Tin tức đời sống mới nhất ngày 19/2/2020. Cập nhật tin đời sống mới ngày 19/2/2020 trên trang Đời sống & Pháp luật.
Người phụ nữ suýt tử vong chỉ vì vết xước nhỏ ở tay
Heather Harbottle nhập viện vào tháng 12/2017 sau 2 đêm sốt và đau tay dữ dội. |
Heather Harbottle, chuyên gia tư vấn nhân lực 49 tuổi (ở Hawaii, Mỹ) chưa bao giờ nghĩ rằng chỉ 1 vết thương nhỏ ở tay trái có thể gây ra chứng viêm cân hoại tử - một dạng viêm gây chết da, cơ và các mô mềm.
Nó nhanh chóng lan rộng khắp bàn tay, ăn mòn gân cốt và chu du tới nách và tim.
Vi khuẩn đáng sợ này đã gây nhiễm trùng huyết đe dọa tính mạng, trong khi hệ miễn dịch bị suy giảm và quay lại tấn công cơ thể. Nó đã khiến thận của cô bị suy.
Các bác sĩ đã phải tiêm hàng “tấn” kháng sinh đồng thời cắt lọc các phần thịt thối rữa trong suốt 3 ngày liên tiếp.
Sau 56 ngày trong viện, Harbottle đã được trở về với con gái nhỏ 6 tuổi AnnJolie. Hiện cô vẫn đang tập phục hồi vận động bàn tay.
Harbottle tin rằng vết xước ở tay của cô là từ 1 hộp các-tông trong khi cô chuyển đến nhà mới.
“Vào ngày 7/12/2017, tôi thức dậy sau một đêm tay ngày càng đau nhức. Vết xước ở ngón út sưng lên và bắt đầu lan rộng.
Tôi đã nghĩ rằng tay mình bị bong gân hay chệch khớp. Nhưng giữa ngón út và ngón đeo nhẫn của tôi chỉ có 1 vết xước, tôi nghĩ là đã bị như vậy trong lúc bê đồ hay va phải thứ gì đó.
Tôi đã ở nhà nghỉ ngơi trong khi mọi người tiếp tục chuyển đồ sang nhà mới. Vết cắt ở ngón tay của tôi có dấu hiệu viêm nhiễm và bắt đầu sưng lên.
Đêm đó, tôi bắt đầu sốt và không thể cử động ngón tay. Cả cơ thể mệt mỏi. Tôi thấy mình thật vô cùng yếu ớt.
Đến 5h ngày thứ 6, tôi đã vào Trung tâm Y tế Hilo”.
Tại bệnh viện, các bác sĩ đã xác định ngay bệnh nhân bị viêm cân cơ - bệnh nổi tiếng với tên gọi là “bệnh ăn thịt”. Đây là bệnh cực hiếm gặp nhưng cực kỳ nguy hiểm.
Các bác sĩ cho biết, Harbottle đã nhiễm khuẩn Streptococcus. Có khoảng 1.000 trường hợp tại Anh nhiễm khuẩn nhóm Streptococcus A mỗi năm. Còn ở Mỹ, có khoảng 700-1.200 trường hợp nhiễm bệnh này mỗi năm.
Viêm gân cơ diễn tiến xấu rất nhanh, 40% người bệnh sẽ tử vong dù được điều trị tích cực.
Những nạn nhân sống sót thường sẽ phải chịu các di chứng lâu dài như cắt cụt chi hoặc các vùng mô bị hoại tử.
5 sản phụ bị bỏng nặng do nằm than sau sinh
Ngày 18/2, TS. BS Ngô Đức Hiệp, Trưởng Khoa Phỏng Phẫu thuật Tạo hình, bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết trong vòng chưa đến 2 tháng (từ 8/1 đến nay) khoa đã tiếp nhận 5 trường hợp sản phụ phải nhập viện cấp cứu vì tai nạn khi hơ nóng bằng than. Nạn nhân gần đây nhất là chị P.T.G (sinh năm 1988, quê Phú Hải, Phan Thiết, Bình Thuận) nhập viện vào ngày 13/2 trong tình trạng bỏng sâu tay trái, vai trái khi vừa sinh con 4 ngày.
Bệnh nhân cho biết, trong lúc chị đang hơ nóng bằng nồi than, bất thình lình chiếc chăn rớt vào than, bén lửa. Lúc này bệnh nhân cũng đã bị ngất xỉu, sự việc chỉ được phát hiện khi chồng chị bế con từ phòng ngoài vào trong gọi vợ. Nhanh chóng chị G. được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện Chợ Rẫy.
“Sau 5 ngày điều trị, tổn thương cơ thể của chị G. có đỡ nhưng về lâu dài thì chị G. vẫn bị di chứng, ảnh hưởng đến chức năng thẩm mỹ sau này”, bác sĩ Hiệp cho hay.
Tháng trước, khoa cũng tiếp nhận 1 trường hợp sản phụ bị phỏng sâu ở hai mông và chân trái, được chuyển đến bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng thở máy, phải đặt nội khí quản, nguyên nhân là do bỏng và ngộ độc khí CO lúc nằm than. Trường hợp nặng nhất do hậu quả từ việc nằm than là một bệnh nhân ở ngay huyện Bình Chánh (TPHCM) bị bỏng do ngộ độc CO té vào bếp than khiến tay bệnh nhân bị chín, phải tháo toàn bộ tay trái.
BS Hiệp cho biết, khi bị bỏng do nằm than, bệnh nhân không chỉ đau đớn mà còn chịu nhiều di chứng nặng nề về sau như đoạn chi, sẹo co rút, ảnh hưởng đến vận động, chất lượng cuộc sống. BS Hiệp cho rằng trước đây, người dân có quan niệm phụ nữ sau sinh cần phải nằm than để giữ ấm và điều dưỡng lại sức khoẻ, tuy nhiên việc làm này tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho cả mẹ và bé.
