Cô gái 21 tuổi có 3 khối u xơ vú
Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) cho biết đơn vị này vừa thực hiện ca phẫu thuật bóc tác 3 khối u vú cho nữ bệnh nhân N.H.G. (21 tuổi, trú tại Phú Thọ), theo báo Phụ Nữ Việt Nam.
Người bệnh cho biết cách đây 2 năm đã phát hiện thấy có khối u cứng ở vú phải. Tuy nhiên, do không có biểu hiện đau nhức nên bệnh nhân chủ quan không đến viện khám. Khoảng 2 tháng gần đây, khối u vú phải nổi to lên bất thường nên bệnh nhân mới đến Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương khám bệnh.
Sau khi có kết quả cận lâm sàng, các bác sĩ kết luận bệnh nhân bị u xơ vú phải, kích thước khoảng 2x1.5cm. Ngoài ra, bác sĩ cũng phát hiện trên siêu âm bệnh nhân còn có 2 khối u tại vú trái, kích thước 7x9 mm và 5x6 mm. Bệnh nhân được chỉ định tiểu phẫu cắt u vú dưới siêu âm định vị kim dây.
Sau ca phẫu thuật, sức khỏe của bệnh nhân ổn định. Người bệnh được chăm sóc hậu phẫu tại khoa Ung bướu của Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương.
Các bác sĩ cho biết u xơ vú lành tính điều trị triệt để duy nhất là phẫu thuật, đối với các khối u kích thước nhỏ dưới 1cm thì phẫu thuật rất khó và cần phải có định vị kim dây qua siêu âm để dẫn đường. Đây là 1 kỹ thuật siêu âm can thiệp cao giúp cho bác sĩ phẫu thuật có thể lấy triệt để các khối u xơ vú.
Tuy các khối u xơ vú là lành tính phát triển chậm nhưng nếu khối u kích thước lớn sẽ gây đau, mất thẩm mĩ, khó chịu và ảnh hưởng đến tâm lý bệnh nhân. Các bác sĩ khuyến cáo, bệnh nhân cần theo dõi sức khỏe và thường xuyên đi kiểm tra định kỳ tuyến vú 6 tháng một lần. Nếu thấy điểm bất thường, bác sĩ sẽ tư vấn hướng điều trị phù hợp.
Bé 14 tuổi bị tắc ruột do hội chứng Peutz-Jeghers hiếm gặp
Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Thanh Vũ Medic Bạc Liêu, đơn vị này vừa phẫu thuật thành công cho bệnh nhi Đ.N.Y.V (nữ, 14 tuổi, ngụ thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng) bị tắc ruột do hội chứng Peutz-Jeghers cực kỳ hiếm gặp.
Trước đó, bệnh nhi được đưa đến viện vào ngày 21/8 trong tình trạng đau quặn bụng, nôn ói, da nhợt nhạt. Người nhà cho biết rạng sáng ngày 20/8, bệnh nhi đột ngột đau quặn bụng kèm nôn ói. Đến sáng 21/8, thấy em không khỏe nên gia đình đã đưa đến Bệnh viện Đa khoa Thanh Vũ Medic Bạc Liêu để khám và điều trị, theo báo Tin Tức.
Được biết, bệnh nhi có tiền sử mổ polyp đại tràng một lần vào năm 6 tuổi tại một bệnh viện nhi ở TP.HCM. Do điều kiện kinh tế tương đối khó khăn nên gia đình không thường xuyên đưa bệnh nhi đi tái khám định kỳ.
Qua thăm khám và chụp CT Scan bụng, các bác sĩ nhận định bệnh nhi bị hội chứng Peutz-Jeghers có biến chứng tắc ruột do lồng ruột gây ra bởi nhiều polyp vùng ruột non kèm thiếu máu mạn mức độ nặng. Bệnh nhi còn nhiều polyp nhỏ ở dạ dày và đại tràng.
Tại bệnh viện, bệnh nhi được truyền 2 đơn vị máu, tới chiều ngày 22/8, ekip bác sĩ tiến hành phẫu thuật tháo lồng và cắt polyp làm giải phẫu bệnh. Ca phẫu thuật kéo dài 2 tiếng, bệnh nhi hiện tỉnh, sinh hiệu ổn, tiếp xúc tốt, không còn đau bụng, được tiếp tục theo dõi, dự kiến xuất viện trong vài ngày tới.
Bé trai bị nhiễm trùng nặng do tự chữa rắn cắn
Theo Infornet, bệnh nhi Đ.H (SN 2009) vừa nhập viện trong tình trạng đi tiêu ra máu, vết thương sưng và bầm tím vì bị rắn cắn. Người nhà kể, bệnh nhi gặp nạn vào khoảng 20h ngày 23/8, khi đang đi bắt cua tại con suối gần nhà, không may bị rắn cắn vào gót chân phải.
Con rắn đã được người nhà bệnh nhi bắt lại và tiêu hủy ngay sau đó. Trong khi đó, bệnh nhi được đắp lá cây (không rõ tên) lên vết thương. Sau hơn 1 ngày điều trị tại nhà, tình trạng của bệnh nhi không thuyên giảm, gia đình đưa em lên Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM).
Các bác sĩ phải khai thác từ gia đình nhằm xác định đúng loại rắn đã cắn bệnh nhi và tìm huyết thanh phù hợp để điều trị tích cực. Bác sĩ CK2 Vũ Hiệp Phát – Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết bệnh nhi hiện đang được thay huyết thanh kháng nọc rắn và điều trị tích cực tại vị trí nhiễm trùng.
Trước nhiều trường hợp trẻ nhập viện muộn, gây nguy hiểm tính mạng vì người thân tự ý đắp các loại lá lên vị trí rắn cắn, bác sĩ Phát khuyến cáo tuyệt đối không dùng các loại lá đặt lên vết thương vì việc này có thể dẫn đến nhiễm trùng. Cha mẹ nên đưa con đến cơ sở y tế để kịp thời truyền thuốc kháng nọc rắn.
Khi bị rắn cắn, nạn nhân và những người xung quanh phải giữ bình tĩnh, dùng cây hay gậy lấy rắn ra, rửa sạch vết thương bằng xà phòng và nước, sát trùng bằng dung dịch Betadine hay Povidine nếu có. Sau đó, nẹp cố định chi bị rắn cắn như nẹp gãy xương và băng vết thương từ trên xuống để hạn chế hấp thu nọc độc, nên để chi thấp hơn tim.
Đinh Kim(T/h)