Bé trai 9 tuổi “không biết đau” vì mắc chứng bệnh hiếm
Theo thông tin được chia sẻ, bé trai Zach Skitmore (9 tuổi, ở Anh) mắc chứng bệnh hiếm không thể cảm nhận được cơn đau. Ông Steve (53 tuổi, bố của Zach) tiết lộ lần đầu tiên ông nghi ngờ con trai có ngưỡng chịu đựng cực lớn là khi cậu bé được 9 tháng tuổi. Hôm đó, Zach bị tiêm nhưng hoàn toàn không có phản ứng như nhiều đứa trẻ bình thường khác.
Tới năm 1 tuổi, Zach tự cắn vào lưỡi mình nhưng cậu bé lạ không hề hay biết. Khi bị trật khớp hông nặng vào năm 4 tuổi, bé trai thậm chí không cần tới bất cứ loại thuốc gây mê nào trong quá trình bác sĩ xử lý.
“Suốt nhiều năm qua, tôi đã cố gắng nói với mọi người con tôi mắc một chứng bệnh lạ gì đó nhưng không ai tin. Trái lại, họ còn thán phục khi thằng bé không biết đau là gì, kể cả khi bị gãy chân. Đã thế, họ còn bảo con trai tôi là siêu nhân”, ông Steve chia sẻ.
Các bác sĩ cho biết, không cảm nhận được sự đau đớn nghe có vẻ giống như một siêu năng lực nhưng trên thực tế lại là “cơn ác mộng”. Trường hợp như Zach là vô cùng hiếm, trong y văn thế giới ít ghi nhận.
Bé trai sơ sinh bị dị tật bẩm sinh không có lỗ hậu môn
Báo Giáo Dục và Thời Đại dẫn thông tin từ Bệnh viện Thiện Hạnh (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) cho biết đơn vị này vừa phẫu thuật tạo hình thành công lỗ hậu môn cho bé trai sơ sinh bị dị tật bẩm sinh không có lỗ hậu môn.
Trước đó, vào ngày 15/4, một sản phụ ở TP Buôn Ma Thuột nhập viện, sau đó hạ sinh bé trai khi thai kỳ mới ở 35 tuần tuổi. Vì sinh non nên bé trai chỉ nặng 1,8kg, được chẩn đoán suy hô hấp và không có lỗ hậu môn.
Ngay sau khi em bé chào đời, lãnh đạo Bệnh viện Thiện Hạnh đã huy động đội ngũ y, bác sĩ giỏi và có nhiều kinh nghiệm nhất về nhi khoa tiến hành hội chẩn, xây dựng phác đồ chăm sóc đặc biệt.
Sau quá trình chăm sóc, đến ngày 17/4, đội ngũ y, bác sĩ của bệnh viện đã phẫu thuật tạo hình lỗ hậu môn cho bé thành công. Sau ca phẫu thuật, bé trai tiếp tục được các bác sĩ thăm khám, theo dõi và chăm sóc đặc biệt. Trong quá trình theo dõi, bé trai khoẻ, bú tốt, cân nặng 2,4kg, đi cầu bình thường. Bệnh nhi hiện đã được xuất viện, các bác sĩ chỉ định lịch tái khám định kỳ.
"Ngay sau khi chào đời, bé trai này đã được các y, bác sĩ của Khoa Nhi thăm khám, chăm sóc và hỗ trợ hô hấp áp lực dương tại phòng sinh; tầm soát các dị tật bẩm sinh để phát hiện sớm và xử lý kịp thời. Khi đủ điều kiện thì tiến hành phẩu thuật tạo hình. Mục tiêu của phẫu thuật tạo hình là giúp bé phát triển bình thường", bác sĩ Lê Đăng Trung – Phó giám đốc Bệnh viện Thiện Hạnh cho hay.
Người đàn ông bị ong vò vẽ đốt hơn 100 vết
Theo báo Pháp Luật Việt Nam, gần đây, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Tây Ninh liên tiếp ghi nhận các trường hợp cấp cứu vì ong vò vẽ đốt, điển hình là trường hợp của nam bệnh nhân N.N.H. Trong lúc đang dọn kho chứa gỗ, người bệnh bất ngờ bị đàn ong vò vẽ lao vào tấn công, đốt khắp vùng đầu, mặt, cổ, gáy, lưng tới hơn 100 vết đốt.
Tại thời điểm nhập viện, bệnh nhân lơ mơ, khó thở, vị trí các vết đốt sưng nề, đau dữ dội. Tình trạng bệnh nhân rất nguy kịch nên được chuyển lên khoa Hồi sức tích cực tiến hành lọc máu, điều trị chống nhiễm trùng, truyền dịch để đưa chất độc ra ngoài cơ thể. Sau 2 ngày điều trị tích cực, sức khỏe bệnh nhân đã dần ổn định.
Bác sĩ CKII Nguyễn Tấn Phát cho biết với độ nguy hiểm khi bị ong, đặc biệt là ong vò vẽ đốt, cách tốt nhất là nên tránh để bị đốt, cố gắng tránh tiếp xúc với ong, căn dặn trẻ em không nên đến gần tổ ong, không ném, phá hay lấy que chọc tổ ong.
Nếu bị ong tấn công thì cần che phần đầu để không bị đốt, sau đó tìm cách dùng tay bới đất cát vung lên để xua đuổi ong bay đi chỗ khác, thấy ao nước mà biết bơi lặn thì có thể lặn xuống nước để tránh bị ong đốt. Ngoài ra, có thể dùng mùn rơm hoặc giẻ tẩm dầu đốt có nhiều khói để xua ong đi nơi khác làm tổ. Lưu ý, tuyệt đối không được dùng quần áo, gậy xua vì sẽ khiến ong càng bu vào tấn công.
Trường hợp bị ong đốt 1-2 nốt, bình tĩnh sơ cứu để lấy nọc độc bằng cách khều nhẹ hoặc dùng nhíp lấy từng vòi chích của ong ra (đối với loại ong để lại kim khi đốt) và có thể theo dõi tại nhà. Khi thấy có những dấu hiệu bất thường thì cần tới bệnh viện càng sớm càng tốt, tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Trong trường hợp bị đốt từ 5-10 nốt trở lên, kể cả vài nốt nhưng có dấu hiệu nặng như sưng đau, người thấy khó chịu, mệt mỏi hoặc các nốt đốt ở những vị trí ở đầu, mặt cổ với số lượng nhiều..., nên đến bệnh viện càng sớm càng tốt để các bác sĩ có thể sơ cứu kịp thời, truyền nhiều dịch để đào thải độc tố ra ngoài.
Đinh Kim(T/h)