yên đã nhiều lần thực hiện gắp thành công vắt xâm nhập cơ thể tương tự trường hợp bệnh nhân L.T.P.
Trung tâm Y tế huyện Tiên Yên khuyến cáo mọi người ở vùng núi rừng ẩm ướt, nơi có nhiều vắt cần cẩn trọng trong sinh hoạt hằng ngày, nhất là những người đi rừng cần hạn chế uống nước khe suối. Nếu phát hiện hiện tượng chảy máu mũi hoặc ho kéo dài thì nên đến cơ sở y tế để được các bác sĩ thăm khám, loại trừ tình trạng đỉa, vắt chui vào ký sinh trong cơ thể.
Người đàn ông nguy kịch sau khi bị cọc nhọn đâm vào chân
Báo Sức Khỏe & Đời Sống thông tin, trước khi vào viện 5 ngày, nam bệnh nhân 66 tuổi ở Mai Châu (Hòa Bình) không may bị cọc nhọn đâm vào bàn chân trái dẫn đến vết thương bị nhiễm trùng.
Khởi đầu bệnh nhân xuất hiện cứng hàm không há được miệng, không ăn uống và ho được. Sau đó bệnh tiến triển rất nhanh dẫn đến tình trạng co cứng toàn thân, xuất hiện các cơn co giật trên nền co cứng. Lúc này, bệnh nhân được người nhà đưa đi cấp cứu.
Theo TS.BS Hoàng Công Tình – Trưởng khoa Hồi sức tích cực 1 Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, người bệnh nhập viện trong tình trạng tím tái toàn thân, sắp ngừng thở, người cứng như khúc gỗ, hai hàm răng cắn chặt, không nuốt, không ho khạc được, không đặt được ống nội khí quản, co giật toàn thân trên nên co cứng.
Trước tình trạng nguy kịch, ekip nhanh chóng mở khí quản cấp cứu người bệnh, cho bệnh nhân thở máy, dùng thuốc an thần, giãn cơ, điều trị và chăm sóc tích cực. Trong tuần đầu nhập viện, gia đình đã nhiều lần xin cho bệnh nhân thôi điều trị vì lo ngại bệnh nhân tử vong ở bệnh viện mà không kịp đưa về nhà.
Với kinh nghiệm điều trị các bệnh nhân uốn ván trước đây, các bác sĩ đã động viên, thuyết phục người nhà để bệnh nhân ở lại điều trị vì cơ hội sống sót là vẫn còn mặc dù quá trình điều trị và chăm sóc sẽ rất khó khăn và kéo dài.
Sau hơn 1 tháng điều trị, chăm sóc tích cực bằng thở máy, lọc máu, kháng sinh, dùng thuốc trung hòa độc tố uốn ván, tập phục hồi chức năng, với sự phối hợp của nhiều chuyên khoa, sức khỏe của bệnh nhân được hồi phục. Bệnh nhân cai được máy thở, rút được ống mở khí quản, ăn uống và đi lại được. Trong tuần qua, bệnh nhân đã được xuất viện.
Cụ ông 92 tuổi bị thủng ổ loét dạ dày nặng
Bác sĩ CKII Cao Việt Dũng - Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn Nha Trang cho biết, đơn vị này vừa phẫu thuật thành công cho cụ ông N.T.T. (92 tuổi, TP.Nha Trang) bị thủng ổ loét dạ dày nặng có tiền sử loét dạ dày mạn tính do điều trị không đủ liều, theo báo Khánh Hòa.
Người nhà kể, bệnh nhân được chẩn đoán loét dạ dày mạn tính nhưng điều trị không đều. Trước khi nhập viện, bệnh nhân đau âm ỉ bụng trên, đau tăng dần kèm theo nôn, đi cầu phân lỏng… Thấy tình trạng không thuyên giảm, gia đình đưa người bệnh vào viện thăm khám.
Khi tiếp nhận người bệnh, xác định đây là ca nặng, kíp trực cấp cứu đã ngay lập tức hội chẩn với bác sĩ ngoại tiêu hóa. Sau thăm khám và có kết quả cận lâm sàng, ekip bác sĩ xác định bệnh nhân thủng dạ dày nặng và nhanh chóng tiến hành phẫu thuật cấp cứu. Sau phẫu thuật, sức khỏe người bệnh ổn định, đang được chăm sóc theo dõi tại khoa Ngoại của bệnh viện.
“Trường hợp ông T., với vết thủng có đường kính 1cm trên nền ổ loét xơ chai nặng, ổ bụng có nhiều dịch tiêu hoá và màng viêm màu trắng đục, cho thấy đây là vết thủng lâu ngày do loét dạ dày mạn tính. Nếu gia đình đưa đến bệnh viện chậm thì sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng người bệnh”, bác sĩ Dũng cho hay.
Đinh Kim(T/h)