"Phụ nữ sau sinh vốn bị mất nhiều máu, cơ thể suy yếu. Trong khi đó, việc đốt than có thể sinh ra khí độc CO, là một chất có khả năng kết hợp với Hb (hemoglobin) làm giảm lượng oxy cung cấp cho mô và gây ra tình trạng thiếu oxy khắp cơ thể. Do đó, nếu sản phụ hít phải nhiều khí độc này sẽ dẫn đến tình trạng hôn mê, có thể bị té vào than gây bỏng nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, trẻ nhỏ có làn da rất mỏng manh, khi tiếp xúc nhiệt độ cao rất dễ bị tổn thương, đặc biệt là tổn thương phối. Cho nên, để giữ ấm cho sản phụ và em bé, gia đình sản phụ có thể sử dụng các phương pháp khác thay thế như mặc nhiều quần áo ấm, hoặc sử dụng lò sưởi", BS Hiệp lý giải.
Xúc động hình cảnh cậu bé tự kỷ nằm bên mộ bố, thủ thỉ chuyện trò như lúc còn sống
Abang nằm bên mộ bố hàng giờ. |
Câu chuyện đau lòng này được một người dùng Facebook tên Natipah Abu chia sẻ trên mạng xã hội.
Theo đó, dù tuổi đời còn quá trẻ, song cậu thiếu niên Nazren Firdaus (tên thường gọi là Abang) ở Malaysia lại không được may mắn như bao người – cậu mắc chứng tự kỷ. Số phận khắc nghiệt hơn với Firdaus khi cướp người bố thân yêu khỏi cuộc đời cậu.
Kể từ khi bố qua đời vào tháng 4 năm ngoái, tuần nào cũng thế, tới đến ngày thứ Sáu là Abang lên đường đến thăm mộ ông, chẳng hề quản ngại gió mưa. Cứ thế, cậu ngồi 1 góc ngôi mộ, như thể đang cầm tay bố lúc ông còn sống, vừa tha thiết nhìn vừa rủ rỉ chuyện trò, thậm chí nằm bên cạnh mộ hàng giờ liền.
Thuở còn sống, bố là người thân thiết nhất với Abang. Ông tự tay chăm cho cậu từng miếng ăn, giấc ngủ... Thế nhưng, từ khi ông mất, niềm hạnh phúc giản đơn ấy bỗng chốc lụi tàn. Tương lai của cậu trở nên mịt mờ hơn bao giờ hết, bởi người không ngại khó nhọc chăm sóc cậu đã biến mất khỏi thế gian.
Cuộc đời của Abang chỉ còn biết trông đợi vào bánh xe số phận. Xót thương hoàn cảnh của thiếu niên tội nghiệp, cư dân mạng liên tiếp để lại bình luận động viên và ủng hộ Abang.
Chồng bị vợ dùng súng bắn vào đầu trong lúc ngủ
Hình ảnh viên đạn trong đầu người đàn ông. |
Vụ việc này xảy ra vào ngày 26/6/2007. Theo Foxnews, người phụ nữ April Moylan, 39 tuổi, đã bị cảnh sát quận St. Lucie, Floria, Mỹ, bắt giữ vì tội cố ý giết người.
Nạn nhân trong câu chuyện này không ai khác chính là chồng của nghi phạm, Michael Eugene Moylan.
Vào lúc 4h30 ngày 26/6/2007, Michael bị đánh thức bởi một cơn đau đầu dữ dội. Lúc đó, ông nghĩ rằng bản thân bị phình động mạch hoặc chính bà vợ ông đã lợi dụng lúc ông say giấc mà dùng khuỷu tay đập vào đầu mình.
Sau đó, April lái xe đưa chồng đi đến bệnh viện trước khi được các bác sĩ xác định rằng có viên đạn nằm phía sau tai trái của ông Michael.
Ngay lập tức, cơ quan chức năng tiến hành lục soát nhà của 2 vợ chồng, nằm trong một khu vực bị kiểm soát nghiêm ngặt. Khi đó, cảnh sát chỉ đơn giản nghĩ rằng ông Michael bị ai đó bắn lạc đạn vào đầu.
Trong quá trình điều tra, cảnh sát phát hiện ra sự thật phũ phàng. Người hãm hại anh chính là người vợ tên April.
Các bằng chứng thu thập được đã chứng minh rằng ông Michael bị ai đó bắn với cự ly gần và điều này hoàn toàn mâu thuẫn với lời khai của cặp đôi.
Sau khi bị bắt, April đã khai với cảnh sát rằng chính cô đã vô tình bắn trúng chồng. Khoảng 4h ngày xảy ra vụ việc, April nghe thấy tiếng chuông báo động trong nhà vang lên.
Cô nhanh chóng móc ra khẩu súng giấu dưới gối rồi không biết vì sao mà bắn nhầm vào đầu của chồng.
Vợ chồng April đã không gọi điện cho cảnh sát vì sợ bị kết án và không được phép sử dụng súng từ nay về sau nữa.
"Làm thế nào là người đàn ông này bị bắn mà không hề biết rằng mình bị bắn và sau đó vẫn có thể đi đến bệnh viện thăm khám được?
Đây thật sự là chuyện vô cùng khó tin", cảnh sát trưởng quận St. Lucie, ông Ken Mascara, cho biết. Chính vì nghi ngờ lời khai của 2 vợ chồng April nên cảnh sát quyết định vào cuộc tìm trước khi phanh phui ra sự thật đằng sau.
Quỳnh Chi(T/h)