Chạy ECMO cứu nam sinh viên nguy kịch do gặp tai nạn giao thông
Bệnh viện Quân Y 175 cho biết đơn vị này đã kịp thời can thiệp ECMO thành công cho nam sinh viên H.N.S.N (19 tuổi) bị tai nạn giao thông, tổn thương dập phổi nặng, nhập viện trong tình trạng nguy kịch.
Theo báo Sức Khỏe & Đời Sống, ngày 10/9, bệnh nhân bị tai nạn giao thông, được tiến hành sơ cứu tại chỗ và được đưa vào Bệnh viện Quân y 175 cấp cứu trong tình trạng sốc đa chấn thương các vị trí: Hàm mặt, chấn thương ngực kín, bụng kín và chi thể.
Các bác sĩ xác định bệnh nhân rơi vào tình trạng nguy kịch nên đã kích hoạt báo động đỏ "Code red" toàn bệnh viện. Với tình trạng trạng hết sức khó khăn của bệnh nhân, đội ngũ y, bác sĩ từ các chuyên khoa khẩn trương tiến hành phẫu thuật.
Sau khi mở bụng cầm máu và tiến hành cấp cứu, các bác sĩ phát hiện chấn thương bị rách mạc nối lớn, thủng hỗng tràng và vỡ bàng quang. Ca phẫu thuật kéo dài trong nhiều giờ, đội ngũ y, bác sĩ hết sức thận trọng, gấp rút và tranh thủ "giờ vàng" để cứu sống cho bệnh nhân.
Kết thúc phẫu thuật, người bệnh được đưa vào khoa Hồi sức tích cực để điều trị, bước đầu chống sốc thành công. Tuy nhiên, sau đó 3 ngày, do tổn thương dập phổi tiến triển nặng, bệnh nhân bị diễn biến suy hô hấp rơi vào tình trạng nguy kịch và thất bại với thở máy.
Thượng úy, BS Tạ Văn Bạch – khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Quân y 175, chia sẻ, do bệnh nhân trẻ tuổi, các chấn thương tuy nặng nhưng có khả năng hồi phục nhanh, các bác sĩ nhanh chóng tiến hành hội chẩn với các chuyên gia về hồi sức và đưa ra quyết định đặt ECMO (kỹ thuật oxy hóa qua màng ngoài cơ thể) để cứu sống người bệnh.
Đây là quyết định hết sức khó khăn do bệnh nhân có nhiều nguy cơ chảy máu, khi chạy ECMO bắt buộc phải dùng thuốc kháng đông. Người bệnh tổn thương phổi quá nặng, lưu lượng ECMO không đủ để hỗ trợ cho phổi, đồng thời xuất hiện tình trạng chảy máu ở mũi miệng và vết mổ ngay thành bụng. Trước tình trạng "ngàn cân treo sợi tóc", các bác sĩ bắt buộc phải sử dụng thuốc kháng đông tối thiểu, chấp nhận nguy cơ đông màng ECMO sớm hơn bình thường để bảo vệ bệnh nhân.
Ngoài ra, các bác sĩ bắt buộc đặt thêm đường lấy máu phụ để nâng lưu lượng ECMO. Nhờ sự phối hợp nhanh chóng, kịp thời của đội ngũ y, bác sĩ, bệnh nhân đã qua giai đoạn nguy kịch nhất. Sau 7 ngày, bệnh nhân đã có đáp ứng, phổi dần cải thiện và rút ECMO, tiếp tục được bác sĩ tiến hành phẫu thuật kết xương đùi hai bên, kết xương hàm mặt và tập cai máy thở. Hiện, tình trạng bệnh nhân đã cải thiện, các tổn thương được xử trí cơ bản, sinh hiệu ổn định. Người bệnh đang tập cai máy thở và tiến hành điều trị vật lý trị liệu.
Sản phụ mang thai ở góc tử cung hiếm gặp
Báo Người Lao Động đưa tin, các bác sĩ ở Bệnh viện Lê Văn Việt (TP Thủ Đức, TP.HCM) vừa phẫu thuật thành công cho sản phụ A. mang thai góc tử cung. Cụ thể, tại khoa Sản của Bệnh viện Lê Văn Việt, các bác sĩ tiếp nhận một trong hợp sinh khó.
Các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật bắt em bé. Bé chào đời khỏe mạnh, hồng hào, khóc to, nặng 3,6kg. Lúc này, bác sĩ phát hiện bánh nhau bám ngay góc tử cung, vùng cơ tử cung đoạn nhau bám rất mỏng, có nhiều mạch máu tăng sinh, nguy cơ vỡ tử cung rất cao.
Vì lấy nhau khó, nguy cơ băng huyết cao, ê-kíp mổ đã tiến hành sử dụng các loại thuốc cầm máu, thuốc co hồi tử cung và thắt động mạch tử cung để dự phòng băng huyết sau mổ. Sau 15 phút từ khi bé chào đời, các bác sĩ phải bóc nhau bằng tay, đồng thời may tăng cường vùng cơ tử cung rất mỏng để dự phòng chảy máu diện nhau bám.
Sau mổ, tình trạng tử cung co hồi tốt, sinh niệu ổn, sản phụ tiếp tục được theo dõi. Hiện, tử cung co hồi tốt, vết mổ khô, sản dịch ra ít, sản phụ chuẩn bị được xuất viện.
Nam bệnh nhân 61 tuổi bị thủng đại tràng
VOV thông tin, sáng ngày 16/9, nam bệnh nhân 61 tuổi được đưa vào Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) cấp cứu với triệu chứng đau vùng mông bên trái, đau nhiều vùng bụng dưới rốn lệch trái, diễn biến sức khỏe xấu, mạch nhanh, huyết áp tụt.
Qua khám bệnh và chụp CT, bác sĩ lấy ra dị vật là xương cá dài khoảng 3cm trong lòng trực tràng người bệnh và đưa vào mổ cấp cứu. Các bác sĩ nhận định, người bệnh bị xương cá đâm thủng trực tràng, tạo áp xe cạnh trái trực tràng.
Khoang bụng bệnh nhân có nhiều dịch đục, mủ lan ra nhiều nơi. Ê-kip phẫu thuật phải xử lý qua 2 bước là rửa bụng, xử lý ổ nhiễm trùng, sau đó rạch tháo mủ ổ áp xe, đặt ống dẫn lưu bụng, dẫn lưu cạnh trực tràng và làm hậu môn nhân tạo.
Sau mổ, do hậu quả của tình trạng sốc nhiễm trùng nên các bác sĩ phải tích cực điều trị để ổn định sinh hiệu cho người bệnh. 10 ngày sau, tình trạng sức khỏe bệnh nhân mới dần cải thiện. Người bệnh được chuyển đến khoa Ngoại Tiêu hóa để tiếp tục theo dõi, điều trị và xét nghiệm. Sau khi sức khỏe ổn định, người bệnh được đóng hậu môn nhân tạo và xuất viện.
Đinh Kim(T/h)