Tình hình 3 trẻ mầm non nghi ngộ độc thực phẩm ở Lạng Sơn
Theo TTXVN, chiều 27/10, bác sĩ Hà Huy Phước - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Văn Quan (tỉnh Lạng Sơn) cho biết, ba trẻ (từ 2-5 tuổi), là học sinh Trường Mầm non xã Hòa Bình được đưa vào Trung tâm từ đêm 25 đến ngày 26/10 sức khỏe đã ổn định.
Sau khi tiếp nhận ba trường hợp trên, các y, bác sĩ đã tiến hành truyền bù dịch, điều trị tích cực, theo dõi sức khỏe. Đến chiều 27/10, các trường hợp này đã ổn định sức khỏe và ngay trong tối cùng ngày, 2 cháu có thể xuất viện. Trường hợp còn lại sức khỏe đã bình thường, chỉ cần theo dõi thêm cũng có thể cho về nhà.
Thông tin từ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Lạng Sơn, ngày 25/10, Trường Mầm non xã Hòa Bình (huyện Văn Quan) có 27/31 trẻ đến lớp. Các cháu uống sữa buổi sáng, ăn cơm buổi trưa. Thực đơn bữa trưa có các món thịt lợn xay rim cá hộp; canh bí nấu thịt lợn băm. Khoảng 14h cùng ngày, trẻ ăn cháo thịt băm bí đỏ.
Đến hơn 16h ngày 25/10, sau khi đón trẻ về nhà, có 17 phụ huynh phản ánh trẻ có triệu chứng đau bụng buồn nôn. Trong đó, ba trường hợp nặng hơn nên được đưa vào Trung tâm Y tế huyện Văn Quan để theo dõi, điều trị.
Sáng 26/10, khi Đoàn công tác của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm về làm việc tại trường, có 10/17 trẻ (xuất hiện triệu chứng đau bụng buồn nôn vào chiều tối 25/10) đã ổn định sức khỏe, đến lớp bình thường; 4 trẻ còn lại có triệu chứng tương tự được theo dõi ở nhà, sức khỏe cũng bình thường.
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đã lấy mẫu thức ăn để xét nghiệm tìm hiểu nguyên nhân vụ việc.
Kịp thời kích hoạt Code Stroke trong “giờ vàng” cứu cụ ông bị đột quỵ cấp
Báo Đại Đoàn Kết dẫn thông tin từ Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long cho biết, đơn vị vừa cứu sống thành công cụ ông N.V.T (83 tuổi, ngụ tỉnh Vĩnh Long) đột quỵ cấp nhồi máu não nhờ kịp thời kích hoạt Code Stroke (quy trình cấp cứu đột quỵ cấp) trong “giờ vàng”.
Theo lời kể của người nhà, vào sáng sớm cùng ngày nhập viện, gia đình nghe tiếng động lạ trong phòng nên vào kiểm tra thì phát hiện cụ ông nằm trên giường với biểu hiện liệt hoàn toàn nửa người trái, ú ớ, lơ mơ khò khè. Ngay lập tức gia đình đã đưa cụ ông đến Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long.
Tại khoa Cấp cứu, qua thăm khám với các biểu hiện nghi ngờ đột quỵ của người bệnh như lơ mơ, liệt hoàn toàn nửa người trái, không nói chuyện được, tăng tiết đàm, rung giật nhãn cầu. Cụ ông có tiền sử bệnh mạch vành đã đặt stent năm 2018, có tái khám nhưng không thường xuyên. Ngay lập tức Khoa đã kích hoạt Code Stroke.
Sau khi hội chẩn và giải thích với gia đình, ekip bác sĩ đã chỉ định bệnh nhân sử dụng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch và tiến hành can thiệp hút huyết khối khỏi lòng mạch, cố gắng tái thông dòng chảy mạch máu não bị tắc cho bệnh nhân.
XEM THÊM: 100% ca mắc đậu mùa khỉ tại TP.HCM là nam giới
Sau khoảng 1 giờ can thiệp, huyết khối được loại bỏ, mạch máu não bị tắc của người bệnh được tái thông. Người bệnh được chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực & Chống độc (ICU) theo dõi.
24 giờ sau can thiệp, người bệnh được rút ống thở, tiếp xúc tốt, sinh hiệu bình thường, các triệu chứng lâm sàng cải thiện đáng kể. Sau điều trị 5 ngày, bệnh nhân phục hồi rất tốt gần như trở lại bình thường, nói chuyện, đi lại được. Hiện, bệnh nhân đã được xuất viện và tái khám theo dõi ngoại trú.
Cứu người đàn ông bị sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, viêm phổi nặng
Đại diện Trung tâm Y tế huyện Hải Hà (Quảng Ninh) cho biết, các bác sĩ của đơn vị vừa cứu sông bệnh nhân nam 50 tuổi bị sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, viêm phổi nặng thoát khỏi lằn ranh sinh tử.
Cụ thể, theo thông tin trên báo Sức Khỏe & Đời Sống, bệnh nhân được đưa vào Trung tâm Y tế huyện Hải Hà trong tình trạng rối loạn ý thức, tím tái, mạch nhanh nhỏ, huyết áp tụt, sốt cao 39 độ C, suy đa tạng, viêm phổi nặng.
Khi chụp CT, bác sĩ phát hiện ngực bệnh nhân có tổn thương 2 bên phổi, sau đó người bệnh được đặt ống nội khí quản, thở máy, vận mạch, kháng sinh và lọc máu liên tục.
Sau 3 ngày lọc máu liên tục, tình trạng toan hoá máu của bệnh nhân cải thiện rõ rệt. Trải qua 6 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân được rút ống nội khí quản, thở oxy kính và được tiếp tục theo dõi, điều trị.
Theo các bác sĩ Khoa hồi sức tích cực, Trung tâm Y tế huyện Hải Hà, bệnh nhân sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng là tình trạng bệnh lý rất nặng, diễn biến cấp tính, tử vong cao nếu không được cấp cứu, điều trị kịp thời. Vì vậy lọc máu liên tục sẽ nhằm điều chỉnh nhiễm toan máu và suy tạng.
Lọc máu liên tục là phương pháp hiện đại, dựa vào vòng tuần hoàn nhân tạo ngoài cơ thể, được tiến hành liên tục để thải các chất độc trong cơ thể bệnh nhân do nhiều tình trạng bệnh lý gây nên.
Đinh Kim (T/h)